Phát triển du lịch cộng đồng bền vững gắn với bảo vệ môi trường

Thứ Tư, 11/09/2024, 07:38

Du lịch cộng đồng đang được xem là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững nhất cho người dân bản địa. Mô hình này không chỉ giúp bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái, mà còn bảo tồn và phát huy những nét văn hoá độc đáo của địa phương một cách bền vững.

Việt Nam có nhiều tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên, giá trị về lịch sử, văn hóa bản địa của các dân tộc, tập tục và lối sống, văn hóa ẩm thực phong phú của các vùng miền là cơ sở để phát triển mạnh loại hình du lịch cộng đồng. Ở Việt Nam mô hình này đang dần trở thành xu hướng du lịch mới, được nhiều du khách lựa chọn. Có rất nhiều khu vực phát triển mô hình này như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ… Nguồn thu từ việc phát triển du lịch cộng đồng vừa giúp người dân phát triển kinh tế bền vững, vừa góp phần bảo tồn tài nguyên và giá trị di sản của địa phương.

Từ năm 2022, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh phối hợp với các đơn vị chức năng đã triển khai khảo sát và xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại ấp Thiềng Liềng, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ. Du lịch cộng đồng ở đây tập trung phát triển “văn hóa sinh kế - văn hóa hàng ngày" và “tinh thần bảo vệ rừng” của từng người dân nơi đây cũng như du khách đặt chân đến đảo.

Ban đầu, du lịch cộng đồng Thiềng Liềng có 13 hộ tham gia, nay số lượng đã lên 22 hộ cùng với 24 điểm đến cho du khách tham quan, khám phá. Nhiều sản phẩm du lịch cộng đồng ở Thiềng Liềng đưa du khách đến gần với thiên nhiên hơn như: Cung đường hiking, đua bạch tuộc, đua nha sông, tắm rừng, không gian nghề muối, không gian hoài niệm, homestay, đờn ca tài tử... Các sản phẩm du lịch do chính người dân đang sinh sống tại ấp đảo Thiềng Liềng tự tay chế biến với nguyên liệu có sẵn ở địa phương, như: Sâm giải nhiệt, bánh lọt, nước nha đam, nước uống từ hoa đậu biếc, trái si rô, kem dừa nước, muối thảo dược…

Sau hơn 2 năm triển khai, mô hình du lịch cộng đồng ở ấp đảo Thiềng Liềng đã góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân nơi đây. Các hộ dân trước đây chỉ biết "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" chủ yếu làm muối và đánh bắt thủy sản, nhưng hiện nay đã biết làm đẹp sân vườn và ngôi nhà của mình, chuẩn bị tươm tất hơn cho bản thân để có diện mạo tươi tắn đón khách du lịch.

Bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Giám đốc HTX Nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch Thiềng Liềng cho biết, từ khi ra mắt điểm đến du lịch cộng đồng ở ấp Thiềng Liềng đến nay, lượng khách đến đây hàng ngàn lượt, doanh thu đạt khá tốt. Từ khi tham gia mô hình du lịch cộng đồng, đến nay ấp Thiềng Liềng không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn của thành phố.

Phát triển du lịch cộng đồng ở ấp Thiềng Liềng là một giải pháp làm kinh tế tập thể, không chỉ tạo điều kiện nâng cao thu nhập cho người dân tham gia mà còn bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái, đảm bảo an ninh, trật tự và an toàn xã hội.

Thiềng Liềng là ấp đảo nằm sâu trong xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, cách trung tâm TP Hồ Chí Minh khoảng 70km, có diện tích 12.999ha với rừng ngập mặn là hệ sinh thái tiêu biểu đặc trưng cho các hệ sinh thái ven biển ở khu vực miền Nam Việt Nam. Thiềng Liềng có 226 hộ dân, 761 nhân khẩu, có 396ha cánh đồng muối. Người dân chủ yếu làm muối với 152 hộ diêm dân, chiếm 67% tổng số hộ gia đình nơi đây.

du-khach.jpg -0
Du khách trải nghiệm phơi muối tại ấp đảo Thiềng Liềng, huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.

Ông Tám Thanh là một trong những người đến khai hoang ấp Thiềng Liềng cho biết, ấp đảo được khai hoang năm 1973, nghề chính trên đảo là làm muối. Ban đầu ít người nhưng "đất lành, chim đậu" nên nhiều người đến ở. Những năm nay gần đây, du lịch cộng đồng trên đảo phát triển đã cải thiện cuộc sống người dân rất nhiều. Du khách đến đây ngoài tham quan các cơ sở làm muối lớn ở ấp đảo, còn trải nghiệm quá trình phơi muối.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, trên thực tế cũng xuất hiện tình trạng một số địa phương người dân làm du lịch với tâm lý “mạnh ai nấy làm” hoặc theo kiểu phong trào, kinh doanh ngắn hạn, không được hoạch định bài bản, khiến việc phát triển du lịch cộng đồng nảy sinh nhiều bất cập. Một số nơi xảy ra tình trạng đua nhau xây dựng các homestay phục vụ khách du lịch, nhập hàng hóa từ nơi khác về bán để có lợi nhuận cao hơn... Điều này vừa không đáp ứng được những mong muốn của du khách, thậm chí còn phản tác dụng, ảnh hưởng lâu dài.

Ở một số nơi còn cạnh tranh không lành mạnh, thu hút khách bằng mọi giá, vì lợi nhuận trước mắt, người dân đã bỏ nghề truyền thống, vốn là nét đặc sắc riêng của cộng đồng bản địa để chạy theo du lịch ăn xổi, dẫn đến mất khả năng thu hút khách du lịch.

Ông Dương Bình Minh, chuyên gia du lịch cho rằng, du lịch cộng đồng bắt nguồn từ nhu cầu của những du khách thích sống gần gũi với người dân nông thôn. Tuy nhiên, từ nhu cầu đó, người dân ở nhiều địa phương cứ thế mà làm, nhà này học theo nhà kia, địa phương này học theo địa phương khác... mà không theo một sự hướng dẫn nào. Các mô hình homestay của bà con đang xây dựng hiện nay còn nặng tính tự phát, chưa được tổ chức tính toán cân nhắc bài bản và chưa đi vào thực chất. Các hình thức hoạt động của loại hình du lịch cộng đồng mới chỉ mang ý nghĩa tham quan, hưởng thụ môi trường, ít đạt được mục đích nâng cao nhận thức, giáo dục môi trường và cảm nhận nét đặc sắc, cái hay, cái đẹp trong văn hóa của cộng đồng bản địa.

Nguyễn Cảnh
.
.
.