Phát triển công nghiệp văn hóa thời 4.0: Tham khảo kinh nghiệm từ các quốc gia tương đồng về văn hóa

Thứ Năm, 19/10/2023, 08:10

Các ngành công nghiệp văn hóa được xác định là có nhiều lợi thế và cơ hội vươn lên, trở thành một trong những khu vực có khả năng thích ứng cao với những đổi mới của kỷ nguyên số, có thể đóng góp tích cực cho sự tăng trưởng về kinh tế.

Thời gian qua, công nghiệp văn hóa là chủ đề được quan tâm tại rất nhiều hội thảo, hội nghị, tọa đàm từ trung ương đến địa phương. Nhưng đến nay, có lẽ với không ít người làm văn hóa, nghệ thuật, công nghiệp văn hóa vẫn là câu chuyện khá xa xôi. Trong khi đó, thực tế không hẳn thế.

Ngạc nhiên, thậm chí có chút giật mình là cảm giác chung của không ít người có dịp đến dự triển lãm của Hàn Quốc - DFesta được tổ chức tại Hà Nội từ nửa cuối tháng 10 đến hết tháng 11. Đây là sự kiện trong hoạt động kỉ niệm 10 năm của Dispatch - Báo điện tử chuyên về giới giải trí, nhất là đời sống của những nghệ sĩ nổi tiếng của Hàn Quốc.

Gọi là triển lãm nhưng thực chất, sự kiện này bao gồm rất nhiều hoạt động ứng dụng công nghệ giàu tính giải trí, đánh vào tâm lý tò mò của người hâm mộ, nhất là người trẻ đối với thần tượng của mình. Từ kho ảnh và những sản phẩm độc quyền về các nhóm nhạc với không gian các không gian trải nghiệm sống động và mới mẻ nhờ ứng dụng công nghệ, những góc check in trong khu triển lãm giúp người hâm mộ “sống ảo” cùng thần tượng, cho đến hàng loạt sản phẩm được bày bán đi kèm, từ tranh ảnh, quần áo, không gian cà phê tràn ngập hình ảnh các thần tượng… Không khó để nhận thấy, sau chuỗi các sản phẩm đậm chất văn hóa, giải trí của xứ Hàn này là doanh thu mang về cho Ban tổ chức.

cong nghiep vh1.jpg -0
Góc triển lãm kho ảnh và sản phẩm độc quyền về 9 nhóm nhạc xứ Hàn tại Hà Nội.

Đại diện Ban tổ chức, ông Seo Young Man cũng cho hay, trước khi đến Hà Nội, DFesta đã được tổ chức tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản. Sự kiện này đã nhận được sự hướng ứng khá tốt. Ban tổ chức lựa chọn Hà Nội là địa điểm tiếp theo của hành trình vì nhận thấy sức ảnh hưởng lớn của làn sóng âm nhạc K – Pop của Hàn Quốc tại Việt Nam. Các hoạt động tại triển lãm lần này đều hướng đến người hâm mộ, đặc biệt là người trẻ tại Việt Nam đối với các thần tượng của họ là 9 nhóm nhạc đình đám của K- Pop xứ Hàn: BTS, Twice, TXT, NCT Dream, NCT 127, Straykids, Enhypen, Seventeen, Nuest.

Thực tế, ngay trước triển lãm này không lâu, sản phẩm công nghiệp giải trí xứ Hàn từng làm mưa làm gió tại Hà thành với concert của nhóm nhạc nữ Blackpink. Trong một khoảng thời gian khá dài trước đó, sản phẩm văn hóa Hàn Quốc tràn ngập từ màn ảnh rộng đến các kênh truyền hình, kéo theo đó là sản phẩm tiêu dùng, văn hóa Hàn Quốc “lên ngôi”.

Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng Giám đốc của công ty TNHH BHD – một trong những đơn vị nổi tiếng về nhập khẩu, phát hành và sản xuất phim tại Việt Nam cũng tiết lộ, năm 1996, BHD mới thành lập, mua bản quyền phim “Yumi – Tình yêu của tôi” do Hàn Quốc sản xuất. Khi BHD đề xuất giới thiệu đến đại chúng, trưởng ban biên tập của một đài truyền hình tại Việt Nam còn hỏi rằng: Hàn Quốc có gì hay mà phải mua phim của họ? Nhưng bây giờ, nếu được hỏi, nhiều người trẻ sẽ trả lời là có thần tượng đến từ Hàn Quốc. Hình ảnh đất nước  Hàn Quốc không còn xa lạ, thậm chí hình ảnh những người đàn ông Hàn Quốc còn lý tưởng đối với nhiều cô gái trẻ như đẹp trai, lãng mạn, rất khó tìm ở ngoài đời. Các sản phẩm văn hóa, trong đó có điện ảnh làm cho nhiều người thay đổi cách nhìn hoàn toàn về đất nước này. Qua điện ảnh, nhiều người Việt nghĩ họ hiểu và trở nên yêu thích văn hóa, đất nước, con người và yêu thích các sản phẩm của xứ sở Kim chi.

Chia sẻ tại một hội thảo về công nghiệp văn hóa thời 4.0 mới đây, ông Choi Seung Jin, Giám đốc Trung tâm văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam cũng cho biết, tại Hàn Quốc, ngành công nghiệp văn hóa liên quan đến các ngành công nghiệp chế tạo và dịch vụ khác. Thống kê cho thấy, nếu xuất khẩu sản phẩm nội dung (công nghiệp văn hóa nội dung) 100 triệu USD thì sẽ kéo theo xuất khẩu sản phẩm tiêu dùng 180 triệu USD. Đóng góp vào con số này, chắc chắn có thị trường Việt Nam.

Theo ông Choi Seung Jin, Việt Nam có đội ngũ nhân lực tài năng đông đảo và lịch sử văn hóa lâu đời, phong phú. Đây là tiềm năng lớn để Việt Nam phát triển công nghiệp văn hóa. Tất nhiên, để công nghiệp văn hóa phát triển thì cần có sự nỗ lực từ nhiều phía. Tại Hàn Quốc, chính phủ có sự điều phối hợp giữa các sản phẩm nội dung văn hóa với các sản phầm của ngành công nghiệp chế tạo để giới thiệu ra thế giới, quan tâm đầu tư nguồn nhân lực trong từng lĩnh vực cụ thể và không ngừng quan tâm đầu tư kỹ thuật mới, công nghệ mới. Tuy nhiên, chính phủ sẽ không thể hỗ trợ hết mà có chính sách, cơ chế hợp tác giữa nhà nước và doanh nghiệp. Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi khởi nghiệp, chính phủ xây dựng hệ thống xác định quá trình phát triển của các doanh nghiệp trong từng giai đoạn và có chính sách hỗ trợ theo từng giai đoạn đó.

Ông Choi Seung Jin cũng cho rằng, hỗ trợ về tài chính là hỗ trợ quan trọng nhất. Ví dụ đối với hoạt hình, từ khi bắt đầu sản xuất đến khi ra mắt công chúng, mang lại hiệu qủa kinh tế, doanh nghiệp có thể mất 2-3 năm. Chính phủ Hàn Quốc đã vận hành các quỹ dành cho các nội dung sáng tạo các ngành công nghiệp văn hóa thông qua các cơ quan trực tiếp vận hành các quỹ đó, lựa chọn các bộ phim có tiềm năng và sử dụng các quỹ mà chính phủ đã xây dựng để đầu tư cho các bộ phim này… Có trường hợp chính phủ trực tiếp đầu tư như các ngành áp dụng kỹ thuật công nghệ mới. Chính phủ đầu tư về cơ sở vật chất, hạ tầng và vận hành các cơ sở chế tác truyền hình và cho doanh nghiệp thuê ưu đãi với giá rẻ, hỗ trợ về bảo vệ bản quyền, khai phá thị trường, xuất khẩu…

Trao đổi về phát triển công nghiệp văn hóa, không ít người hoạt động văn hóa nghệ thuật cho rằng, một đất nước yêu văn học, nghệ thuật như Việt Nam là thị trường lớn. Việt Nam có nhiều tiềm năng, nhiều cơ hội cho các ngành công nghiệp văn hóa nhưng kèm theo đó cũng đối diện với không ít thách thức. Phát triển công nghiệp văn hóa của Việt Nam đi sau nhưng có thể học hỏi từ nhiều quốc gia. Bà Ngô Thị Bích Hạnh đề xuất, chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm từ những quốc gia có nền văn hóa tương đồng với Việt Nam và cụ thể, gần nhất có kinh nghiệm của Hàn Quốc, áp dụng cho Việt Nam.

N.Nguyễn
.
.
.