Phát triển công nghiệp văn hóa: Nhiều nút thắt chờ tháo gỡ kịp thời
Sau 5 năm kể từ khi Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được ban hành, việc phát triển CNVH vẫn còn nhiều nút thắt đòi hỏi phải được tháo gỡ kịp thời.
Công nghiệp văn hóa còn nhiều dư địa phát triển...
Chỉ sau 3 năm triển khai Chiến lược phát triển các ngành CNVH, 12 ngành CNVH đã đóng góp doanh thu khoảng 8.081 tỷ USD, tương đương với 3,61% với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2018. Nghĩa là chúng ta ở mức trung bình của thế giới trong khi dư địa phát triển vẫn còn nhiều. Đó là khẳng định của PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam khi nhìn lại chặng đường phát triển CNVH trong 5 năm gần đây.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Phương, hiện nay, số lượng các không gian văn hóa, sáng tạo và nghệ thuật ngày càng nhiều. Cùng với sự tăng lên về cả chất lượng và số lượng của các sự kiện, chương trình văn hóa nghệ thuật do các đơn vị Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân tổ chức đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của người dân nhiều thành phố. Nhiều khu vực nhà máy cũ, khu công nghiệp, khu vực kém phát triển tại nhiều đô thị được nghiên cứu, đề xuất và thử nghiệm chuyển đổi công năng thành các trung tâm sáng tạo, không gian văn hóa nghệ thuật.
Tại Hà Nội có tổ hợp Complex 01 ở phố Tây Sơn, điểm đến yêu thích hiện nay của giới trẻ, vốn trước là một xưởng in cũ. Hanoi Creative City trên thực tế được vận hành ở một tòa nhà xây trên nền tòa nhà Kim khí Thăng Long. Không gian sáng tạo về Thiết kế 282 Design ở phố Phú Viên (Gia Lâm), trước là nhà máy sản xuất mũ cối, nằm lọt trong khu dân cư đông đúc, hiện đã trở thành một địa điểm thường xuyên tổ chức các sự kiện thiết kế, triển lãm nghệ thuật, workshop về thiết kế nội thất gỗ…
Những chuyển động tích cực về chủ trương, chính sách trong thời gian qua đã thúc đẩy hình thành nhiều chương trình, sáng kiến đột phá, trong đó sự thành công của TP Hà Nội tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO với lĩnh vực Thiết kế. Hiện nay, CNVH đang tạo ra sức mạnh mềm văn hóa thúc đẩy hội nhập quốc tế và nâng cao vị thế đất nước. Một số ngành CNVH như điện ảnh, du lịch văn hóa... đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng và quảng bá thương hiệu quốc gia thông qua các hoạt động xúc tiến, quảng bá, phát triển thương hiệu dưới dạng thức các chương trình, sự kiện hợp tác quốc tế được tổ chức tại Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam cũng tổ chức các sự kiện quốc tế góp phần thúc đẩy hòa nhập và cố kết xã hội. Văn hóa và sáng tạo góp phần phát triển con người, đặc biệt là các nhóm yếu thế trong xã hội như phụ nữ, thanh niên, trẻ em, khuyết tật, dân tộc thiểu số...
Các hoạt động văn hóa và sáng tạo còn thúc đẩy sự cố kết và phát triển cộng đồng theo hướng bao trùm, hoà nhập xã hội, hình thành các mạng lưới xã hội như: Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống; Mạng lưới sáng kiến không gian sáng tạo Việt Nam (ViCHI); 2030 Youth Force Vietnam - mạng lưới các nhóm thanh niên được thành lập nhằm mục đích hỗ trợ các bạn trẻ cùng hành động vì các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs)...
Và còn nhiều rào cản
Mặc dù phát triển CNVH trong thời gian qua đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Đó là nhận định chung của nhiều nhà nghiên cứu, quản lý và các văn nghệ sĩ. Giám đốc Hanoi Grapenive – bà Trương Uyên Ly cho rằng, phát triển CNVH hiện nay đang thiếu nhiều bệ đỡ. Sản phẩm văn hóa không thể được đối xử như các sản phẩm thông thường khác. Chiến lược phát triển CNVH cũng đã đề cập đến sự phối hợp của nhiều bộ, ngành trong tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các ngành CNVH về ưu đãi thuế, cơ sở vật chất… Tuy nhiên, đến nay, hầu như các chính sách ưu đãi cho phát triển CNVH chưa có, chưa được triển khai.
Về phát triển CNVH, sáng tạo của Việt Nam, nhạc sĩ kiêm nhà sản xuất âm nhạc – Quốc Trung khẳng định: Rào cản lớn nhất và dễ nhận thấy nhất là nhận thức về sáng tạo của Việt Nam còn khá hạn chế. Sự hạn chế không chỉ ở công chúng, khán giả mà còn ở ngay chính đội ngũ sáng tạo. Năng lực hạn chế, môi trường ít sự cạnh tranh, thiếu lành mạnh, chưa đòi hỏi sự sáng tạo phải đẩy lên cao nhất. Các rào cản về quản lý, thói quen nhanh nhiều tốt rẻ, niềm vui về sự sáng tạo không nhiều, thành quả còn ít và lệch lạc dẫn tới các sản phẩm sáng tạo chưa có chất lượng cao ở trong nước, chưa nói đến việc có năng lực cạnh tranh quốc tế. Tại nhiều địa phương, khi bắt đầu công nghiệp sáng tạo thường nghĩ ngay đến các làng nghề.
Bên cạnh sự mai một về nét đặc trưng từ văn hóa truyền thống thì một trong những vấn đề của sự phát triển làng nghề là năng lực sáng tạo. Từ nhận thức kém đến thói quen lâu nay là sao chép mẫu mã của bên ngoài hay chính các hộ sản xuất đã làm mất đi sự độc đáo, dẫn đến triệt tiêu lẫn nhau bằng cách hạ giá thành sản xuất. Nhiều làng nghề trở thành nơi gia công chứ không phải trung tâm sáng tạo.
“Tôi chưa nhìn thấy kế hoạch phát triển hay đào tạo nâng cao năng lực sáng tạo từ thiết kế, mẫu mã cho đến marketing, bán hàng có hiệu quả của các làng nghề. Trong công nghiệp biểu diễn cũng vậy. Các mô hình biểu diễn cũ kỹ với sự đầu tư hạn chế về mọi mặt, thói quen an toàn với những tên tuổi tác phẩm, tác giả và cả nghệ sĩ lên đến vài chục năm tạo nên một thói quen dè dặt đón nhận những sáng tạo, thể nghiệm và gương mặt mới. Cơ hội cho đội ngũ sáng tạo trẻ rất ít”, nhạc sĩ Quốc Trung nhận định.
Theo nhạc sĩ Quốc Trung, một nền công nghiệp không thể phát triển nếu phụ thuộc vào ngân sách các nhãn hàng, ngành hàng và sẽ không tạo nên những giá trị về cả văn hóa lẫn kinh tế. Muốn xây dựng chiến lược phát triển CNVH, sáng tạo thì trước tiên cần nâng cao năng lực sáng tạo. Các thành phố cần nghiên cứu, đưa ra được kế hoạch phát triển cụ thể của từng lĩnh vực sáng tạo dựa vào năng lực riêng mà địa phương mình có thể phát triển.
Về vấn đề này, NSƯT Trần Ly Ly, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng cho rằng, hiệu quả của phát triển CNVH, sức mạnh mềm của văn hóa, của nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh… đã được khẳng định qua thành quả của rất nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, để phát triển CNVH thì chỉ có những nỗ lực của riêng các nghệ sĩ thôi sẽ không đủ, mà cần có nhiều điều kiện khác về chính sách, môi trường sáng tạo…