Phát triển bóng chày ở Việt Nam là thực tế khác xa phim ảnh
Trong 2 năm, Liên đoàn Bóng chày và Bóng mềm Việt Nam đã tổ chức giải vô địch quốc gia, cũng như tập trung đội tuyển. Nhưng sau những thành công về mặt hình ảnh, trận thua ngày ra quân khiến những người làm bóng chày Việt Nam dần trở về thực tại. Môn thể thao này, hóa ra khác rất nhiều những gì chúng ta thấy trên phim ảnh.
Mơ tưởng...
Dường như không có môn thể thao nào ít thi đấu ở Việt Nam, nhưng lại được công chúng biết đến nhiều như bóng chày. Trong thập niên 90, khán giả bắt đầu "xem" bóng chày từ những bộ truyện tranh Nhật Bản được du nhập vào Việt Nam. Mức phủ sóng rộng rãi của bóng chày tại Nhật Bản đến từ một lý do rất đơn giản.
Ở xứ sở mặt trời mọc, môn thể thao vua là bóng chày, không phải bóng đá. Trong thời gian tác nghiệp World Cup 2002, những phóng viên quốc tế đến Nhật Bản làm việc nói họ rất ngạc nhiên khi người dân quốc gia này "không quá chú ý đến Cúp thế giới như chúng tôi nghĩ". Còn với bóng chày, mọi chuyển động của giải đấu đều được quan tâm.
Đến giai đoạn 2000-2010, thời điểm khán giả Việt Nam có thể xem các kênh truyền hình quốc tế, bóng chày dần trở thành thú vui mới của một số cá nhân. Thay vì xem bóng đá như thường lệ, họ có thể mở ti vi vào mỗi sáng để xem các trận đấu của MLB (giải bóng chày nhà nghề Mỹ). Bóng chày đã đến với người Việt Nam như thế.
Được tiếp xúc với bóng chày từ truyện tranh, phim ảnh và những trận đấu đỉnh cao; thế nên suy nghĩ của khán giả Việt Nam về môn thể thao này khá... phi thường. Trong các trận đấu của MLB hay trên truyện tranh, luôn có một vài nhân vật nào đó sở hữu khả năng nổi trội. Họ có thể ném bóng mạnh hơn, đánh bóng giỏi hơn.
Cũng ở những trận đấu như thế, sai lầm hiếm khi xuất hiện. Không giống bóng đá, bóng chày là môn thể thao diễn ra với rất nhiều quãng nghỉ giữa từng lượt đấu của mỗi đội. Ngay trong thời gian thi đấu trên sân, cầu thủ có thể nhai kẹo cao su, ăn bỏng ngô, uống nước ngọt, vui đùa nói chuyện cùng nhau.
Những hình ảnh về môn bóng chày tại Mỹ khiến nhiều người xem bóng chày Việt Nam nhận định, môn thể thao này chơi cũng đơn giản thôi! Suy nghĩ sai lệch về bóng chày từ đó dần bắt đầu. Mọi hình ảnh màu hồng trong việc phát triển bóng chày tại Việt Nam bắt đầu hiện ra từ giải vô địch quốc gia, và lộ rõ tại giải đấu quốc tế đầu tiên.
... và thực tế
Ngay trước dịp Tết Nguyên đán 2023, đội tuyển bóng chày Việt Nam lần đầu tiên được thành lập. Khoảng 1 tháng sau, các thành viên đội tuyển tập trung tại Hà Nội. Với đội hình gồm những cá nhân xuất sắc nhất của bóng chày Việt Nam, cùng một HLV trưởng người Hàn Quốc, đội tuyển lên đường sang Lào dự giải Bóng chày Cup Indochina Dream League 2023.
Với 4 đội là chủ nhà Lào cùng Thái Lan, Campuchia và Việt Nam, Cup Indochina Dream League 2023 trở thành giải đấu hoàn hảo để bóng chày Việt Nam xác định vị thế của mình trên bản đồ thế giới. Mọi thứ dần hiện rõ ngay sau trận đầu tiên, khi đội tuyển bóng chày Việt Nam tiếp đón đội chủ nhà Lào.
Chẳng ai nghĩ ngay trong trận đấu đầu tiên, đội tuyển bóng chày Việt Nam đã nhận thất bại 1-18 trước Lào. Đây là thất bại lớn về mặt chuyên môn, khi đội tuyển Việt Nam liên tục để đối phương đỡ bóng thành công. Nhưng kết quả này không quá bất ngờ với người hâm mộ, nhất là trong mắt những ai đã theo dõi giải vô địch quốc gia.
Phần lớn cầu thủ bóng chày Việt Nam chỉ là người hâm mộ môn thể thao này, thi đấu như VĐV phong trào. Kinh nghiệm thi đấu và kỹ năng của họ được thể hiện rõ ràng trong các tình huống bóng phòng ngự. Từ giải vô địch quốc gia đến đấu trường quốc tế, các cầu thủ bóng chày Việt Nam mắc khá nhiều lỗi bắt bóng, khiến đối phương có cơ hội ghi điểm.
Một chi tiết khác để nhận biết những VĐV bóng chày Việt Nam thiếu kinh nghiệm thi đấu là cách dùng găng che tay của cầu thủ ném bóng. Với một cầu thủ bóng chày, bài học đầu tiên họ được học là phải không cho đối thủ biết được mình sẽ ném bóng theo cách nào. Để làm được điều đó, họ phải dùng găng che bàn tay cầm bóng.
Nhưng ở giải vô địch bóng chày Việt Nam lần đầu tiên, những cầu thủ ném bóng lại liên tục để lộ bàn tay cầm bóng. Điều đó khiến cầu thủ đánh bóng bên phía đối phương biết rõ đường bóng sắp tới như thế nào, qua đó có phương án đỡ bóng từ sớm. Hẳn điều đó cũng xuất hiện khi đội tuyển bóng chày Việt Nam đối đầu Lào.
Những người có ý định phát triển bóng chày Việt Nam hẳn cần dành thêm thời gian để biết, đây là môn thể thao rất khó vươn tầm quốc tế. Lợi thế hiếm hoi của bóng chày Việt Nam là chúng ta có thể được các tổ chức hữu nghị từ Nhật Bản, Hàn Quốc hỗ trợ. Nhưng điều kiện quyết định thành bại sự phát triển của bóng chày Việt Nam vẫn là nguồn vận động viên, trong bối cảnh tay không bột khó gột nên hồ.
Bóng chày không chỉ có ném bóng và đánh bóng. Những kiến thức cơ bản còn thiếu sót như kỹ năng phòng ngự, hay giấu tay ném bóng chỉ là một trong vô vàn chi tiết mà bóng chày Việt Nam cần khắc phục trước khi vươn tầm quốc tế. Bên cạnh đó, bóng chày còn là môn thể thao "ra ngõ gặp anh hùng" vì có rất nhiều đội bóng châu Á đạt đẳng cấp thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Bắc Trung Hoa.
Bóng chày phát triển khó thế nào, hãy nhìn từ Mỹ
Là quốc gia có nền bóng chày phát triển nhất, bên cạnh giải nhà nghề (major league), Mỹ còn có một hệ thống các giải bóng chày hạng dưới (minor league). Với 5 hạng đấu, Mỹ có khoảng 200 đội bóng minor league cùng 6000 cầu thủ thi đấu. Họ đều mang giấc mơ được các đội nhà nghề để ý đến trong tương lai, nhưng không phải ai cũng hiện thực hóa được điều ấy.
Phần lớn cầu thủ thi đấu ở minor league không bao giờ được thi đấu nhà nghề. Mức độ phân cấp rõ ràng của bóng chày đỉnh cao khiến tương lai của một cầu thủ gần như được quyết định ngay khi anh ta mới 18 tuổi. Nếu không nhận được tiền lót tay cao khi ký hợp đồng thi đấu đầu tiên, một cầu thủ gần như cầm chắc việc chôn chân ở minor league đến ngày giải nghệ.
Cầu thủ bóng chày tại minor league cũng không có cuộc sống trong mơ, không sở hữu thu nhập triệu đô như đồng nghiệp. Họ sống khiêm tốn với mức thu nhập vỏn vẹn 1-2000 USD mỗi tháng, phải đi từ nơi này đến nơi khác bằng xe bus đường dài, ăn thức ăn nhanh mỗi ngày do phải tiết kiệm tối đa chi phí sinh hoạt.