Phát hiện Chế phong của vua Bảo Đại ban khen nhà văn Nguyễn Công Hoan
Trong chế phong ban khen nhà văn Nguyễn Công Hoan, vua Bảo Đại viết: Nghĩ khanh, giáo học Nguyễn Công Hoan, có tài năng văn học, tài khí đáng trọng, có tác dụng bồi dưỡng danh giá, tiếp tục tiến lên, làm quan thận trọng, trong sạch chuyên cần, không lúc nào quên. Thật đáng khen khanh ở triều đình...
Trao đổi với PV chiều 28/10, chị Nguyễn Ngọc Đoan, cháu nội của nhà văn Nguyễn Công Hoan cho biết: Trong số các hiện vật gia đình còn lưu giữ được về nhà văn Nguyễn Công Hoan, có một bức Chế phong do vua Bảo Đại ban cho giáo học Nguyễn Công Hoan vào ngày 2/5/1944 (năm Bảo Đại thứ 19).
Trước cách mạng Tháng Tám, nhà văn Nguyễn Công Hoan làm nghề dạy học ở một số tỉnh phía Bắc và viết văn. Ông sớm nổi tiếng trên văn đàn và để lại di sản hơn 200 truyện ngắn, gần 30 truyện dài, nhiều tiểu luận văn học; trong đó có những tác phẩm tiêu biểu như “Bước đường cùng”, “Kép Tư Bền”, “Người ngựa, ngựa người”, “Lá ngọc cành vàng”, “Tắt lửa lòng”…
Theo chị Ngọc Đoan cho biết, vào dịp gia đình tổ chức kỷ niệm 120 năm ngày sinh của nhà văn Nguyễn Công Hoan (6/3/1903 - 6/3/2023), một người em họ là PGS.TS Vũ Hùng Cường, Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội, tìm thấy trong kho tư liệu của Viện bản sắc phong của vua Bảo Đại ban cho giáo học Nguyễn Công Hoan. PGS.TS Vũ Hùng Cường đã scan và in lại theo kích thước thật (140 x 70) và mang tặng gia đình.
Báo CAND trân trọng giới thiệu nội dung Chế phong vua Bảo Đại ban cho giáo học Nguyễn Công Hoan:
“Nhận mệnh trời, vận số hưng thịnh Chế của Hoàng đế, rằng: Trẫm lập nền chính trị, dùng người theo chế độ luận công, xét tài mà đặt chức vị khiến công việc phù hợp với năng lực.
Nghĩ khanh, giáo học Nguyễn Công Hoan, có tài năng văn học, tài khí đáng trọng, có tác dụng bồi dưỡng danh giá, tiếp tục tiến lên, làm quan thận trọng, trong sạch chuyên cần, không lúc nào quên. Thật đáng khen khanh ở triều đình.
Nay thăng (cho khanh làm) chức Phụng nghị Đại phu, Hàn lâm viện thị độc, ban cho chế này. Mong khanh xứng đáng là bậc mô phạm, giáo dục người, làm nòng cốt cho đất nước để xứng đáng với sự trọng văn (của trẫm).
Kính thay!”
Cuối chế có đóng dấu “Sắc mệnh chi bảo”, tức dấu báu ban sắc của mệnh vua.