Nhùng nhằng vướng mắc trong phát huy thiết chế văn hóa công lập

Thứ Ba, 02/07/2024, 08:02

Nhiều thiết chế văn hóa được nhà nước đầu tư nhưng khó phát huy do gặp những vướng mắc nhiều năm qua trong hợp tác, liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân để quản lý, khai thác. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, vấn đề này vẫn chưa được tháo gỡ.

Nằm tại Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam có tổng diện tích lên đến 1.544ha và được xác định là một mô hình khu kinh tế - văn hóa đặc thù, trong đó văn hóa vừa là động lực, vừa là mục tiêu. Sau hơn 10 năm, đến nay, Làng có hạ tầng khá đẹp.

Số liệu thống kê của Ban Quản lý Làng cũng cho thấy, hiện nay, mỗi năm, Làng đón khoảng 500.000 lượt du khách. Tuy nhiên, nếu chỉ một lần ghé thăm Làng, du khách không khó nhận thấy, dịch vụ vui chơi giải trí và các nhiều dịch vụ khác nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách du lịch, vừa có thể  tăng doanh thu của Làng thì chưa thực sự đa dạng, phong phú.

thiet che vh.jpg -0
Thu hút du khách nhưng Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam vẫn cần thêm nhiều đầu tư về dịch vụ để có doanh thu cao hơn.

Chia sẻ vấn đề này, ông Trịnh Ngọc Chung, quyền Trưởng ban quản lý Làng cho biết, đơn vị cũng rất muốn đưa Làng trở thành nơi cung cấp nhiều trải nghiệm hơn nữa cho du khách, kể cả du lịch đêm. Cái khó là Làng phải có cơ sở lưu trú đủ đáp ứng nhu cầu của khách, song hiện nay Làng chưa có hệ thống này.

Lý do, theo Kế hoạch đầu tư phát triển Làng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2008 thì Ban Quản lý đề xuất cấp có thẩm quyền cho phép Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù để Ban Quản lý Làng có thẩm quyền trong lĩnh vực quản lý đầu tư, xây dựng, đất đai như được giao lại đất, được cấp chủ chương đầu tư…

Như thế, Ban Quản lý Làng có thể đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư, quảng bá, giới thiệu để thu hút các nhà đầu tư vào các khu chức năng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách, hoàn thiện tổng thể Làng theo quy hoạch với nhiều loại hình hoạt động đa dạng, có quy mô lớn. Tuy nhiên, theo Luật Đất đai năm 2013, Ban Quản lý không có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất. Theo Luật Đầu tư năm 2015, Ban Quản lý không có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư hay cấp giấy chứng nhận đầu tư…

Ngoài ra, ông Chung cũng cho rằng, rất  khó thu hút đầu tư đối với các dự án văn hóa, du lịch vào Làng vì giá đất áp dụng theo quy định hiện hành là 1,7 triệu đồng/m2 là rất cao. Vì vậy, đến nay, Làng chưa hoàn thành công tác đầu tư xây dựng các khu chức năng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách, chưa hoàn thành tổng thể theo quy hoạch hệ thống hạ tầng du lịch có quy mô lớn  như  thương mại, triển lãm, vui chơi giải trí, khách sạn, thể dục, thể thao.

Nhằm phát huy công năng và hiệu quả sử dụng của công trình, góp phần đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ, nhằm huy động các nguồn lực cho đầu tư tôn tạo phát triển văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu du khách, Ban Quản lý Làng đã xây dựng Đề án tài sản công vào mục đích cho thuê theo Nghị định số 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Tuy nhiên, hiện nay, Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê còn vướng mắc về cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Thực tế, những vướng mắc như của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam nói trên không phải là cá biệt. NSND Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cũng từng chia sẻ rằng, Nhà hát có chủ trương liên doanh, liên kết trong khai thác mặt bằng của đơn vị. Tuy nhiên, vì áp giá thuê quá cao nên khó thu hút nhà đầu tư. Nhiều năm qua, Nhà hát ký hợp đồng 1-3 tháng, dành kinh phí cho hoạt động mang tính phúc lợi, qua tổ chức công đoàn.

Thông tin từ Bộ VHTTDL cũng cho biết, hiện nay, các cơ sở nghệ thuật biểu diễn thuộc Bộ chưa được đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, kỹ thuật, phần lớn xuống cấp, lạc hậu và hư hỏng, chưa đáp ứng nhu cầu làm việc, tập luyện và biểu diễn. Có 4 đơn vị có trụ sở làm việc nhưng chưa có cơ sở biểu diễn gồm Nhà hát Nhạc, Vũ kịch Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Kịch Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam.

Các đơn vị này thường xuyên phải thuê địa điểm biểu diễn với nguồn kinh phí lớn, ảnh hưởng trực tiếp thu nhập của cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên và người lao động. Ngược lại, có đơn vị đã có cơ sở biểu diễn nhưng chưa có trụ sở làm việc riêng như Nhà hát Chèo Việt Nam. Các đơn vị có cơ sở biểu diễn gồm Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ nhưng sức chứa nhỏ, chưa đáp ứng theo quy định hiện hành.

Về quỹ đất sử dụng, phần lớn các cơ sở chưa đạt theo quy định tại Thông tư 01/2017/TT-BTNMT (chiếm tỷ lệ 83%). Với hệ thống bảo tàng, mặc dù từ năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020 nhưng  mới chỉ có Bảo tàng Dân tộc học được đầu tư xây dựng năm 2006. Còn lại, các dự án đầu tư xây dựng các bảo tàng cấp quốc gia khác như (Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam) chưa thực hiện được theo lộ trình đề ra do không bố trí được nguồn vốn…

Trao đổi với chúng tôi, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy còn cho biết, trong các năm qua, đối với Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết, Bộ VHTTDL đã hướng dẫn các đơn vị trực thuộc Bộ thực hiện quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Hiện tại, Bộ Tài chính cũng đang thực hiện sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 151. Bộ VHTTDL cũng đang giao các cơ quan chức năng rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, nếu đủ điều kiện sẽ xây dựng nghị định nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quản lý, sử dụng và khai thác thiết chế văn hóa. Nếu không đủ điều kiện xây dựng nghị định riêng, Bộ VHTTDL sẽ đề xuất với Bộ Tài chính cân nhắc tính đặc thù của ngành văn hóa, thể thao và du lịch trong quá trình sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 151.

N.Nguyễn
.
.
.