Nhiều ý kiến tâm huyết với đồ án mới Quần thể Di tích Cố đô Huế

Thứ Sáu, 27/10/2023, 08:20

Đồ án quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích (QTDT) Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050 có quy mô, phạm vi nghiên cứu khá lớn nhằm tiếp tục bảo tồn hiệu quả, hướng đến phát triển kinh tế di sản bền vững, đưa di sản trở về với cộng đồng, gắn kết với cộng đồng và mang lại lợi ích cho cộng đồng…

Những ngày này, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cộng đồng đang có nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết để UBND tỉnh Thừa Thiên Huế hoàn thiện Đồ án quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi QTDT Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trước khi gửi Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

do_an1-1698369672145.JPG
Một phần khu di sản kinh thành Huế tại di tích Ngọ Môn.

Đồ án đang được trưng bày lấy ý kiến có phạm vi nghiên cứu, lập quy hoạch với diện tích 134.000 ha, gần như bao trọn địa giới hành chính của TP Huế và một số khu vực của 2 thị xã Hương Trà và Hương Thủy cùng 2 huyện Quảng Điền và Phú Vang. Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch này chưa đủ, cần xem xét thêm một số khu vực ở huyện Phú Lộc. Bởi, ở đây còn tồn tại các di tích rất quan trọng gắn với thời chúa Nguyễn và triều Nguyễn như: chùa Thánh Duyên, hành cung Tịnh Viêm…

Hiện, Trung tâm Bảo tồn Di tích (TTBTDT) Cố đô Huế đang tổ chức trưng bày, lấy ý kiến cộng đồng về đồ án Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi QTDT Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Theo đồ án, QTDT Cố đô Huế được xác lập bao gồm 5 phân vùng chức năng, gồm: Khu vực 14 di tích di sản UNESCO; khu vực tái tạo di sản và tương tác phát triển; công viên quốc gia Tam Chủ Sơn; khu vực cảnh quan văn hóa sông Hương và các chi lưu; các khu vực đón tiếp và dịch vụ trung tâm... Có 12 nội dung chính được TTBTDT Cố đô Huế lấy ý kiến cộng đồng, gồm: Bối cảnh vùng, các điều kiện tự nhiên và hiện trạng; tầm nhìn, quan điểm và mục tiêu quy hoạch; các tiền để bảo tồn di sản và phát triển bền vững; dự báo phát triển và các chỉ tiêu chủ yếu; quy hoạch phân vùng bảo vệ và bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; định hướng bảo tồn di sản gắn với phát triển bền vững; định hướng phát triển không gian; khung sử dụng đất, hạ tầng kinh tế, xã hội và hạ tầng kỹ thuật; định hướng thiết kế đô thị và cảnh quan văn hóa; dự báo tác động và biện pháp bảo vệ môi trường; kinh tế di sản và giải pháp thực hiện quy hoạch…

Mới đây, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến các chuyên gia về đồ án Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi QTDT Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, từ khi được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa thế giới - di sản văn hóa vật thể đầu tiên của Việt Nam, QTDT Cố đô Huế đã trải qua 2 thời kỳ quy hoạch (giai đoạn 1996-2010 và giai đoạn 2010-2020). Thời gian qua, đã có hàng trăm công trình di tích đã được bảo quản, tu bổ, phục hồi; trong đó có nhiều công trình lớn, có giá trị tiêu biểu cả về lịch sử và nghệ thuật. Các di sản văn hóa phi vật thể cũng được chú trọng nghiên cứu bảo tồn một cách bài bản và phát huy một cách hiệu quả. Bộ mặt di sản Huế không ngừng thay đổi, hồi sinh dần trở lại với diện mạo vốn có trong lịch sử…

Theo KTS Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam, từ lâu quy hoạch của Thừa Thiên Huế đã có quan điểm rõ ràng về bảo tồn và phát huy giá trị của đô thị Huế gắn với sông Hương và hệ thống kinh thành Huế. Với quy hoạch này, đồ án đã nêu hiện trạng một số công trình tiêu biểu của QTDT Cố đô Huế; tuy nhiên chưa đủ, cần phải nhấn mạnh rõ công trình tiêu biểu được trùng tu và phát huy giá trị cũng như công trình nào đang xuống cấp, nguy cơ, các công trình đã có dự kiến kế hoạch tu bổ… Đặc biệt, cần quan tâm đến biến đổi khí hậu bởi Huế là địa phương thường chịu nhiều thiên tai; phải có dự báo cũng như các giải pháp cụ thể cho công tác bảo tồn di tích…

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính cho rằng, các tác giả của Đồ án cần trả lời, làm rõ những nội dung trọng tâm về bảo tồn QTDT Cố đô Huế: đánh giá đầy đủ giá trị của QTDT, đánh giá hiện trạng, những nội dung đã làm được và làm tốt trong thời gian qua… Từ đó, hoạch định những vấn đề lớn như tổ chức không gian, gắn kết đô thị, bảo vệ môi trường cảnh quan, bởi không ở đâu mà hệ thống di tích, di sản lại gắn chặt chẽ với thiên nhiên như Huế.

Về góc nhìn kết nối với du lịch, ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho rằng: Đồ án quy hoạch không gian phát triển phải luôn luôn mở, thuận theo thiên nhiên, gần gũi với thiên nhiên và có sự tương tác của cộng đồng. Ở mỗi điểm đến, khách du lịch luôn mong muôn có không gian tương tác, nên nhu cầu về không gian này ở khu di sản Huế là rất lớn. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm của một số nơi trên thế giới, đô thị di sản sau khi thu hút đông đảo du khách chỉ quan tâm đến du lịch mà quên đi yếu tố cốt lõi là di sản, dẫn đến suy tàn. Thế nên, chúng ta cũng cần nghiên cứu, dự báo nguy cơ này. Quy hoạch cần lấy giá trị di sản phi vật thể làm nền, nóng cốt bên cạnh bảo tồn phát huy giá trị di sản vật thể…

Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc TTBTDT Cố đô Huế cho biết, những ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, người dân sẽ được trung tâm và đơn vị tư vấn tiếp thu, nghiên cứu điều chỉnh phù hợp, đúng quy định hiện hành và thực tế của địa phương. Mục tiêu của đồ án là bảo tồn di sản văn hóa cảnh quan Cố đô Huế toàn vẹn và bền vững với tư cách là một trung tâm văn hóa, di sản quốc gia, khu vực và quốc tế. Hướng đến phục hồi và làm sống lại các không gian di sản, chuyển hóa khu vực QTDT Cố đô Huế thành hạt nhân, động lực chủ yếu trong chiến lược phát triển đô thị di sản Huế; giáo dục giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hoá dân tộc, tạo sinh lực mới, đưa di sản trở về với cộng đồng, gắn kết với cộng đồng và mang lại lợi ích cho cộng đồng…

Hải Lan
.
.
.