Nhiều thách thức trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ lĩnh vực văn hóa và sáng tạo

Thứ Hai, 24/10/2022, 15:22

Các ngành công nghiệp văn hoá và sáng tạo có tiềm năng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam với một thị trường sôi động cho các sản phẩm và dịch vụ văn hóa sáng tạo nội địa trong những năm tới. Tuy nhiên, các ngành này hiện đang gặp phải nhiều thử thách do những vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ.

Đây là nhận định chung của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý tại hội thảo “Củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam”. Hội thảo do Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp cùng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. 

Củng cố thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hóa và sáng tạo -0
Hội thảo có sự tham gia của đông đảo khách mời trong và ngoài nước.

Theo Ban tổ chức, các ngành công nghiệp văn hoá và sáng tạo hiện đang nhanh chóng trở thành những ngành có đóng góp mạnh mẽ cho nền kinh tế quốc gia với 8,081 tỷ USD, chiếm 3,61% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2018 và mang lại công việc cho hơn 3 triệu lao động, chiếm 6,1% tổng lao động có việc làm trên cả nước vào năm 2019.

Tại hội thảo, các đại biểu thống nhất nhận định, các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo có tiềm năng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Tuy nhiên, các ngành này hiện đang gặp phải nhiều thử thách do những vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ của nghệ sỹ và những người sáng tạo, gây ảnh hưởng tiêu cực kéo dài tới sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo.

Thạc sĩ Hoàng Lan Phương, Tiến sĩ Lê Tùng Sơn đến từ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, kết quả khảo sát về thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam của nhóm cho thấy, 14% chủ thể sáng tạo cho biết thường xuyên bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, 29% chủ thể sáng tạo đã từng bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, 57% chưa từng bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Trong số các sản phẩm văn hóa, sáng tạo bị xâm phạm thì âm nhạc chiếm 76.9%, điện ảnh là 71.6%, xuất bản 50.7%. Các quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm gồm sao chép (64.9%), làm tác phẩm phái sinh (37.8%), quyền nhân thân (27%). Về nguyên nhân dẫn đến vi phạm, chiếm 82,1% là do thói quen; 66.4% do nhận thức về pháp luật hạn chế; 64.9% do môi trường số và 61.9% do chế tài xử phạt còn nhiều bất cập.

PGS.TS Lâm Nhân, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh cũng nhận định: Nhận thức về sở hữu trí tuệ trong ngành văn hóa và du lịch hiện vẫn chưa đầy đủ, còn hiểu một cách chung chung, chủ yếu liên quan đến quyền tác giả và quyền liên quan đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, các bản thu âm, bản ghi hình. Công tác đào tạo cơ bản và nâng cao về sở hữu trí tuệ như các hình thức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, quyền của tác giả, quyền của chủ sở hữu tài sản trí tuệ… trong ngành văn hóa và du lịch ở Việt Nam còn bỏ ngỏ....

Về mặt giải pháp, theo TS Lê Tùng Sơn và nhiều đại biểu thì cần đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến nâng cao  nhận thức trong thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ. Cần xây dựng mối liên kết giữa Nhà nước – Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan – Chủ sở hữu sản phẩm văn hóa sáng tạo và cộng đồng. Ngoài ra, cần đề cao vai trò của các hiệp hội, tổ chức trong lĩnh vực văn hóa, sáng tạo, tăng cường hợp tác quốc tế, ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại hiệu quả.

Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cũng chia sẻ nhiều giải pháp như: Cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực; tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ; thu hút và hỗ trợ đầu tư, phát triển thị trường, tăng cường chủ động từ các chủ thể quyền; đồng thời đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý xâm phạm và mở rộng giao lưu, hợp tác, hội nhập quốc tế…

N.Hoa
.
.
.