Nhiều bảo tàng ở Thừa Thiên-Huế phải “ở nhờ, ở tạm”

Thứ Ba, 12/10/2021, 08:43

Hiện nay, một số bảo tàng công lập ở tỉnh Thừa Thiên - Huế hoạt động không có trụ sở chính thức nên phải mượn tạm trụ sở, không gian để trưng bày cổ vật, hiện vật và các tác phẩm nghệ thuật. Cũng do không có trụ sở nên việc tổ chức trưng bày, triển lãm và những hoạt động liên quan của các bảo tàng gặp rất nhiều khó khăn.

Qua tìm hiểu, tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có 5 bảo tàng công lập, gồm: Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế; Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên-Huế; Bảo tàng Mỹ thuật (BTMT) Huế; Bảo tàng Hồ Chí Minh và Bảo tàng Thiên nhiên (BTTN) duyên hải miền Trung.

Trong đó chỉ có Bảo tàng Hồ Chí Minh có trụ sở được xây dựng cách đây hơn 20 năm, còn các bảo tàng khác đều “ở nhờ” từ không gian trưng bày đến kho bảo quản do chưa có trụ sở chính thức. Và BTMT Huế là một trong số đó.

bao tang.jpg -0
Tòa nhà từng là Bảo tàng Văn hóa Huế được đề xuất làm trụ sở Bảo tàng Mỹ thuật Huế.

Tháng 11/2018, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế thành lập BTMT Huế trên cơ sở sắp xếp, kiện toàn 2 Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng và Điềm Phùng Thị. Bảo tàng này là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Văn hóa, Thể thao (VH-TT) tỉnh Thừa Thiên-Huế, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng để hoạt động với nhiệm vụ lưu giữ, trưng bày các tác phẩm nghệ thuật. Điều đáng nói, sau 3 năm thành lập, đến nay BTMT Huế vẫn chưa có trụ sở chính để hoạt động.

Họa sĩ Đặng Mậu Tựu, thành viên Hội đồng khoa học BTMT Huế cho biết, do chưa có trụ sở nên BTMT Huế gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động, tổ chức triển lãm. Hiện BTMT Huế đang lưu giữ 102 tác phẩm mỹ thuật được hiến tặng, mua và sưu tầm. Trong đó có nhiều tác phẩm có giá trị lớn như các tác phẩm của họa sĩ Mai Trung Thứ, Tôn Thất Đào, Tôn Thất Sa...

Đây đều là những họa sĩ nổi tiếng của Việt Nam và có nhiều đóng góp cho mỹ thuật Huế. Ngoài ra, Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng trao tặng cho BTMT Huế bộ sưu tập 40 tác phẩm. Tháng 10/2021, Hội đồng thẩm định sưu tầm tác phẩm cho BTMT Huế tiếp tục thẩm định và đề xuất mua thêm 13 tác phẩm mỹ thuật.

“Thế nhưng tất cả những tác phẩm có giá trị này đều phải lưu trữ trong kho của 2 Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng và Điềm Phùng Thị vì BTMT Huế chưa có trụ sở để trưng bày. Diện tích các kho này quá nhỏ khiến việc lưu trữ, bảo quản tác phẩm nghệ thuật gặp không ít khó khăn”, họa sĩ Đặng Mậu Tựu bày tỏ tiếc nuối. Cũng vì lý do BTMT Huế chưa có trụ sở chính nên nhiều năm qua, công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy, trao đổi, hợp tác và đối ngoại thông qua các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ về bảo tàng và mỹ thuật của Hội Mỹ thuật Huế gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, công tác tổ chức các hoạt động triển lãm lớn, sự kiện có quy mô toàn quốc gặp khó do không có không gian trưng bày tác phẩm.

Bà Đinh Thị Hoài Trai, Giám đốc BTMT Huế cho hay: “Thời gian qua, có nhiều đơn vị đến khảo sát tổ chức các hoạt động nhưng thấy không gian trưng bày của bảo tàng không đáp ứng, nhất là các triển lãm chuyên đề nên họ rút lui. Nếu có trụ sở, bảo tàng sẽ tổ chức tốt hơn triển lãm, trưng bày và các hoạt động giao lưu trong, ngoài nước”.

Tương tự, vào năm 2009, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế có quyết định thành lập BTTN duyên hải miền Trung đặt tại Huế. Bảo tàng này là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Đến nay, BTTN lưu giữ và trưng bày 6 bộ mẫu vật chính, gồm: Bộ mẫu địa chất - khoáng sản với 184 mẫu tiêu biểu của Việt Nam và tỉnh Thừa Thiên-Huế; Bộ mẫu gỗ rừng tỉnh Thừa Thiên-Huế có 28 loài, trong đó có 4 loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và Nghị định 06/2019/NĐ-CP; Bộ mẫu côn trùng 170 mẫu; Bộ mẫu cá nước ngọt, nước lợ và nước mặn với hơn 1.600 mẫu vật, trong đó có khoảng 1.500 mẫu thuộc bộ cá sông Hương và đầm phá Tam Giang - Cầu Hai; Bộ mẫu bướm nhân nuôi khoảng 2.000 mẫu được tiếp nhận từ dự án KH&CN cấp tỉnh và Bộ mẫu thú quý hiếm như Hổ (3 tiêu bản da và 1 tiêu bản xương), Sao la, đầu Bò tót, sừng Mang nhỏ, sừng Sao la, Chà vá chân nâu, Cầy vòi hương, Nai và Trăn gấm. Ngoài ra, bảo tàng còn thu thập một số mẫu đơn lẻ khác như 3 mẫu thực vật thân gỗ bị silic hóa niên đại 199 triệu năm tuổi…

Dù đang bảo quản, lưu giữ nhiều bộ sưu tập quý giá trên nhưng sau nhiều năm hoạt động, đến nay BTTN duyên hải miền Trung vẫn không có trụ sở chính thức, ảnh hưởng đến quá trình hoạt động. Từ năm 2016, bảo tàng này “tận dụng” một số phòng và hành lang tại tầng 2 và tầng 3 của tòa nhà Chi cục Tiêu chuẩn, Đo lường và Chất lượng tỉnh Thừa Thiên-Huế để thiết kế và tổ chức không gian trưng bày, phục vụ đón tiếp học sinh, sinh viên đến nghiên cứu, học tập, tham quan và tham gia các hoạt động trải nghiệm tại bảo tàng.

Lãnh đạo BTTN duyên hải miền Trung cho biết, hiện bảo tàng đang xây dựng đề án tổng thể phát triển trong giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Thông qua đề án, bảo tàng mong muốn được các cấp có thẩm quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế phê duyệt dự án đầu tư xây dựng khu trung tâm có diện tích 16ha thuộc phường An Tây, TP Huế. Đây là vườn tự nhiên đáp ứng các điều kiện để xây dựng khu trưng bày mẫu trong nhà và ngoài trời, tổ chức các hoạt động trải nghiệm, xây dựng khu vườn bướm, khu côn trùng, khu lưu trữ các nguồn gen.

Qua trao đổi, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên-Huế nhận định, Cố đô Huế là vùng đất của nhiều di sản nhưng đến nay vẫn chưa có được một bảo tàng tương xứng. Bên cạnh đó, các cơ chế chính sách, thiết chế văn hóa tại Thừa Thiên-Huế đang ở mức thiếu và yếu so với nhu cầu và tốc độ phát triển của xã hội.

Do chưa có trụ sở bảo tàng nên phần lớn các cổ vật, hiện vật, tác phẩm mỹ thuật có giá trị đều được cất giữ, lưu giữ trong kho, dẫn đến hạn chế trong quá trình khai thác, phát huy giá trị. Theo ông Hải, tại số 23-25 Lê Lợi, TP Huế từng là trụ sở của Bảo tàng Văn hóa Huế thuộc UBND TP Huế. Đến năm 2020, bảo tàng này bị “xóa tên” và trở thành một bộ phận trưng bày thuộc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao TP Huế.

“Nếu được tỉnh Thừa Thiên-Huế quan tâm để chọn địa chỉ này cho trụ sở của BTMT Huế thì sẽ phù hợp bởi cùng nằm trên một trục đường Lê Lợi, gần với các Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng, Điềm Phùng Thị cũng như không gian văn hóa ở bờ Nam sông Hương như đề án mà UBND tỉnh đã phê duyệt”, TS Hải nêu ý kiến.

Anh Khoa
.
.
.