Nhân rộng mô hình phát triển du lịch xanh tại Quảng Nam

Thứ Tư, 20/04/2022, 08:57

Du lịch xanh, du lịch sinh thái đã trở thành một xu hướng phát triển của ngành Du lịch hiện nay. Tại tỉnh Quảng Nam, với nhiều tiềm năng và lợi thế sẵn có, địa phương này đã và đang đẩy mạnh phát triển du lịch xanh theo hướng bền vững.

Trong khoảng gần 2 năm trở lại đây, người dân làng Thái Sơn, xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc (Quảng Nam) rất đỗi vui mừng không chỉ vì sản lượng trái cây của địa phương được mùa, được giá mà đã có nhiều du khách tìm đến nơi này để thưởng thức những đặc sản của làng Thái Sơn, nơi được ví là “làng cây trái Nam Bộ” bên dòng sông Kôn. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cây trái với đủ loại như mít, bưởi, ổi… trong khu vườn rộng 3.000m2, đã được chăm sóc sẵn sàng đón du khách đến tham quan dịp Lễ 30/4 sắp đến, ông Trần Hiệp (65 tuổi, trú làng Thái Sơn, xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc) cho biết, hiện trong vườn của ông có hơn 110 gốc cây ăn quả các loại.

mo_hinh-1650419887718.jpg

Gần 2 năm trở lại đây, ngoài việc bán các loại quả, trái cho thương lái mang lại thu nhập khá cao, thi thoảng vào các dịp lễ, Tết, ông còn đón nhiều du khách từ khắp nơi đổ về để tham quan, mua sắm trái cây sạch tại vườn. “Trong vườn của tôi nhiều nhất là mít Viên Linh rất ngọt, thơm và bưởi da xanh. Để có phân bón cho cây, tôi dùng cây đậu phụng để ủ với bánh dầu khi ép đậu phụng tạo thành phân hữu cơ. Do đó, cây trái trong vườn của tôi hoàn toàn tự nhiên, đảm bảo là sản phẩm sạch. Trung bình mỗi năm tôi thu nhập khoảng 70 triệu đồng từ vườn cây trái trong vườn. Bên cạnh đó, thi thoảng tôi còn đón du khách đến tham quan vườn và mua các loại trái, quả mang về, cho thu nhập ổn định”, ông Hiệp vui vẻ chia sẻ.

Cách vườn cây trái nhà ông Hiệp chừng 200m, vườn cây trái rộng khoảng 500m2 của ông Trương Công An (40 tuổi) cũng đã cho thu nhập đáng kể. Trong vườn của ông An, có nhiều loại cây cho quả ngọt quanh năm như mít, xoài, dừa, vú sữa… Ông An cho biết, để đón đầu cơ hội phát triển du lịch, ông đã lên phương án làm thêm một quán nhỏ bày bán các sản vật trong vườn và nuôi thêm gà thả vườn phục vụ du khách mỗi khi đến với làng cây trái Thái Sơn. Điều đáng mừng, đến nay ở làng Thái Sơn, nhà nào cũng có trồng cây ăn quả trong vườn để vừa tăng thêm thu nhập, vừa phục vụ du khách gần xa. Với khu vườn rộng hơn 3.000m2 có nhiều loại cây ăn quả như bưởi da xanh, mít thái, mít Viên Linh, ổi không hạt,… ông Trần Đắc Hân (44 tuổi), nói rằng, trung bình hằng năm ông thu nhập khoảng 80 triệu đồng. Mặc dù hiện nay lượng du khách đến với làng cây trái Thái Sơn chưa nhiều lắm, nhưng ông tin tưởng với các sản phẩm trái cây sạch của làng sẽ ngày càng thu hút được du khách nhiều hơn nữa...

Theo ông Phạm Quang Hiển, Chủ tịch UBND xã Đại Hưng, xã triển khai định hướng phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại làng trái cây Thái Sơn, để nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn ở vùng phía Tây của huyện Đại Lộc. Những năm trở lại đây, cùng với định hướng phát triển kinh tế của địa phương, nhiều hộ dân tại làng Thái Sơn đã cải tạo vườn tạp để trồng cây ăn quả, cho thu nhập cao.

Hiện tổng diện tích đất vườn trồng cây ăn quả của làng Thái Sơn khoảng 15ha. Chính quyền xã Đại Hưng đang nỗ lực vận động người dân làng Thái Sơn tích cực hơn nữa, nhân rộng diện tích vườn cây ăn quả, kết hợp với một số mô hình xen canh nhằm tạo điều kiện phát triển điểm du lịch sinh thái, kết hợp thu hút đầu tư vào suối nước nóng Thái Sơn nhằm hình thành điểm du lịch liên hoàn, kết nối với khu du lịch Cổng Trời Đông Giang.

Qua trao đổi, ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Quảng Nam cũng bày tỏ, Quảng Nam là tỉnh có tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch xanh. Cùng với sự quan tâm, phối hợp của các ngành, địa phương và sự chủ động, nỗ lực của các doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh, nhiều sản phẩm dịch vụ du lịch xanh được xây dựng, phát triển và đã đạt được các kết quả nhất định.

Ngọc Thi
.
.
.