Nhạc trưởng Lê Phi Phi: Tôi tự hào, xúc động khi làm chương trình “Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên”
Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Cục Công tác Đảng và Công tác chính trị, Bộ Công an đã chỉ đạo Nhà hát Hồ Gươm tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt “Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên”.
Chương trình sẽ diễn ra vào tối 2, 3/5 tại Nhà hát Hồ Gươm, hội tụ gần 300 nghệ sĩ của nhiều đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp ở trong và ngoài lực lượng CAND. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Nhạc trưởng Lê Phi Phi – Tổng đạo diễn kiêm chỉ huy dàn nhạc về chương trình này.
Phóng viên (PV): Anh rất có duyên với lực lượng CAND khi làm chương trình “Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên”, thưa nhạc trưởng?
Nhạc trưởng Lê Phi Phi: Tôi có duyên với ngành Công an từ lâu rồi, nhưng đây là lần có duyên lớn nhất. Tôi được Nhà hát Hồ Gươm mời về làm chương trình “Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên”. Đây không phải là chương trình nghệ thuật bình thường mà là chương trình quy mô lớn của lực lượng CAND chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
PV: Đây là chương trình lớn, diễn ra đúng dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Anh và các nghệ sĩ mong muốn chuyển tải điều gì qua chương trình?
Nhạc trưởng Lê Phi Phi: Khi tôi và chị gái tôi là Tiến sĩ âm nhạc Lê Y Linh lên kế hoạch cho chương trình, chúng tôi thống nhất phải có cốt lõi cho chương trình là các tác phẩm về Điện Biên Phủ. Tất cả chủ đề, câu thơ, nét nhạc trong chương trình phải là của các nhạc sĩ từng viết trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đại hội Văn công toàn quốc lần thứ nhất năm 1954 được tổ chức ngay sau Chiến thắng Điện Biên Phủ. Tại Đại hội này có 5 tác phẩm được trao giải cao, trong đó, tác phẩm “Hò kéo pháo” của cha tôi – nhạc sĩ Hoàng Vân được trao Giải Nhất. Bốn tác phẩm được trao Giải Nhì, trong đó có tác phẩm vô cùng quen thuộc với mọi người là bài “Chiến thắng Điện Biên” hay còn gọi là “Giải phóng Điện Biên” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, và “Quê tôi giải phóng”của nhạc sĩ Văn Chung, “Mùa lúa chín”của nhạc sĩ Hoàng Việt và “Mừng chiến thắng Tây Bắc” của nhạc sĩ Đặng Đình Hưng. Ngoài các tác phẩm đạt giải cao tại Đại hội văn công toàn quốc năm 1954, ngoài giai điệu quen thuộc của “Hò kéo pháo”, “Giải phóng Điện Biên”, chương trình còn có những tác phẩm khác, trong đó có tác phẩm của cha tôi là Giao hưởng – Hợp xướng “Điện Biên Phủ”. Tác phầm này gồm 4 chương, rất hay.
PV: Sau năm 1954, đến nay, Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn là một trong những đề tài được nhiều nhạc sĩ khai thác. Ngay cả các tác phẩm sáng tác trong chiến dịch này cũng vẫn tiếp tục được làm mới, thể hiện góc nhìn mới của những người làm nghệ thuật hôm nay. Các tác phẩm được biểu diễn trong chương trình “Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên” chắc hẳn cũng sẽ có “diện mạo” khác, thưa nhạc trưởng?
Nhạc trưởng Lê Phi Phi: Theo tôi, nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, đặc biệt là từ Chiến thắng Điện Biên Phủ đến nay có rất nhiều thành tựu để làm bàn đạp cho âm nhạc cách mạng sau này. Giá trị lớn nhất của mỗi tác phẩm nghệ thuật, trong đó có tác phẩm âm nhạc là được sống mãi trong lòng công chúng. Khi làm chương trình, bên cạnh những tác phẩm quen thuộc, chúng tôi chọn cả những tác phẩm khác, cũng rất hay. Thể hiện các tác phẩm trong chương trình lần này, chúng tôi có dàn hợp xướng lên đến 60 người. Có đến 2/3 tác phẩm đều có sự tham gia của dàn hợp xướng. Tôi hy vọng, sự cộng hưởng giữa dàn hợp xướng, dàn nhạc và các giọng ca – các solist rất nổi tiếng sẽ mang đến một chương trình ấn tượng với chất lượng nghệ thuật cao nhất.
Một chương trình quy mô lớn, vừa là cổ điển, kinh điển nhưng rất Việt Nam, với khoảng 300 nghệ sĩ cùng biểu diễn trên sân khấu như “Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên”, thì Nhà hát Hồ Gươm là địa chỉ lý tưởng nhất. Chúng tôi cũng đã có sự chuẩn bị rất kỹ cho chương trình. Hôm nay là buổi tổng duyệt thứ nhất, tôi mới tạm bằng lòng. Tôi vẫn dặn mọi người là chúng ta chỉ có vài ngày nghỉ để tiếp tục chuẩn bị. Ngày 2/5 sẽ là buổi tổng duyệt cuối cùng. Chúng tôi phải tiếp tục nỗ lực để có chương trình tốt nhất trong đêm biểu diễn chính thức.
PV: Biểu diễn các tác phẩm của cha anh trong một chương trình lớn như “Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên”, cảm xúc của anh như thế nào?
Nhạc trưởng Lê Phi Phi: Khi được tham gia làm chương trình này, tôi cảm thấy vô cùng tự hào, hãnh diện và xúc động. Trong chương trình có những tác phẩm của cha tôi, những tác phẩm mà tôi đã từng dàn dựng nhiều lần trong những chương trình khác nhau, nhưng lần này rất khác, nhất là được đặt vào khung cảnh đặc biệt của một chương trình âm nhạc về Điện Biên Phủ đúng dịp kỷ niệm 70 Chiến thắng Điện Biên Phủ. Cha tôi cũng là người lính. “Hò kéo pháo” là thương hiệu của Hoàng Vân từ Điện Biên Phủ.
Ở chương trình này, khi dàn dựng tác phẩm “Hò kéo pháo”, tôi chọn “sắc màu” rất khác. Tôi nghĩ khán giả sẽ rất bất ngờ. Chúng ta cũng sẽ nghe lại “Điện Biên Phủ” của Hoàng Vân chính bằng sự cảm nhận của người con đối với người cha và được vang lên với hình thức mới. Tôi hy vọng, không chỉ có các tác phẩm của cha tôi – nhạc sĩ Hoàng Vân, mà tất cả các tác phẩm khác trong chương trình cũng sẽ mang lại những cảm xúc mới với khán giả. Chúng tôi hy vọng khán giả sẽ cảm nhận được những điều đấy khi xem chương trình.
PV: Anh mời nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân phối khí cho tác phẩm “Chiến thắng Điện Biên” có phải cũng xuất phát từ ý tưởng là những người con làm chương trình về những tác phẩm của người cha hay không?
Nhạc trưởng Lê Phi Phi: Đây đúng là ý tưởng của tôi. Trong chương trình có tác phẩm “Chiến thắng Điện Biên” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân là con trai của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, cũng là một nhạc sĩ rất nổi tiếng. Tuy nhiên, khi đề nghị nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân khối khí cho tác phẩm này, tôi cũng nói rất rõ, đây không phải là bản phối cho hát, cho đồng ca, cho hợp xướng hay cho dàn nhạc giao hưởng mà là mà phối cho dàn nhạc kèn. Vì tôi biết, Bộ Công an có một dàn nhạc kèn của Đoàn Nghi lễ CAND. Tôi đã được xem họ biểu diễn một lần. Việc sử dụng “tài nguyên” của chính lực lượng CAND cho chương trình này rất ý nghĩa.
Tôi đã mời nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân phối khí lại tác phẩm “Chiến thắng Điện Biên” cho dàn nhạc này và cảm thấy rất phù hợp. Tôi cho rằng, khi người con làm tác phẩm của bố thì không ai có thể bằng được. Như tôi làm về tác phẩm của bố tôi cũng thế. Vì ở đây có cả tình cảm của nghệ sĩ với nghệ sĩ, của tình cha con, sự hiểu biết về tác giả, tác phẩm và chắc chắn đó là phương án tối ưu.
PV: Xin trân trọng cảm ơn nhạc trưởng!
Chương trình “Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên” do Thiếu tướng, NSND Nguyễn Công Bẩy, Phó Cục trưởng Cục Công tác Đảng và Công tác chính trị, Giám đốc Nhà hát Hồ Gươm và ông Trần Hải Đăng, Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam chỉ đạo nội dung, cố vấn nghệ thuật. NSƯT Trịnh Tùng Linh; NSƯT Phan Mạnh Đức; Trung tá, NSƯT Trần Thị Út Lan; Thượng tá, NSƯT Trịnh Anh Thông chỉ đạo nghệ thuật. Chương trình bao gồm 2 phần: Chiến thắng, Hồi tưởng. Đây cũng là chương trình hiếm hoi hiện nay biểu diễn các tác phẩm thanh nhạc và khí nhạc viết về Điện Biên Phủ của các nhạc sĩ đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Đó cũng là những tác phẩm xuất sắc được trao Giải thưởng tại Đại hội Văn công Toàn quốc lần thứ Nhất (1954). Chương trình có sự tham gia biểu diễn của nghệ sĩ piano Bích Trà, NSƯT Nguyễn Huy Đức, Đào Tố Loan, Phạm Thu Hà, Đỗ Vũ Lan Nhung, Nguyễn Anh Vũ, Lê Kim Long, Nguyễn Trường Linh, Tuyết Mai, nghệ sĩ Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, Nhà hát Ca múa nhạc CAND, Đoàn Nghi lễ CAND.