Nhạc sĩ Tôn Thất Lập, thủ lĩnh phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” đã rời cõi tạm

Thứ Tư, 26/07/2023, 17:08

Chiều 26/7, Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam thông tin, nhạc sĩ Tôn Thất Lập, một trong những thủ lĩnh của phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” qua đời vào lúc 8h45, ngày 26/7, tại TP Hồ Chí Minh, hưởng thọ 81 tuổi.

Theo người đứng đầu Hội Nhạc sĩ Việt Nam, lễ viếng nhạc sĩ Tôn Thất Lập bắt đầu từ 9h ngày 28/7 đến ngày 29/7 tại Nhà tang lễ số 5 Phạm Ngũ Lão, phường 3, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh.

Trao đổi với PV Báo CAND, nhạc sĩ, NSƯT Thế Hiển, một trong những người em, người đồng nghiệp thân thiết của nhạc sĩ Tôn Thất Lập cho rằng, khi nhạc sĩ Tôn Thất Lập và các nhạc sĩ đàn anh khởi xướng phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”, ông chỉ là một cậu bé nhưng đã rất ngưỡng mộ.

“Phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” tại Sài Gòn và các đô thị phía Nam đã thôi thúc, động viên học sinh, sinh viên và đông đảo nhân dân xuống đường biểu tình chống đế quốc Mỹ và chế độ Việt Nam cộng hòa. Có thể nói, các anh đã dùng âm nhạc để hoạt động chính trị, nêu cao tinh thần yêu nước, khát khao cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước”, NSƯT Thế Hiển xúc động nói.

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập, thủ lĩnh phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” qua đời ở tuổi 81 -0
Nhạc sĩ Tôn Thất Lập.

Cũng theo NSƯT Thế Hiển, nhạc sĩ Tôn Thất Lập luôn động viên, giúp đỡ, tạo điều kiện cho lứa nhạc sĩ đàn em như ông được đến với âm nhạc. “Ngoài đời, anh ấy luôn hòa nhã, gần gũi, cởi mở, chân tình và được nhiều đồng nghiệp quý mến, kính trọng. Tôi  luôn coi anh là một tấm gương lao động, sáng tạo nghệ thuật”, NSƯT Thế Hiển bộc bạch.

Ở ngoài Hà Nội, nhận được tin buồn về nhạc sĩ Tôn Thất Lập, nhạc sĩ, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha vô cùng xót xa. “Nhắc đến nhạc sĩ Tôn Thất Lập là nhắc đến một trong những thủ lĩnh của phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” nổi tiếng tại Sài Gòn và các đô thị phía Nam trước giải phóng. Các bài hát “Hát cho dân tôi nghe” và “Dậy mà đi” (viết dưới bút danh Nguyễn Xuân Tân) của anh đã vang lên hừng hực, thúc giục học sinh, sinh viên và nhân dân sục sôi kháng chiến. Không chỉ sáng tác, anh ấy còn tổ chức các chương trình học sinh, sinh viên phản đối chiến tranh”, nhạc sĩ, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha nói.

Cũng theo nhạc sĩ, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha, nhạc sĩ Tôn Thất Lập trên vai trò là Chủ tịch Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam phụ trách khu vực phía Nam đã kết nối và gây dựng phong trào âm nhạc trong các tỉnh phía Nam đi vào chiều sâu. Sau giải phóng, các sáng tác của nhạc sĩ Tôn Thất Lập vẫn luôn đồng hành cùng dân tộc, ca ngợi công cuộc kiến thiết đất nước.

"Hai hôm trước, chúng ta mới chia tay một người con xứ Huế là nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, nay lại chia tay một người con xứ Huế khác là nhạc sĩ Tôn Thất Lập. Các anh ra đi để lại nỗi trống vắng trong đời sống văn học nghệ thuật nước nhà", nhạc sĩ, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha nhấn mạnh.

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập (với các bút danh khác là Trần Nhật Nam, Lê Nguyên, Nguyễn Xuân Tân) sinh ngày 25/2/1942 tại Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế). Ông nguyên là Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam và là Tổng Biên tập Tạp chí Âm nhạc Việt Nam.

Ngoài ca khúc “Hát cho dân tôi nghe”, ông còn có những sáng tác được được đông đảo quần chúng mến mộ, như: “Tình ca mùa xuân”, “Tình ca tuổi trẻ”, “Trị An âm vang mùa xuân”, “Mưa thì thầm”, “Oẳn tù tì”, “Cô bé dễ thương”, “Tình yêu mãi mãi”…

“Hát cho đồng bào tôi nghe” là phong trào đấu tranh đòi hòa bình trong chiến tranh Việt Nam dưới hình thức văn nghệ, âm nhạc, thơ ca nằm trong phong trào đấu tranh đô thị (đặc biệt ở Sài Gòn) trên trận tuyến văn hóa, tư tưởng, được tổ chức bởi Tổng hội sinh viên Sài Gòn với sự lãnh đạo của Mặt trận giải phóng miền Nam và Trung ương cục miền Nam. 

Ngoài nhạc sĩ Tôn Thất Lập, phong trào còn có những gương mặt nổi bật như các nhạc sĩ Trần Long Ẩn, Trương Quốc Khánh…

Ngô Khiêm
.
.
.