Người nặng lòng với Tết Việt

Chủ Nhật, 28/01/2024, 09:15

Tính từ năm 2017 đến nay, đã 7 năm Nhóm Đình làng Việt tổ chức chương trình Tết Việt. Dư âm của chương trình có lẽ là điều không cần phải bàn đến, vì để duy trì được thời gian gần 10 năm tổ chức như vậy, đã có sự đồng lòng của những thành viên nhóm Đình làng Việt cũng như sự hưởng ứng của nhiều người tham gia chương trình.

Năm nay, tết Giáp Thìn 2024 sắp đến, anh Bình vẫn đầy cảm xúc và chuẩn bị cho chương trình Tết Việt Tết phố Giáp Thìn 2024.

Tôi gặp anh ở một không gian mới, nơi sinh hoạt chung của nhóm Đình làng Việt ở tầng 1 của khu Tập thể Trung Tự, nơi nhóm có một căn phòng được người quen cho mượn để làm nơi sinh hoạt chung.

unnamed.jpg -0
Thành viên Đình làng Việt gói bánh chưng trong chương trình Tết Việt.

Khác với hình ảnh anh Bình trên nhóm Đình làng Việt vẫn hay vận áo dài, khăn đóng, anh Bình tôi gặp ngoài đời đang làm việc trên chiếc máy tính cỡ mỏng, xung quanh là những chồng sách. Căn phòng được bày biện đậm chất cổ xưa với chiếc phản trải chiếu kê ở góc nhà, những mẫu áo ngũ thân của nam giới, những bức tranh dân gian màu sắc rực rỡ,… Đang ở ngoài kia phố xá sôi động, bước vào không gian này như bước vào một thế giới khác. Tất cả đồ vật đậm chất truyền thống và tĩnh lặng.

Vì yêu thích truyền thống nên Tết Âm lịch với anh là cái gì đó rất thiêng liêng, là đậm chất văn hóa và truyền thống. Và với tình yêu Tết Việt như vậy nên đã nhiều năm anh Bình là người thực hiện các chương trình Tết Việt với vai trò là trưởng nhóm, anh lo mọi khâu trong việc tổ chức. Tuy nhiên, với năm đầu tiên chương trình Tết Việt được tổ chức ở làng So, một ngôi đình cổ ở xứ Đoài, và cũng có năm chương trình được tổ chức ở làng Lệ Mật, thì mấy năm sau này, chương trình thường được tổ chức ở Đình Kim Ngân, phường Hàng Bạc, Hoàn Kiếm, Hà Nội với tên là “Tết Việt Tết phố” và có được sự trợ giúp của chính quyền địa phương.

Chia sẻ về chương trình Tết Việt Tết phố năm nay, anh Bình cho biết, tất cả các công việc chuẩn bị đang dần hoàn tất. Năm nay Ban Quản lý phố cổ mời được đội hát Then của đồng bào Tày Nùng tham gia với vai trò về âm nhạc hoặc chia sẻ về cái tết của đồng bào Tày Nùng; hoặc chia sẻ về tết của các vùng miền, vì thành viên của nhóm Đình làng Việt có ở rất nhiều nơi để nói về phong tục tập quán của các vùng miền. Cho độc giả biết về đặc trưng Tết Bắc, Tết Nam… Tục rước lễ tế thành hoàng làng với các thành viên mặc trang phục áo dài ngũ thân… tạ ơn Thành hoàng và cầu mong năm mới vạn sự tốt đẹp.

Và năm nay cũng dựng cây nêu ở trong đình, tạo ra không khí chung gắn kết cộng đồng, tạo ra cảm xúc, là thời điểm báo hiệu cái tết. Cây nêu làm nâng cao tinh thần truyền thống, được các thành viên chuẩn bị. Năm nay là con cá để treo cây nêu. Theo anh, những công việc này rất có công dụng giáo dục với thế hệ trẻ, cho giới trẻ trải nghiệm và thực hiện nghi lễ, và qua đó cũng hiểu hơn về truyền thống tết xưa.

Đặc biệt năm nào cũng có gói bánh chưng. Anh chia sẻ có năm nhóm gói bánh chưng và luộc qua đêm. Các thành viên tham gia thức cả đêm và trông bánh, luộc bánh. Và năm đó cũng có lễ dựng cây nêu. Trong câu chuyện, họa sĩ Nguyễn Đức Bình xúc động: “Nhớ năm đó dựng cây nêu (năm 2016) ở đình làng So, khi tất cả những cánh tay xúm vào với cánh tay màu xanh đen truyền thống, đó là sức mạnh của tập thể, của cả cộng đồng và tình đoàn kết”.

Ý tưởng ban đầu của hoạt động tết Việt thường niên là các thành viên nhóm muốn tổ chức hoạt động gặp nhau để các thành viên ở tất nhiều nơi trở về sum họp. Đến nay đây đã là một việc thường niên vào mỗi năm sắp tết. Nhóm có hàng chục nghìn thành viên tham gia với rất nhiều thành phần từ họa sĩ, kỹ sư, nhà nghiên cứu văn hóa đến những sinh viên, người trẻ tuổi đam mê văn hóa và văn hóa truyền thống.

Với vài trò quy tụ của mình, họa sĩ Nguyễn Đức Bình hằng năm thường xuyên tổ chức những chuyến đi điền dã cho đoàn về các vùng quê và khảo sát những ngôi đình làng truyền thống; khảo sát và phát hiện những giá trị cổ còn lưu giữ của mỗi ngôi đình cũng như đề xuất việc bảo tồn và phục dựng những ngôi đình xuống cấp. Với mỗi chuyến điền dã, số lượng thành viên tham gia cũng rất đông, nhưng đoàn đã tổ chức được nhiều chuyến đi xa, với điểm xuất phát là Hà Nội nhưng có khi đến tận Huế, hay về Thái Bình… Với mỗi chuyến đi, các thành viên lại học hỏi được thêm nhiều tri thức thực tế mới. Với các bạn trẻ, đây là điều rất tốt để trau dồi thêm tri thức cho bản thân.

Anh Bình chia sẻ, từ ngày thành lập nhóm đến nay, nhờ có các thành viên ở nhiều lĩnh vực chuyên môn nên mọi người bổ trợ cho nhau.

Yêu mến đình làng và văn hóa truyền thống đình làng, với vai trò là người đứng đầu, “Bác trưởng thôn” (cách gọi thân mật của các thành viên nhóm đặt cho anh) cũng dành nhiều tâm huyết với những bộ áo dài nam truyền thống; và với sự hiểu biết của mình, anh cũng chia sẻ nhiều về áo dài nam truyền thống để thế hệ trẻ ngày nay vẫn còn chưa rõ ràng. Nhóm cũng nhiều lần tổ chức các hoạt động như tọa đàm, trình diễn, gặp gỡ trao đổi với mọi người quan tâm về áo dài đi chơi, đi dự các sự kiện về văn hóa. Và dần dần thu hút được các thành viên đồng hành may và mặc. Việc may áo dài cũng phải tìm người may đúng truyền thống.

Các chương trình của nhóm diễn ra đa số các thành viên mặc áo dài khăn đóng. Anh Bình cho biết áo dài nam của đàn ông Việt không thể giống áo trường sam của đàn ông Trung Quốc. Tà áo của người Việt ngắn hơn, tạo hình áo Việt có những đường nét rất cầu kỳ, dáng áo hình chữ A rất oai vệ, nam tính. Áo dài Việt rộng và kín đáo, che khuất những nhược điểm, khuy cài áo thì sáng màu trong khi của Trung Quốc là khuy bện vải; cổ áo cao, vuông. Trang phục đàn ông Việt rất tinh tế như phải mặc áo trắng bên trong; nếu vải áo dài ngoài màu sắc sặc sỡ thì phải mặc lớp sa hoặc lớp the phủ ra bên ngoài.

Năm nay chương trình Tết Việt Tết phố được tổ chức vào hai ngày là ngày 28/1 tức ngày 18 tháng Chạp với các hoạt động như rước lễ từ Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây về đình Kim Ngân và sau đó là lễ dựng cây nêu, biểu diễn hát Then…

 Và ngày thứ hai là ngày 24 tháng Chạp, với các hoạt động như gói và luộc bánh chưng, mặc trang phục truyền thống đi chơi phố cổ và chợ hoa Hàng Lược của nhóm Đình làng Việt; và buổi tối tại Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ, số 50 Đào Duy Từ có chương trình “Đêm xuân sum họp” với các hoạt động như Tọa đàm về phong tục đón tết của Hà Nội, của các đồng bào miền Bắc, Trung và Nam xưa và nay. Giao lưu âm nhạc thơ và mùa xuân đất nước với sự tham gia của các nhà nghiên cứu ở Hà Nội, Huế và miền Tây Nam Bộ.

Không khí xuân đang đến rất gần, đường làng ngõ phố nhiều người đã đi sắm tết. Chúng ta sẽ thấy tết càng không khí hơn khi tham dự các chương trình của Tết Việt Tết phố của nhóm Đình làng Việt, và để hiểu hơn về phong tục tập quán và truyền thống tết xưa.

Khánh Linh
.
.
.