Người K'ho Nộp và lễ cúng thần Núi ngày đầu năm

Thứ Bảy, 28/01/2023, 09:01

Tháng Giêng, Nam Tây Nguyên nắng vàng như rót mật, khi ấy từng vạt cà phê chín mọng đã thu hoạch xong, lúa thóc căng mẩy cũng đã phơi khô chất đầy ắp các bồ, người K'ho Nộp ở xã vùng sâu vùng xa Sơn Điền, huyện Di Linh (Lâm Đồng) lại cùng nhau tạ ơn thần Núi, thần Rừng bằng một nghi thức truyền thống.

Người K'ho ở Lâm Đồng vốn dĩ không ăn Tết Cổ truyền như người Kinh và nhiều dân tộc khác. Bà con nơi đây thường mở tiệc ăn mừng, gia đình đoàn tụ, thăm hỏi và dành những lời chúc tốt đẹp cho nhau vào dịp Noel. Tuy vậy, hằng năm, khi mùa màng đã thu hoạch xong, tiết trời se lạnh, nắng vàng trải khắp các buôn gần bản xa lại là thời điểm thích hợp cho việc tổ chức các lễ hội tạ ơn những vị thần đã ban phước lành, xua đuổi tà ma và che chở cho bà con dân buôn, dòng tộc theo tín ngưỡng dân gian trong một năm qua.

Người Kho Nộp và lễ cúng thần Núi ngày đầu năm -0
Những người K'ho Nộp có uy tín tham gia cúng thần Núi, thần Rừng trong lễ tạ ơn.

Người K'ho Nộp ở xã Sơn Điền, huyện Di Linh, dù không ăn Tết Nguyên đán nhưng những ngày này, bà con nơi đây lại tổ chức lễ tạ ơn thần Núi, thần Rừng. Bởi lẽ, khởi thủy của tộc người K'ho gắn liền với núi rừng cùng nghề săn bắt và hái lượm. Cuộc sống của bà con bao đời qua gắn liền với những cánh rừng già và đồi núi trùng điệp. Rừng là nơi cung cấp sản vật, thực phẩm ăn uống hằng ngày, duy trì sự sống và sinh sôi giống nòi. Rừng là nơi cung cấp nguyên vật liệu để bà con làm nhà, là nơi có những cây thuốc quý chữa bệnh từ thời nền y học còn chưa phát triển... Với quan niệm vạn vật hữu linh, tín ngưỡng đa thần, bà con nơi đây tin rằng, núi rừng thiêng thiêng chính là một vị thần lớn cai trị nhiều vị thần tốt bụng còn lại và luôn sẵn lòng che chở cho buôn làng.

Thần Núi, thần Rừng luôn song hành cùng tộc người K'ho. Trong cuộc sống, những lúc người dân trong buôn gặp hoạn nạn, ốm đau, các vị thần luôn tìm cách che chở, phù hộ cho họ sớm vượt qua khó khăn, bệnh tật. Với quan niệm đó, trong lễ tạ ơn, tùy vào gia cảnh của mỗi gia đình, bà con không quên dâng lên thần Núi, thần Rừng các loại sản vật do chính tay họ chăn nuôi, sản xuất với tấm lòng đầy sự tôn nghiêm, thành kính. Sản vật dâng cúng các vị thần trong lễ tạ ơn có thể là dê, gà, bắp, gạo, rau rừng… Đó là thành quả lao động của bà con trong năm qua. Sau khi người đại diện thực hiện xong các nghi thức, tất cả các sản vật trên được nấu chín, chia đều cho từng gia đình tới tham gia hoặc tổ chức ăn mừng tại chỗ.

Lễ tạ ơn thần Núi, thần Rừng của người K'ho ở xã Sơn Điền, huyện Di Linh được thực hiện vào ngày đầu năm mới. Đồng bào nơi đây quan niệm rằng đó là ngày sạch nhất trong năm, trời đất linh thiêng, vạn vật sinh sôi nảy nở. Vị trí tổ chức nghi thức này được thực hiện ở bìa rừng, nơi có khí hậu trong lành, mát mẻ, đảm bảo sự thanh tịnh cho quá trình hành lễ. Người chịu trách nhiệm thực hiện các nghi thức trong lễ tạ ơn các vị thần là người có uy tín trong dòng họ, cộng đồng, được người dân nể trọng, có vai trò dẫn dắt điều hành toàn bộ sự trang nghiêm của buổi lễ. Trước khi thực hiện các nghi thức, người K'ho dựng lên ba cây nêu. Trên các cây nêu, bà con chia làm nhiều bậc để trang trí các họa tiết. Đây là các nghi thức truyền thống biểu tượng cho những sinh hoạt hằng ngày. Trên cây nêu còn có các bông tre xoắn thành chùm, tượng trưng cho bông lúa lớn, loại cây lương thực giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống của người K'ho Nộp ở xã Sơn Điền, huyện Di Linh.

Bà con quan niệm, cây nêu phần trên hướng thẳng lên trời, tượng trưng cho thần linh, phía giữa là tổ tiên và dưới gốc là con người. Người dân ở buôn Bờ Nơm, xã Sơn Điền tin rằng, cuộc sống cả buôn được như ngày nay là nhờ vào sự che chở và ban phước lành của thần Núi, thần Rừng. Năm nay, cà phê vừa thu hoạch xong, các vị thần đã ban cho bà con hai trận mưa lớn. Với người làm nông, đây là những cơn mưa quý được ví như vàng sau nhiều tháng khô hạn giải khát cho mùa màng. Trong lễ tạ ơn, bà con không quên cầu mong năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, được thần Núi, thần Rừng che chở, ban cho phước lớn. Trong lời của thầy cúng, có thủ thỉ ước nguyện, cầu mong cho đôi chân của người dân buôn làng khỏe mạnh để đi gùi lúa, phát rẫy, làm nương, cầu cho đôi tay rắn rỏi để thu hoạch cà phê, gặt lúa…

Sau lễ cúng, tiếng khèn véo von, tiếng cồng chiêng lúc trầm khi bổng vang lên theo men say rượu cần chếnh choáng, mọi người trong buôn nắm tay nhau nhảy múa, hát hò quanh cây nêu và kể những chuyện trong quá khứ đầy tự hào về đồng bào mình. Tất cả tạo nên không khí rộn ràng, phấn chấn ngày đầu năm và kỳ vọng vào những vụ lúa mới đầy ắp các bồ, vụ thu hoạch cà phê bội thu, cho con ma rừng đừng về buôn quấy phá… Nghi lễ này của người K'ho Nộp còn thể hiện ở việc bảo tồn, tôn trọng thiên nhiên, giữ rừng, giữ đất, con người chung sống hòa thuận với cây cối, vạn vật xung quanh.

Theo già làng K'Hoa, người K'ho Nộp ở đây tin rằng, họ sinh sống khoẻ mạnh ở vùng đất này là nhờ có thần núi có tên là Bơ Nơm che chở. Thần Núi cai quản đất đai, nương rẫy của buôn làng. Người dân thờ cúng thần Núi sẽ được thần ban phước cho mùa màng bội thu, cây cối quanh năm xanh tốt, mọi người khỏe mạnh, chung sống thuận hòa. Thần Núi, thần Rừng và con người luôn gắn chặt với nhau qua một sợi dây huyền bí linh thiêng. Trải qua nhiều thay đổi, dẫu quy mô, nghi thức đã giản tiện hơn nhiều so với trước đây nhưng lễ cúng thần Núi Bơ Nơm vẫn được duy trì nhằm thể hiện nét đẹp văn hóa trong đời sống tâm linh của người K'ho trên vùng đất Nam Tây Nguyên.

Khắc Lịch
.
.
.