Nghệ thuật biểu diễn tiếp tục liêu xiêu vì quá nhiều nghệ sĩ nhiễm COVID-19

Thứ Hai, 07/03/2022, 09:06

Vừa khởi động lại sau một thời gian dài tạm nghỉ vì COVID-19, những ngày gần đây, hoạt động nghệ thuật biểu diễn lại liêu xiêu vì dịch bệnh diễn biến phức tạp trở lại.

Bên cạnh nỗi lo thất thu như các năm trước, hiện nay, nhiều nghệ sĩ còn lo lắng sau khi nhiễm bệnh, sức khoẻ không ổn định như trước, chất giọng bị ảnh hưởng do di chứng “hậu COVID”, khó khăn ngay trong hoạt động chuyên môn.

Tiếp tục điệp khúc … huỷ chương trình

Mặc dù khởi động ngay sau khi dịch bệnh có dấu hiệu tạm lắng và đã tổ chức triển khai truyền thông bài bản cho vở hài kịch dân gian “Nghêu, Sò, Ốc, Hến” nhưng đúng ngày ra mắt, Nhà hát Kịch Việt Nam buộc phải thông báo dừng biểu diễn. NSƯT Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết, “Nghêu, Sò, Ốc, Hến” là vở diễn khai xuân năm 2022, đồng thời chào mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 của Nhà hát Kịch Việt Nam.

Được biểu diễn trở lại sau một thời gian gián đoạn vì dịch bệnh, các nghệ sĩ đều hứng khởi, sẵn sàng cho các đêm diễn, dự kiến từ 4/3 đến 8/3. Tuy nhiên, ngay trước đêm diễn chính thức đầu tiên, một số cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên cảm thấy mệt mỏi, ho và sốt… Nhà hát yêu cầu toàn bộ cán bộ nhân viên tự test nhanh COVID-19. Kết quả có 51/79 cán bộ nhân viên và người lao động bắt buộc phải cách ly y tế. Nhà hát buộc phải tạm dừng biểu diễn, đồng thời thông báo và gửi lời xin lỗi đến gần 400 khán giả và 2 đơn vị tập thể đã mua vé xem chương trình. 

Nghệ thuật biểu diễn tiếp tục liêu xiêu vì quá nhiều nghệ sĩ nhiễm COVID-19 -0
Hoạt động biểu diễn vẫn tiếp tục bị đình trệ vì dịch bệnh.

Được dàn dựng công phu với sự chung sức của Liên đoàn Xiếc Việt Nam và Nhà hát Cải lương Việt Nam, vở xiếc cải lương “Thượng Thiên Thánh Mẫu” cũng lỡ hẹn vì dịch bùng phát trở lại. Theo kế hoạch dự kiến, “Thượng Thiên Thánh Mẫu” sẽ diễn phục vụ khán giả tại Nhà hát Âu Cơ, Hà Nội vào tối 7 và 8/3 nhưng bị dừng. Lý do là Liên đoàn Xiếc Việt Nam liên tục có ca mắc COVID-19 mới.

Nhà hát Cải lương Việt Nam cũng có đến nửa đoàn trở thành F0. Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, NSND Triệu Trung Kiên cho biết, đơn vị gần như “án binh bất động”, không chỉ huỷ các chương trình biểu diễn mà các kế hoạch, chương trình lớn trong năm cũng đều chưa triển khai được vì không có người để làm.

Thông thường, mùa xuân hàng năm là mùa biểu diễn cao điểm của các đơn vị nghệ thuật truyền thống như Tuồng, Chèo, Cải lương. Cuối năm 2021, khi dịch bệnh tạm lắng, các đơn vị nghệ thuật đã xây dựng và triển khai nhiều kế hoạch, chương trình lớn để phục vụ nhân dân trong 3 tháng đầu năm. Tuy nhiên, các đơn vị nghệ thuật đều cho hay, hiện tại, các chương trình biểu diễn theo kế hoạch không triển khai được, kể cả các chương trình đã được cấp kinh phí. Các đơn vị mất trắng doanh thu. NSND Nguyễn Thị Bích Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam chia sẻ, hiện nay, Nhà hát vẫn nghỉ diễn. Đơn vị dự kiến “khai xuân” muộn vào 15/3 nhưng lo vỡ kế hoạch vì phát sinh F0.

Di chứng “hậu COVID – 19”

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam cũng cho biết, Nhà hát có kế hoạch biểu diễn từ mùng 5 Tết. Chương trình nghệ thuật hoành tráng, mang tính chất sử thi, phục vụ Lễ hội Đống Đa. Gần ngày diễn ra lễ hội chính thức, dịch bệnh diễn biến phức tạp. Ban tổ chức thông báo chỉ triển khai phần lễ, không tổ chức phần hội nên chương trình dựng xong rồi… để đấy.

Các chương trình phục vụ lễ hội khác, nhiều vở diễn phục vụ khán giả tại Rạp Hồng Hà (Hà Nội), diễn cuối tuần phục vụ nhân dân Thủ đô theo chương trình hợp tác với Ban quản lý Phố cổ Hà Nội hoặc đi lưu diễn phục vụ nhân dân các vùng sâu vùng xa theo kế hoạch của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng tạm dừng. Nhà hát không có người để làm. Hiện tại, từ ban lãnh đạo đến nhân viên 2 đoàn nghệ thuật của Nhà hát đều có F0. Nghệ sĩ Đoàn Nghệ thuật truyền thống lớn tuổi, có nhà riêng, có điều kiện phòng, chống dịch nên tỷ lệ nhiễm COVID-19 ít. Đoàn còn lại tập trung các nghệ sĩ trẻ, đã có đến 95% số nghệ sĩ đang là F0. Lý do là các nghệ sĩ trẻ thường chưa có nhà riêng, ở tập trung nên tốc độ lây lan nhanh.

Theo ông Phạm Ngọc Tuấn, dịch bệnh kéo dài, các đơn vị nghệ thuật truyền thống đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Không chỉ có lao động hợp đồng mà một số nghệ sĩ trong biên chế cũng xin nghỉ việc vì thu nhập quá thấp. Các nghệ sĩ vẫn chỉ hưởng mức lương dành cho người tốt nghiệp trung cấp vì hiện chưa có đào tạo bậc đại học cho nghệ sĩ Tuồng. Lãnh đạo Nhà hát cố gắng động viên nhưng lương thấp, không biểu diễn một thời gian dài, nghệ sĩ khó giữ “lửa nghề”.

NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam chia sẻ, sau khi nhiễm COVID-19, sức khoẻ nhiều nghệ sĩ vẫn chưa ổn định. Với nghệ sĩ xiếc, thể lực rất quan trọng. Xiếc đòi hỏi sự phối hợp rất cao. Nghệ sĩ không đảm bảo sức khoẻ mà biểu diễn sẽ nguy hiểm cho bản thân và cho cả đồng nghiệp. “Nếu đang tập luyện, nghệ sĩ làm trụ đỡ bên dưới hụt hơi, chao đảo một chút là bạn diễn dễ tai nạn. Với nghệ sĩ biểu diễn đế kiếm, nếu đang chồng kiếm mà ho một tiếng thì không thể đảm bảo an toàn được”, NSND Tống Toàn Thắng phân tích.

NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cũng cho biết: Không chỉ có nghệ sĩ đang nhiễm COVID-19 mới bị ảnh hưởng sức khoẻ. Một số nghệ sĩ đã khỏi bệnh vẫn chưa thể phục hồi, đảm bảo biểu diễn vì giọng chông chênh, cột hơi lung lay, không điều khiển theo đúng ý của người ca và lực ca không nhiều như trước. Hiện nay, hội chứng “hậu COVID” vẫn nằm ngoài hiểu biết của các nghệ sĩ. Không ai chắc chắn tình trạng này còn kéo dài bao lâu, trong khi các kế hoạch, công trình trong năm vẫn đang chờ triển khai. Dù sốt ruột, lãnh đạo Nhà hát cũng không dám triệu tập nghệ sĩ trong thời điểm hiện tại.

N.Hoa
.
.
.