Nghệ sĩ nỗ lực vì “những liều vaccine tinh thần” trong đại dịch
Giữa những bộn bề lo âu vì dịch COVID-19, nhiều nghệ sĩ vẫn tích cực sáng tạo với mong muốn lan tỏa những điều tốt đẹp, nhân văn tới cộng đồng với tinh thần lạc quan và ý chí vươn lên cùng nhau chiến thắng đại dịch.
Đúng ngày lễ Quốc khánh 2/9, biên đạo múa Tuyết Minh phát “tâm thư” kêu gọi nghệ sĩ múa cả nước chung sức cùng chị dàn dựng tổ khúc múa ballet, múa đương đại “Ánh sáng tâm hồn”, với mong muốn cổ vũ chống dịch, khích lệ nghệ sĩ sáng tạo, để thêm “liều vaccine” tinh thần trong đại dịch.
Chỉ sau hơn 1 ngày, số lượng nghệ sĩ mong muốn tham gia vượt quá quy mô của tác phẩm, dù rằng, như thông báo của nữ biên đạo múa là ê kíp sáng tạo và tổ chức tác phẩm rất hùng hậu, gồm 30 thành viên, 21 biên đạo, 96 nghệ sĩ múa. Vì dàn dựng trong điều kiện dịch bệnh căng thẳng nên cách làm cũng khác hơn, trong đó, kỹ thuật công nghệ là yếu tố quan trọng hàng đầu.
Nói như cách chia sẻ của biên đạo múa Tuyết Minh thì đây là vở diễn lớn, quy tụ diễn viên cả hai miền Nam, Bắc nhưng thể nghiệm cách dàn dựng và tư duy viết kịch bản, phối hợp rất mới so với cách làm vở múa truyền thống.
Để dựng vở, đạo diễn phân công cho ê kíp biên đạo, đồng thời vẽ mô hình, tuyến múa di chuyển của các khối đội hình đối với cảnh diễn cần phối hợp từ 20 đến 30 vũ công, ghi tên vị trí dành cho từng vũ công. Khi tập luyện, mỗi vũ công phải tự hình dung vị trí của mình trong đội hình, tự hình dung mình sẽ di chuyển theo nhóm nào và phải tự luyện riêng tại nhà. Đối với tổ hợp động tác, các biên đạo sẽ dàn dựng cho các vũ công qua Google meet để luyện kỹ thuật. Đối với các đoạn múa ngẫu hứng, solo thì sẽ trực tiếp tập trên Google meet với đạo diễn để tìm ra được nhân vật của mình. Chỉ khi ghi hình, tất cả các nghệ sĩ mới kết hợp với nhau.
Thực tế, khi dịch bệnh lần thứ 4 bùng phát, dù gặp nhiều khó khăn hơn nhưng nhiều chương trình có quy mô lớn vẫn được các nghệ sĩ nỗ lực chung sức thực hiện, phục vụ nhu cầu giải trí, giúp người dân giải tỏa căng thẳng ngay trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội. Ngay cả các cơ quan, đơn vị nghệ thuật công lập, các tổ chức hội cũng tích cực “nhập cuộc hơn”.
Sau Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với chuỗi chương trình “San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch”, mới đây Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng vừa triển khai thành công 2 chương trình có quy mô lớn, chủ đề “Tiếng hát át COVID”, nhận được sự quan tâm của đông đảo người trong nghề. Tất nhiên, bên cạnh chất lượng nghệ thuật thì ứng dụng công nghệ vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu của các chương trình.
Như Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Hướng Dương chia sẻ, để nâng cao chất lượng về kỹ thuật, âm thanh, nhạc sống cho các chương trình trong “San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch”, Ban sản xuất đã cố gắng lựa chọn được nhà mạng "khoẻ" nhất, trang bị các thiết bị phải đạt yêu cầu để có chất lượng ghi hình cao nhất, đồng thời nghiên cứu để mỗi số sẽ hướng tới một đối tượng riêng và cập nhật các vấn đề thời sự nóng nhất ở từng thời điểm, đặc biệt là những hình ảnh xúc động, thời sự về phòng, chống dịch COVID-19.
PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cũng từng chia sẻ về chương trình “Tiếng hát át COVID” rằng, ông thực sự xúc động. Trong điều kiện giãn cách xã hội, Hội Nhạc sĩ Việt Nam có rất nhiều khó khăn nhưng các nhạc sĩ, nhạc công, các kỹ thuật viên phòng thu… đã vượt qua những khó khăn, lao động ngày đêm vượt thời gian để làm sao có được những sản phẩm về âm nhạc kịp thời giới thiệu với công chúng. Đây là tình cảm chia sẻ của giới văn học nghệ thuật cả nước gửi tới đồng bào, chiến sĩ và cũng là quyết tâm của Hội Nhạc sĩ Việt Nam cùng sát cánh với đất nước nhằm chiến thắng đại dịch.
Cũng theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, từ đầu năm 2020 đến nay, cùng với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, giới văn nghệ sĩ cả nước đã có nhiều đóng góp tích cực, có nhiều sáng tác mới để chia sẻ, động viên kịp thời quân và dân ta trên mặt trận chống dịch. Trong đó, tháng 4/2020, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã phát động một đợt sáng tác những ca khúc về đề tài phòng, chống COVID-19 và thu được trên 200 tác phẩm. Hội đã tuyển chọn 100 ca khúc chất lượng và xuất bản một tập ca khúc với tiêu đề “Niềm tin”, sau đó đã xây dựng một chương trình nghệ thuật online với tên gọi “Niềm tin - chúng ta là người chiến thắng”.
Khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tiếp tục phát động đợt 2 sáng tác các ca khúc hưởng ứng. Chỉ hơn một tuần sau khi phát động, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã nhận được trên 400 ca khúc của các nhạc sĩ hội viên và các tác giả trong cả nước gửi về. Hội cũng đã phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức cuộc thi “Giai điệu nơi tuyến đầu”. Dự kiến, đến giữa tháng 10, Ban tổ chức sẽ chọn lọc và phổ biến một số ca khúc, để âm nhạc ngày một lan tỏa sâu rộng, san sẻ yêu thương…