Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận: Dệt lụa từ tơ sen

Thứ Hai, 08/05/2023, 08:29

Trong số hơn 350 nghệ nhân và bàn tay vàng đến từ 69 làng nghề nổi tiếng trong cả nước tham gia Festival Nghề truyền thống Huế lần thứ 9 – năm 2023 với chủ đề “Tinh hoa nghề Việt” (kéo dài từ 28-4 đến 5-5), gian hàng làng nghề dệt Phùng Xá của Nghệ nhân Ưu tú Phan Thị Thuận (Giám đốc Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức, xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) luôn tấp nập du khách tham quan. Bởi, ở đây có sản phẩm “độc nhất vô nhị” Việt Nam, đó là lụa tơ sen.

Thỏa sức sáng tạo với sen

Ở Việt Nam không thiếu những đầm sen nhưng người táo bạo “dám” lấy tơ từ cuống sen - phần thường coi là “vô dụng” của cây sen để tạo ra sản phẩm lụa tơ sen thì chỉ có Nghệ nhân Ưu tú Phan Thị Thuận. Đầm sen gắn bó với bà từ nhỏ, khi theo mẹ đi cấy lúa. Đầm sen với những củ súng, hoa sen rắn rỏi, cứng cắp vươn lên từ bùn lầy tỏa hương thơm ngát đã là động lực thôi thúc bà phải làm gì cho cây sen cũng như phải làm gì cho quê hương Phùng Xá thân yêu. “Với tôi, nhìn thấy hoa sen ở đâu là nhìn thấy quê hương, đất nước mình ở đó như những câu thơ: “Đất nước ta hình đóa sen hồng/ Vững vàng trong gió bão cuồng dông/ Tỏa hương bè bạn về muôn hướng/ Kiêu hãnh bên màu xanh Biển Đông”, bà Thuận bộc bạch.

Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận: Dệt lụa từ tơ sen -0
Nghệ nhân Phan Thị Thuận (người bên trái) thao diễn rút tơ sen dệt lụa phục vụ du khách tham quan tại Festival Nghề truyền thống Huế lần thứ 9 – năm 2023. Ảnh: Thanh Hương.

Từ tình yêu đặc biệt ấy, bà Thuận đã đầu tư mua ruộng trồng sen thử nghiệm tìm cách lấy tơ. Thiếu kinh nghiệm, trong khi ở Việt Nam lại chưa ai từng làm nên thời gian đầu bà liên tục thất bại. Nhiều người khuyên bà làm lụa từ sen là việc không thể, nhưng rồi một ngày nụ cười đã nở trên môi khi bà đã khai thác được tơ sen từ những cuống sen bỏ đi và tạo nên một nghề mới cho làng Phùng Xá, đó là nghề thu hoạch cuống sen. Như vậy, đầm sen không chỉ mang lại hoa sen mà còn có “lãi kép”, mang lại từ cuống sen, tạo thêm thu nhập đáng kể cho người dân trong làng.

Theo lý giải của bà Thuận, do đặc tính phức tạp và tốn sức lao động trong việc dệt tơ nên loại lụa này được coi là một trong những loại vải đắt nhất thế giới. Để làm ra tấm khăn dài 1,7 mét phải cần tới 4.800 cuống sen, trong khi người thợ chăm chỉ, thạo việc mỗi ngày cũng chỉ làm được 200 đến 250 cuống sen. Nếu tính cả thời gian tách tơ, thêu họa tiết phải kéo dài hơn 1 tháng mới hoàn thiện nên hiện giá một chiếc khăn lụa tơ sen dao động từ 8- 12 triệu đồng. “Trải qua bao công đoạn, sợi tơ sen mỏng manh đã dệt thêu ra tấm khăn, tấm vải mang tâm hồn Việt. Hết tơ sen, tôi lại tiếp tục sáng tạo ra nón sen mà mỗi sản phẩm đều hội tụ tinh hoa nghề truyền thống Việt Nam”, bà Thuận nhấn mạnh.

Đến với Festival Nghề truyền thống Huế lần này, nghệ nhân Phan Thị Thuận mang theo khung cửi dệt tơ tằm, khung cửi dệt tơ sen và người xem không chỉ được ngắm nhìn các sản phẩm tơ lụa nổi tiếng được dệt thủ công mà còn trải nghiệm quy trình “giăng tơ, dệt lụa” truyền thống của làng nghề, nhất là sản phẩm dệt từ tơ sen. “Tơ sen được coi là sản phẩm độc đáo tại Festival lần này. Du khách đến với gian hàng đã đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi không nghĩ chúng tôi có thể lấy tơ sen được từ cuống sen và tạo nên sản phẩm dệt tơ sen đẹp và mang mùi hương thơm ngát như vậy. Những cuộc gặp gỡ, giao lưu thế này đã làm cho chúng tôi thêm tự tin vào công việc mình đã và đang làm”, bà Thuận khẳng định.

Nghề truyền thống phải được giữ gìn

Từng làm chung triển lãm “Sợi kết nối” với nghệ nhân Phan Thị Thuận, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn (giảng viên Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh: “Nghệ nhân Phan Thị Thuận luôn tràn đầy năng lượng sáng tạo và luôn cởi mở với các sáng tạo mới mẻ của các nghệ sĩ trẻ trong lĩnh vực mỹ thuật, thiết kế. Bà đã hợp tác với một số họa sĩ trẻ để sáng tạo ra các sản phẩm, tác phẩm nghệ thuật và thiết kế ứng dụng giàu chất nghệ thuật. Bà không ngại chia sẻ với những ai có nhu cầu về kỹ thuật để sáng tạo ra sản phẩm, từ nguồn nguyên liệu tới sản xuất. Bà cũng đã đặt hàng và tạo nguồn công việc cho nhiều gia đình để giữ nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt vải cũng như dệt tơ sen theo đúng quy trình truyền thống”.

Đánh giá về những đóng góp của nghệ nhân Phan Thị Thuận, bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội cho rằng: “Bằng tình yêu và trách nhiệm với làng quê, nghệ nhân Phan Thị Thuận đã nỗ lực, tâm huyết và sáng tạo với sản phẩm từ dệt tơ tằm đến dệt tơ sen. Riêng sản phẩm dệt lụa từ tơ sen được coi là sản phẩm đặc biệt, mang thương hiệu của làng Phùng Xá và cũng mang lại thu nhập đáng kể cho người dân làng nghề. Bà Thuận không chỉ là hồn cốt của làng nghề Phùng Xá mà còn là hồn cốt của cộng đồng làng nghề Thủ đô cũng như Việt Nam”.

Hiện nay, sản phẩm lụa tơ sen chủ yếu được làm theo đơn đặt hàng hoặc phục vụ các dòng khách cao cấp, khách nước ngoài. Với sức hấp dẫn và lan tỏa của sản phẩm này, doanh nghiệp của bà đã tạo công ăn việc làm cho 20 nhân công làm việc tại chỗ cũng như cho hàng trăm hộ nông dân trồng sen, nuôi tằm. Nhìn thấy nỗ lực của mình đã có thành quả, nghệ nhân Phan Thị Thuận bồi hồi cho biết: “Làng nghề Phùng Xá được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Dù đi đâu về đâu cũng phải nhớ đến cội nguồn cha ông để lại, nghề truyền thống phải được giữ gìn và phát triển”.

Ngô Khiêm
.
.
.