Năm Du lịch quốc gia - Huế 2025: Cơ hội tốt nhất để thúc đẩy liên kết phát triển du lịch vùng và liên vùng
TP Huế được Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) lựa chọn là địa phương đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia - Huế 2025. Chương trình khai mạc Năm Du lịch quốc gia - Huế 2025 đã diễn ra vào tối 25/3 vừa qua là sự kiện mở màn cho gần 160 sự kiện cấp quốc gia, cấp tỉnh được tổ chức. Đây chính là cơ hội để thúc đẩy liên kết phát triển du lịch vùng và liên vùng...
Theo Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hồ An Phong, Năm Du lịch quốc gia - Huế 2025 là một trong những sự kiện du lịch lớn nhất, kéo dài suốt năm, với quy mô, phạm vi toàn quốc. Năm Du lịch quốc gia - Huế 2025 có ý nghĩa rất lớn, tạo ra rất nhiều giá trị thúc đẩy du lịch cho Huế, là cơ hội để truyền thông, quảng bá hình ảnh Huế và tăng trưởng lượng khách, tạo đà để phát triển du lịch mạnh mẽ. Kết thúc Năm Du lịch quốc gia, Huế phải có những sản phẩm du lịch mới, đường bay mới, thị trường khách mới…

Bà Trần Thị Hoài Trâm, Giám đốc Sở Du lịch TP Huế cho biết, với chủ đề Năm Du lịch quốc gia 2025 "Kinh đô xưa - Vận hội mới", TP Huế đã xây dựng thêm nhiều sản phẩm tour, tuyến dịch vụ trải nghiệm mới, có tính sáng tạo cao gắn với tiềm năng lợi thế của địa phương như: Các sản phẩm và dịch vụ mới xoay quanh các thương hiệu đặc trưng như "Huế - Kinh đô ẩm thực", "Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam", "Huế - Thành phố Lễ hội" như các sản phẩm công nghiệp văn hóa: Các đêm nhạc giao hưởng Hue - Symphony, Festival âm nhạc cho giới trẻ; các show diễn về áo dài; các hoạt động trình diễn, trải nghiệm về ẩm thực… Bên cạnh đó, tại địa phương cũng diễn ra chung kết cuộc thi hoa hậu Việt Nam 2025; ngày hội khinh khí cầu; Festival võ thuật Cố đô…. Du lịch làng nghề, du lịch sinh thái gắn suối thác, biển, đầm phá, các sản phẩm gắn với phố cổ, làng cổ, nhà vườn… cũng được đầu tư, nâng cấp nhằm đáp ứng nhu cầu khách tham quan.
TP Huế hiện đang xây dựng Đề án phát triển du lịch, dịch vụ du lịch giai đoạn 2025 đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó tập trung vào một số chính sách về thúc đẩy phát triển, thủ tục hỗ trợ đầu tư và thu hút đầu tư vào du lịch gồm: Hạ tầng, cơ sở vật chất và nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ và các thiết chế văn hóa, thể thao, du lịch; cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với hoạt động của các doanh nghiệp lữ hành, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, tổ chức các sự kiện, hoạt động phát triển du lịch…
Huế là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch dịch vụ từ lợi thế di sản, cảnh quan, làng nghề... và sản phẩm du lịch Huế đa dạng với nhiều loại hình. Dự kiến Năm Du lịch quốc gia - Huế 2025 sẽ giúp Huế đón 5,25-5,5 triệu lượt khách tham quan và lưu trú; trong đó, khách nội địa chiếm khoảng 70-80%. Doanh thu ước đạt 11.000-12.000 tỷ đồng. Qua đó, địa phương phấn đấu đến năm 2030 đón khoảng 12 triệu lượt khách. Năm Du lịch Quốc gia 2025 sẽ là cơ hội để ngành du lịch Huế phát triển toàn diện.
Lãnh đạo TP Huế cho rằng, sẽ định vị lại bộ sản phẩm du lịch phù hợp xu hướng thị trường; đổi mới phương thức xúc tiến quảng bá, lưu ý thời điểm thu hút đối với từng loại thị trường để đảm bảo xuyên suốt năm đều đón được các loại khách quốc tế khác nhau. Theo đó, một số đường bay quốc tế đang được kết nối để đưa du khách đến Huế, bao gồm sự liên kết với Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, chính sách hỗ trợ phương tiện đón khách từ Đà Nẵng đến Huế. Bên cạnh đó, thành phố sẽ tiếp tục chú trọng xây dựng du lịch tàu biển, thiết lập hạ tầng dịch vụ khu vực cảng Chân Mây (huyện Phú Lộc, TP Huế) để đón khách quốc tế hạng sang trải nghiệm, khám phá.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Huế, Năm Du lịch quốc gia - Huế 2025 sẽ thúc đẩy mạnh mẽ liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương trong cả nước nhằm phát huy thế mạnh, tiềm năng để phát triển du lịch trong vùng cũng như liên vùng, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế, thương hiệu du lịch Việt Nam nói chung và TP Huế nói riêng trong những năm tiếp theo. Sự kiện sẽ thu hút đông đảo nhân dân, khách du lịch quốc tế và nội địa đến tham quan, trải nghiệm tại địa phương, tạo động lực thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế khác; đồng thời, tạo bước tăng trưởng, phát triển toàn diện du lịch Huế cả về quy mô và chất lượng dịch vụ, số lượng và cơ cấu khách du lịch đảm bảo tính bền vững.

Việc đăng cai Năm Du lịch quốc gia với nhiều chương trình, hoạt động sẽ được tổ chức xuyên suốt cả năm, dự báo Huế sẽ thu hút lượng lớn khách tham quan, trải nghiệm. Đây vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong lĩnh vực du lịch hay các vấn nạn, hành vi ảnh hưởng môi trường du lịch.
Vì vậy, bên cạnh các kế hoạch kiểm tra thường xuyên, Thanh tra Sở Du lịch phối hợp với Công an và lực lượng chức năng triển khai các đợt kiểm tra đột xuất nhằm đảm bảo môi trường du lịch và hoạt động du lịch, dịch vụ. Đối tượng kiểm tra gồm: Các cơ sở lưu trú du lịch, dịch vụ du lịch, đơn vị lữ hành trên địa bàn; hướng dẫn viên du lịch; môi trường du lịch tại các điểm tham quan du lịch.
Các cơ quan chức năng cũng tăng cường tuyên truyền, vận động việc phòng tránh các hành vi vi phạm về chèo kéo, bán hàng rong, bắt chẹt khách du lịch quanh các khu vực, điểm đến đông khách. Ngành Du lịch và chính quyền địa phương cũng triển khai nhiều giải pháp để nắm bắt phản ánh của người dân, du khách và trên nhiều trang mạng xã hội về môi trường kinh doanh du lịch của thành phố; phối hợp các cơ quan chức năng cùng kiểm tra, xử lý. Thanh tra Sở Du lịch TP Huế cũng công khai đường dây nóng và giải quyết kịp thời khiếu nại của khách du lịch…