Mèo gần gũi trong điêu khắc Việt cổ

Thứ Bảy, 21/01/2023, 07:29

Mèo là con vật gần gũi với người dân thế giới cũng như ở Việt Nam. Theo các nhà nghiên cứu, mèo đã được thuần dưỡng và nuôi trong các gia đình khoảng 10.000 năm nay. Tuy nhiên, so với các con vật khác trong 12 con giáp, mèo ít được ưu ái để xuất hiện trong sử sách, truyện cổ hay mỹ thuật dân gian.

Có lẽ, do mèo là con vật khá hiền hòa, thân thiện, không “dữ” và thể hiện sự trung thành với chủ tuyệt đối như chó, nên mèo ít được tạc tượng để “giữ nhà” như những bức tượng chó đá. Trong bộ cửu đỉnh của triều Nguyễn được vua Minh Mạng cho đúc, đặt trước Thế Miếu tại Kinh thành Huế, có đúc nổi 153 hình ảnh tiêu biểu của đất nước gắn quanh 9 chiếc đỉnh, có hình ảnh những loài thú hoang như voi, sơn dương hay các “anh em” của mèo như hổ, báo; các loài thú nhà nuôi để ăn thịt như lợn, gà, dê, nhưng không có chó và mèo.

9-1.jpg -0
Tượng mèo gốm hoa nâu thời Lý (trái) và Chuông chùa Mèo (Đỉnh Miêu thiền tự), xã Quang Hiến, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa, niên đại thời Lê Dụ Tông, hiệu lưu giữ ở Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa.

Mặc dù vậy, trong các di sản cha ông ta để lại, cũng không hiếm những hình ảnh gần gũi về mèo. Điển hình như trong các bức tranh dân gian Đông Hồ (xã Song Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh), với những đề tài đã rất quen thuộc như các bức “Đám cưới chuột”, hay “Trạng chuột vinh quy”.

Ngoài những bức tranh in khắc gỗ nhiều màu sắc này, có thể nhắc đến pho tượng mèo thuộc loại cổ nhất, đang được lưu giữ trong Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Đây là bức tượng trang trí bằng gốm hoa nâu, được xác định có niên đại từ thời Lý. Tượng chỉ cao khoảng 7,5 cm, thể hiện hình ảnh chú mèo trong tư thế ngồi, 2 chân trước dựng thẳng, hai tai vểnh, đuôi cong sát thân mình, mặt thể hiện vẻ sinh động.

Ngoài ra, tuy hiếm, nhưng mèo vẫn xuất hiện trong nghệ thuật điêu khắc đình làng ở Bắc Bộ. Nói đến các chi tiết chạm khắc trang trí vì kèo đình làng, thường người ta nghĩ đến hình ảnh các loài “tứ linh” như rồng, phượng, hay tiên nữ, hay các hình ảnh mô tả đời sống sinh hoạt, vui chơi của người dân. Vậy mà ở đình Đại Phùng (xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, Hà Nội), một ngôi đình tiêu biểu về kiến trúc nghệ thuật đời hậu Lê ở xứ Đoài, vẫn lưu lại một bức chạm gỗ độc đáo mang chủ đề “Mèo ngoạm cá”.

Bức chạm “Mèo ngoạm cá” nằm ở gian giữa của ngôi đình Đại Phùng, ở trên cao bên phía trái, sát với mái đình. Hình ảnh mèo và cá ở đình Đại Phùng được chạm khắc rất tỉ mỉ, chi tiết. Chú mèo có đôi tai vểnh lên, mồm ngoạm ngang con cá. Hai mắt mèo trợn tròn như đang cảnh giác sợ đối thủ khác tranh mất phần cá. Hai chân mèo co rúm, chân sau gập xuống như muốn nhảy phốc ra nơi khác, để bảo toàn miếng mồi ngon vừa cắp được. Nghệ nhân đã tạo tác những nét chạm tỷ mỷ, mô tả từng sợi ria mép, vành tai của mèo, với thân mình thon thả.

Qua những hình ảnh chạm khắc trên đình làng Đại Phùng, có thể hình dung ra toàn cảnh sinh hoạt của làng quê Việt cách đây hơn 300 năm, với những cảnh hai ông ngồi uống rượu mặc áo thụng mềm mại, chân xếp bằng tròn, người nghiêng ngả như say rượu hay hình ảnh nàng tiên dáng hình thon thả, cưỡi rồng xuống hạ giới chia vui.

Cũng là mô típ mèo ngoạm cá là bức chạm còn lưu giữ tại đình Bình Lục (xã Hồng Phong, Đông Triều, Quảng Ninh). Ngôi đình này còn được xác định rõ niên đại xây dựng khoảng năm 1705. Cũng trên bộ vì kèo còn được lưu lại, thể hiện rõ hình ảnh chú mèo với thân hình được cách điệu không theo khuôn thức, hai chân sau có đùi to khỏe cùng chiếc đuôi dài được đục thô, đơn giản, mộc mạc nhưng sống động và lý thú. Riêng chú cá trong miệng mèo được thể hiện chi tiết, hàng vảy trên thân cá được đục nổi (3D) với vây cá, đuôi cá được thể hiện rất sinh động.

Cả hai bức chạm “Mèo ngoạm cá” ở đình làng Đại Phùng và đình Bình Lục đều có chung bố cục, với mặt mèo nhìn thẳng ra ngoài, còn phần thân chỉ thể hiện phần thân bên phải hướng ra ngoài, tức đầu mèo quay sang bên phải. Con cá trong miệng mèo thể hiện ước mơ có một cuộc sống no đủ của người dân thời xưa. Cá trong miệng mèo cũng đều nằm ngang, đầu cá hướng sang phía trái. Có lẽ các nghệ nhân đã sao chép cùng một mẫu để tạo nên tác phẩm.

Ngoài những bức chạm khắc gỗ này, mèo còn xuất hiện trong chi tiết chạm nổi trên bia đá chùa Linh Quang (Linh Quang thiền tự) ở An Dương, Hải Phòng. Nội dung văn bia để lại cho biết chùa được dựng vào năm 1719, đời vua Lê Dụ Tông, niên hiệu Vĩnh Thịnh. Hình ảnh trang trí được chạm khắc quanh bia thể hiện các con giống quen thuộc như hổ, báo, chim, ngựa, hươu; ngoài ra ở đây còn có  con mèo trong dáng đang chuẩn bị vồ mồi, với dáng lưng cong vồng lên, đầu nhìn về phía trước, mắt mở to, nhìn rõ 2 chiếc răng nanh. Khác với hai bức chạm gỗ “Mèo ngoạm cá”, ở bia đá này, mèo xuất hiện với phần thân bên trái (đầu quay sang phải).

9-2.jpg -0
Chạm khắc “Mèo ngoạm cá” ở đình Đại Phùng, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, Hà Nội.

Cũng liên quan đến mèo lưu lại trên dấu tích chùa cổ thời đại Vĩnh Thịnh triều Lê trung hưng là chiếc chuông cổ tại chùa Đỉnh Miêu Thiền tự ở làng Chiềng Ban, xã Quang Hiến, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa. Đây là ngôi chùa hiếm hoi ở nước ta mang tên loài mèo. “Đỉnh Miêu thiền tự” có nghĩa là chùa theo dòng thiền trên đỉnh núi Mèo. Theo lời kể của nhân dân địa phương truyền lại thì thời xưa có nhiều mèo hoang sống trên núi đó, vì thế được gọi là Đồi Miêu, và vào thời Trần, công chúa Chu Huyền cùng với nha lang Mường Chếnh đã xây chùa, nên chùa được gọi chùa Chu.

Truyền thuyết địa phương kể lại rằng thời kỳ thủ lĩnh Lê Lợi lãnh đạo nhân dân nổi dậy chống quân Minh xâm lược, một lần đi qua chùa Chu, ngài vào lễ Phật, nhưng thấy cảnh hoang tàn, sư sãi đi lánh nạn cả, chỉ thấy một con mèo lạc trong chùa, nên đã bế mèo đi theo. Khi bị quân Minh truy đuổi, Lê Lợi đã thả con mèo ở một rãnh đồi (dân địa phương thường gọi là “hón”) gần chùa Chu. Nơi này đến nay vẫn được người dân địa phương gọi là Hón Bỏ Mèo. Khi cuộc kháng chiến chống Minh thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi vua, đã sai cận thần là Lê Khả vào Mường Chếnh đốc thúc thổ lang Mường tu sửa chùa Chu để thờ Phật và cho đổi tên chùa Chu thành chùa Mèo, sau này được gọi tên là Đỉnh Miêu thiền tự.

Hiện vật lịch sử quý nhất của chùa Mèo là chiếc chuông cổ, có đúc nổi 8 chữ Hán “Chú tạo Miêu Đỉnh thiền tự hồng chung” (chùa Đỉnh Miêu đúc quả chuông lớn) và bài minh văn khắc chìm bằng chữ Hán, với phần ngày tháng cho biết chuông được đúc vào “ngày tốt, cuối xuân năm Vĩnh Thịnh thứ 14, triều Lê”, tức năm 1718. Chiếc chuông quý này hiện được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa từ năm 1992.

Khi đến thăm chùa ngày nay, du khách sẽ được giới thiệu một khối đá hình mèo. Tuy nhiên đây có lẽ là một hiện vật mới, được sưu tầm vì liên quan đến sự tích ngôi chùa. Trong chùa có ban thờ vua Lê Thái Tổ và vua Quang Trung, vì cũng theo truyền thuyết, khi vua Quang Trung tiến quân ra Bắc đánh đuổi quân Thanh, trảy qua vùng núi Thanh Hóa, đã chiếu chỉ cho thổ ty lang Mường sửa lại chùa Mèo.

Ở xã Yên Đức, huyện Đông Triều, Quảng Ninh lại có ngọn núi có hình dáng như con mèo nằm, nên từ lâu đã được gọi là Ngọa Miêu Sơn (núi Mèo Nằm). Do hình dáng độc đáo nên nhiều văn nhân tài tử đã đến núi du ngoạn, sáng tác thơ văn và đặc biệt trên hang núi còn lưu lại bài thơ chữ Nôm tả “Cảnh núi Con Mèo” đặc sắc. Bài thơ được khắc thêm dòng lạc khoản ghi “Trần triều Nhân Tôn Hoàng đế” và niên đại là “Trùng Hưng bát niên xuân” nên có thể đoán rằng đây là thơ ngự chế của vua Trần Nhân Tông, sáng tác mùa xuân năm 1292.

Nội dung bài thơ như sau:

Đứng thốc trên sông một đọi đèo

Vặn hình ra thể dáng con Mèo

Đá xương đất thịt, da không mốc

Cỏ vện hoa vằn, dạ chẳng meo

Cáo thỏ kinh hơi, rừng vắng ngắt

Kình nghê tăm bặt, nước trong veo

Xanh trì vũ trụ chân ngoèo vững

Ắt hẳn ngàn năm kín chẳng nghèo.

Bài thơ mượn việc tả núi Con Mèo ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên, đất nước, ngợi ca cái đẹp, ghét cái ác. Mặc dù thời gian trước, việc khai thác đá bừa bãi khiến phần thân đầu con mèo đã bị tàn phá, nhưng rất may hang núi và bài thơ vẫn còn được bảo tồn, nên hiện nay cụm di tích lịch sử và thắng cảnh Núi Con Mèo ở luôn tấp nập du khách tới tham quan, ngắm cảnh và tìm về dấu tích của tiền nhân.

Lê Tiên Long
.
.
.