Lễ hội Minh thề - người dân mong mỏi cán bộ cùng thực hiện lời thề

Thứ Tư, 08/02/2023, 09:55

Sau 3 năm tạm hoãn vì dịch COVID-19, Lễ hội Minh thề, có lịch sử hơn 500 năm ở làng Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy (TP Hải Phòng) vừa được khôi phục trở lại trong 3 ngày (từ 14 đến 16 tháng Giêng), thu hút đông đảo người dân tham dự, chứng kiến nghi lễ.

Theo sử sách lưu truyền, nghi lễ này có từ khoảng giữa thế kỷ XVI. Khi đó, vợ của Thái Thượng hoàng Mạc Đăng Dung là Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn đến ấp Lan Niểu (nay là thôn Hòa Liễu) đã tự bỏ tiền và vận động hoàng thân quốc thích, quan lại triều Mạc đóng góp tiền của để tu tạo lại ngôi chùa cổ.

01 nghi thuc truyen thong trong le hoi minh the.jpg -0
Nghi lễ truyền thống trong Lễ hội Minh thề.

Thái hoàng Thái hậu đã xuất tiền mua 25 mẫu 8 sào 2 thước cúng dâng Tam Bảo và nhiều người theo gương bà cũng tậu ruộng, cúng chùa giúp tăng số diện tích lên đến 47 mẫu 5 sào. Số ruộng này làng gọi là Thánh điền, một phần diện tích dành cho nhà chùa cấy, một phần dùng vào việc tuần tiết lễ hội, còn lại để chia cho dân đinh cày cấy hưởng lộc và cho cấy đấu thầu lấy thóc lập quỹ nghĩa thương phòng khi đói khó cấp đỡ cho người nghèo, cố nhân, quả phụ…  Cũng chính từ đây, Thái hoàng Thái hậu đã cùng với chức sắc, dân làng lập ra một hịch văn hội Minh thề quy định lấy việc công làm trọng…

Đến thế kỷ XIX, triều đình nhà Nguyễn đã sắc phong bốn chữ vàng “Mỹ tục khả phong” cho Lễ hội Minh thề. Tiếp đến năm 1993, khu đền chùa Hòa Liễu được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Trên cơ sở hương ước cổ của làng, người làng Hòa Liễu đã soạn thảo bản hương ước mới gồm 5 chương 20 điều. Và đến năm 2017, Lễ hội Minh thề được công nhận là Di sản phi vật thể cấp quốc gia.

Để gìn giữ lễ hội truyền thống độc đáo này và ghi nhớ công đức của Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, hằng năm người dân làng Hòa Liễu lại tổ chức lễ hội Minh thề kéo dài trong 3 ngày (từ 14 đến 16 tháng Giêng âm lịch).

Cụ thể, sau lễ dâng hương, hoa, dâng rượu, dâng nước tế Thần, vị Chủ lễ đứng trước đài thề đọc Hịch văn Minh thề, rằng: “Dù là người có chức có quyền trong làng, người dạy học hay nông dân đều phải lấy lời hay lẽ phải mà dạy bảo con cháu làm điều tốt đẹp, tuân theo thuần phong mỹ tục của làng. Nếu dùng uy quyền làm những việc ác, lấy của công đem về làm của tư, nguyện cầu thần linh đả tử”. Và mọi người dự Lễ cùng giơ tay và hô vang "Y như lời thề".

02 dai dien nhan sy trong lang doc loi hich the.jpg -0

Phát biểu tại lễ hội năm nay, ông Phạm Văn Tài, Chủ tịch UBND xã Thuận Thiên khẳng định những giá trị nhân văn của lễ hội Minh thề có truyền thống lịch sử hơn 500 năm qua và đến nay vẫn luôn vẹn nguyên giá trị bởi tính thiết thực, gần gũi với cuộc sống hiện đại. 

Theo ông Tài, những lời hịch văn Minh thề ngắn gọn, súc tích nhưng đã nêu bật được giá trị đạo đức, sự chính trực, liêm khiết và mang thông điệp hết sức hợp lòng dân nên được người dân thôn Hòa Liễu gìn giữ, phát triển cho đến ngày nay.

Cụ Phạm Đăng Khoa (89 tuổi, nguyên Phó Trưởng Ban quản lý khu di tích đền chùa Hòa Liễu) cho biết, xưa kia hội thề diễn ra thu hút được rất nhiều thành phần, đủ chức dịch hàng tổng, quan lại hàng phủ về tham dự. Họ cùng giơ cánh tay thề biểu thị sự thanh liêm, quyết không lấy của công dùng làm của tư…

Với ý nghĩa đó, trong những năm qua, người dân mong muốn Lễ hội Minh thề có sự tham dự của các cán bộ cấp xã, cấp huyện, thành phố, thậm chí là cao hơn nữa cùng tham gia vào nghi thức thề trước thần linh để giữ mình liêm chính, không tham nhũng để tạo niềm tin tưởng trong nhân dân.

Thực tế trong xã hội hiện đại, nghi thức thề vẫn được tôn trọng và thực hiện, từ các cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước khi nhậm chức, cho đến các cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang, thành viên các đoàn hội… Có ý kiến cho rằng, việc thực hiện nghi lễ mà chỉ có dân mà cần có cả cán bộ lãnh đạo. Bởi lời thề trải theo thời gian, đã vượt khỏi ranh giới tâm linh, mà mang ý nghĩa cao hơn như một ngưỡng kiểm soát cho mỗi người thề tự răn, tự điều chỉnh mình, nhất là khi lời thề ấy hướng tới điều tử tế.

Tuy nhiên, theo lý giải của ông Trịnh Văn Tú, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng, thì đây là lễ hội của làng Hòa Liễu, do người dân lập lên với mong muốn mọi công việc chung của làng đều phải được minh bạch trong sáng, lấy của công chi việc công, chứ không được lấy của công chi việc tư. Theo đó, chỉ có Trưởng Ban tổ chức, thường là cán bộ thôn và một số cán bộ thôn, các vị bô lão và một số nhân dân thề “không tham nhũng”. Còn các cán bộ lãnh đạo từ cấp xã, cấp huyện hay cấp thành phố trở lên, dù có tham dự cũng không phải thề mà phải thực hiện theo đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Cùng với đó, theo ông Trịnh Văn Tú thì về nguyên tắc tổ chức lễ hội là phải bảo tồn giữ gìn nguyên trạng, phù hợp với truyền thống của cộng đồng dân cư. Vì vậy không thể "nâng cấp", thay thế vị chức sắc, bô lão trong làng để thực hiện nghi lễ...

Dù còn nhiều quan điểm khác nhau, nhưng thiết nghĩ, nghi lễ này cần được mở rộng thành phần, nhất là đối với các cán bộ đang đảm nhiệm chức quyền. Nếu đạt được điều đó thì Lễ hội Minh thề không chỉ còn là nghi lễ riêng của người làng Hòa Liễu mà cần được lan tỏa tới mọi địa phương khác của Hải Phòng cũng như cả nước, trong bối cảnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang được đẩy mạnh, khẳng định quyết tâm của Đảng và Nhà nước, được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Văn Minh
.
.
.