Lê Đức Phát, hình mẫu của một tay vợt vượt khó

Thứ Hai, 15/01/2024, 08:43

Khác với Nguyễn Thùy Linh, một người đã lọt vào top 20 thế giới và được ví như "tay vợt quốc dân", Lê Đức Phát ít nhiều phải chịu những bất công bủa vây xung quanh mình. Nhưng sau tất cả, tay vợt 26 tuổi vẫn vượt qua, đồng thời cố gắng hiện thực hóa giấc mơ của riêng anh.

Quốc gia và quốc tế

Lê Đức Phát khép lại năm 2023 ở vị trí 83 thế giới. Thứ hạng tốt nhất anh có được trong năm qua là hạng 74. Những con số này có thể khiêm tốn với những tay vợt nhóm đầu, nhưng là thành quả đáng khích lệ cho cá nhân Đức Phát. Bởi, tay vợt sinh năm 1998 khởi đầu mùa giải 2023 ở vị trí ngoài top 300 thế giới.

Có xuất phát điểm là một VĐV Boxing, Đức Phát đã sớm cho thấy tài năng khi quyết định dành toàn thời gian với cầu lông. Năm 2018, ở tuổi 20, anh đã tích lũy điểm số để lọt vào top 150 thế giới. Đáng tiếc là chấn thương, cũng như dịch COVID-19 bùng phát đã khiến Đức Phát không thể thi đấu như ý trong vài năm sau đó.

anh2.jpg -0
Những tay vợt như Đức Phát hiện chưa có điều kiện tập luyện thường xuyên cùng người có trình độ cao hơn mình.

Từ một tay vợt leo hạng tương đối tốt trên bảng xếp hạng thế giới, Đức Phát phải làm lại tất cả phía sau vạch xuất phát. Tháng 8/2022, anh tụt xuống vị trí 464 thế giới, hạng thấp nhất của tay vợt này trong 6 năm. Không nhiều tay vợt có thể trở lại top 100 sau khi tụt hạng thê thảm như vậy, nhưng Đức Phát đã làm được.

Giống như nhiều tay vợt quốc tế khác, Đức Phát có một hướng đi rõ ràng trên hành trình cải thiện thứ hạng của mình. Anh chọn những giải đấu quốc tế vừa sức với bản thân ở cấp độ Challenge hoặc Super 100. Điều đó giúp tay vợt này có thể lọt vào sâu ở một mức độ nhất định, qua đó tích lũy điểm số đáng kể.

Trong năm 2023, Đức Phát khởi đầu bằng ngôi Á quân Vietnam Challenge. Chẳng ai có thể trách Đức Phát khi thua trên sân nhà, bởi người đánh bại anh trong trận chung kết là Takuma Obayashi, một tuyển thủ Nhật Bản. Đức Phát sau đó còn giành ngôi Á quân Kazakhstan Future, cũng như vô địch Tajikistan International.

Với mục tiêu vươn ra thế giới, ưu tiên hàng đầu của Đức Phát là những giải đấu giúp anh tích lũy điểm số trên bảng xếp hạng quốc tế. Tuy nhiên, đây cũng là nguyên nhân khiến anh gặp một sự cố dở khóc dở cười trong những ngày cuối năm. Trong thông báo mới nhất của Liên đoàn Cầu lông Việt Nam, Đức Phát không được xếp vào nhóm kiện tướng quốc gia. Anh chỉ là "VĐV cấp 1".

Nguyên nhân khiến Đức Phát không được phong kiện tướng quốc gia là bởi anh không có thành tích tốt ở một số giải trong nước thời gian gần đây. Tại giải đấu hồi tháng 9, Đức Phát bị xếp chung nhánh với hạt giống số 1 Nguyễn Hải Đăng và bị loại ngay vòng 3. Đến giải cuối năm, anh buộc phải rút lui do gặp chấn thương.

Tại nhiều địa phương, việc không được phong kiện tướng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chế độ đãi ngộ cho VĐV. Đức Phát dường như không phải chịu thiệt thòi này, bởi anh được đơn vị Quân đội hướng đến mục tiêu giành vé Olympic. Tuy nhiên, việc Đức Phát không được phong kiện tướng cũng cho thấy mâu thuẫn trớ trêu, khi một tay vợt quốc tế lại không có thứ hạng cao trong nước.

Phía sau bức tường thế giới

Là vận động viên thuộc thế hệ GenZ, Đức Phát không ngại chia sẻ suy nghĩ của bản thân với công chúng. Từ đó, mọi người mới có thể biết thêm về một chút góc khuất của những vận động viên đỉnh cao. Thùy Linh không phải người duy nhất du đấu quốc tế một mình. Đức Phát, Hải Đăng, và nhiều tay vợt khác cũng chịu cảnh tương tự. Họ cũng có những điều khó nói khi bị chê "không vươn tầm thế giới".

Nếu xét về mặt thể hình, thể trạng, Đức Phát có thể là một trong những VĐV giàu tiềm năng nhất của cầu lông Việt Nam. Đức Phát cao 1m80, rất mạnh trong những pha đập cầu, nhưng cũng có thể điều cầu, bỏ nhỏ rất khéo, một điều không phải ai cũng làm được. Thứ hạng hiện tại của Đức Phát chỉ phản ánh một phần khả năng.

Trong một chia sẻ từ nhiều năm trước, tay vợt Nguyễn Tiến Minh từng nói anh ước gì Việt Nam có thể mở một câu lạc bộ quy tụ những tay vợt trong top 20 thế giới đến sinh hoạt, tập luyện. Họ sẽ là đầu tàu thúc đẩy những tay vợt Việt Nam đến gặp gỡ, học hỏi và tiến bộ từng ngày. Tuy nhiên, viễn cảnh đó rất khó xảy ra.

Ở môn cầu lông, cách tốt nhất để nâng cao trình độ bản thân là liên tục đấu tập cùng người giỏi hơn. Nhưng tại Việt Nam, những tay vợt hàng đầu quốc gia lại không có cơ hội làm điều đó. Thùy Linh có thể tập cùng VĐV nam để nâng cao trình độ. Nhưng Tiến Minh, Đức Phát hay Hải Đăng thì không. Họ phải tập cùng nhau, hoặc duy trì thể trạng bằng cách tập với VĐV phong trào.

Vượt qua những sự cố trớ trêu đó, Đức Phát vẫn bình thản tiến về phía trước. Trong thời gian mọi người nghỉ ngơi, dành thời gian cho gia đình, tay vợt này vẫn đều đặn xách vợt ra sân để rèn luyện. Anh không ngại tập với bất cứ ai, bởi, việc có bạn tập cùng bất cứ khi nào đã là điều vô cùng đáng quý.

Mục tiêu của Đức Phát trong năm 2024 là lọt vào top 50 thế giới. Và trong điều kiện có thể, anh muốn bản thân tích lũy đủ điểm số để giành vé tham dự Olympic Paris. Đó đều là những mục tiêu nằm trong tầm tay của Đức Phát, người luôn cố gắng vượt qua nghịch cảnh. Mọi thứ sẽ thuận lợi hơn cho tay vợt này nếu anh có thêm cộng sự đồng hành giống như Thùy Linh.

Đức Phát tìm nhà tài trợ theo hướng đi riêng

Khác với những đồng đội ở tuyển cầu lông Việt Nam, Đức Phát luôn ký hợp đồng với một nhà tài trợ khác với đội tuyển. Đối tác của anh thường là những nhà sản xuất đồ thể thao lớn, nhưng mới trong giai đoạn bước đầu thâm nhập thị trường Việt Nam. Điều này mang lại lợi ích lớn cho cả đôi bên. Nhưng với Đức Phát, những bản hợp đồng không tự đến với tay vợt này.

Nhà tài trợ mới của Đức Phát là một thương hiệu đồ thể thao của Malaysia. Họ bắt đầu chú ý đến anh kể từ khi tay vợt này giành ngôi Á quân tại Kazakhstan Future, giải đấu do họ làm nhà tài trợ chính. Sự tiến bộ không ngừng của Đức Phát trong thời gian gần đây đã thúc đẩy họ quyết định ký hợp đồng cùng tay vợt Quân Đội.

Việc đầu quân cho một thương hiệu của Malaysia giúp Đức Phát có thêm nhiều thuận lợi trong thời gian tới. Để chuẩn bị cho tour đấu châu Âu đầu năm nay, Đức Phát đã đến Malaysia tập luyện. Một phần trong chi phí tập tại nước ngoài của Đức Phát do nhà tài trợ chi trả, giúp anh có thể yên tâm hơn về chuyện cơm áo gạo tiền.

An Khánh
.
.
.