Làm việc xuyên Tết để hoàn thiện Nhà hát Hồ Gươm

Thứ Tư, 18/01/2023, 14:58

Những ngày này, Nhà hát Hồ Gươm – công trình được đặt nhiều kỳ vọng về một thiết chế văn hóa đặc biệt không chỉ của Thủ đô Hà Nội mà còn của cả nước, đồng thời là địa điểm biểu diễn đáp ứng các chương trình nghệ thuật theo chuẩn quốc tế đang dần hoàn thiện.

Dù công trình mới chủ yếu hoàn tất phần xây dựng cơ bản và phía mặt tiền nhưng sự hiện diện của Nhà hát trên phố Hàng Bài - phố trung tâm của Thủ đô Hà Nội vẫn khiến những người đi ngang qua nơi này không thể không tranh thủ ngắm nhìn, dù rằng, họ đang tất bật chạy đua với thời gian để hoàn tất các công việc cần thiết trước khi chính thức nghỉ Tết.

Trong văn phòng của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, Cục Hậu cần, Bộ Công an được đặt tạm ngay sát công trình, không khí làm việc vẫn tấp nập như thể Tết vẫn đang ở đâu đó rất xa. Những cuộc gọi điện thoại chóng vánh, những cuộc ghé qua văn phòng, trao đổi công việc nhanh cùng chén nước uống vội khiến ấm trà bé xíu đôi lúc cũng… quá tải.

Tranh thủ trao đổi với chúng tôi khi cùng các đồng sự kiểm tra mẫu ghế vừa được mang đến, lật từng cuốn thiết kế chi tiết khổ lớn đang chồng xếp trên chiếc bàn rộng, choán phần lớn căn phòng, Trung tá Nguyễn Minh Hưng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành cho biết, công việc còn nhiều, để kịp tiến độ, các bộ phận sẽ phải phân công người làm xuyên Tết. 4 tháng trở lại đây, công trình mới thường xuyên duy trì khoảng 260 thợ, chia làm 3 ca mỗi ngày.

Trước đó, có thời điểm cao nhất là khi thi công hầm, cần đến khoảng 300 công nhân. Dịp Tết ai cũng muốn về đoàn tụ với gia đình nhưng Ban quản lý, chỉ huy công trình vẫn cố gắng động viên công nhân viên và duy trì khoảng 100 nhân công, chia ca làm xuyên Tết. Ngoài công nhân sẽ có 24 cán bộ kỹ thuật được phân công thay phiên nhau phối hợp với các thành viên trong tổ giám sát làm việc trong suốt kỳ nghỉ này.

“Đón Tết ở công trình chắc chắn không để như ở nhà, điều kiện ăn ở chật hẹp hơn nhưng công nhân làm xuyên Tết được tạo điều kiện tối đa để yên tâm làm việc. Người ở ngoại tỉnh được ưu tiên nghỉ Tết. Những người ở Hà Nội được động viên sắp xếp công việc gia đình, thay phiên nhau đến làm việc để đảm bảo bàn giao mặt bằng cho đơn vị lắp đặt các trang thiết bị âm thanh, ánh sáng, nội thất theo đúng kế hoạch dự kiến là tháng 5/2023. Hiện tại, kết cấu xây dựng cơ bản hoàn thành. Kiến trúc mặt ngoài đang hoàn thiện. Trong dịp Tết, phần lớn công nhân làm việc ở bên trong công trình, chủ yếu là tập trung lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy, điện, nước, điều hòa không khí….”, Trung tá Nguyễn Minh Hưng cho hay.

x.jpg -0
Trung tá Trịnh Tiến Hải, chuyên viên Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành cùng các công nhân kiểm tra mối nối giàn thép nóc Thiên Kiều.

Tại khu vực công trình, từ tầng hầm đến nóc tầng 6, chúng tôi đều thấy thợ làm việc. Các thợ hàn đang cần mẫn làm việc giữa chằng chịt những đường ống, khung sắt thép phía trên các tầng nhà. Trên nóc tầng 6, các công nhân vẫn miệt mài làm giàn thép. Vừa cẩn thận quan sát từng mối nối, Trung tá Trịnh Tiến Hải, chuyên viên Ban Quản lý dự án vừa giải thích, các công nhân đang chuẩn bị các khâu cuối cùng để kịp đổ mái Thiên Kiều vào buổi tối. Công nhân làm rải rác trong khắp công trình, nên ngoài các thành viên trong tổ giám sát còn có khoảng 60 camera giám sát. Những ngày gần đây, hàng rào bên ngoài công trình tạm dỡ để thuận lợi vận chuyển vật liệu nhưng công trình vẫn được bố trí 2 lớp bảo vệ an ninh.

Anh Đinh Văn Chinh, giám sát an toàn lao động của công trình cũng cho hay, trong suốt kỳ nghỉ Tết đều có Trưởng Ban, Phó Ban cùng các giám sát viên thay phiên nhau làm việc tại công trình. Người ở Hà Nội sẽ trực các ngày 29, 30 và mùng 1 Tết. Những người ở ngoại tỉnh như anh Chinh thì được ưu tiên hơn, trực trong những ngày đầu hoặc gần cuối kỳ nghỉ. Theo kế hoạch, sẽ có khoảng 5 người giám sát mỗi ngày. Số lượng công nhân được duy trì liên tục từ 30 – 40 người. Để động viên công nhân yên tâm làm việc, ngoài các chế độ ưu đãi bằng tiền, người lao động được bố trí đón Tết đủ đầy, từ lương thực, thực phẩm, người phục vụ từ chiều 28 Tết cho đến ngày mùng 5 Tết.

Được biết, công trình Nhà hát Hồ Gươm xây dựng tại số 40, 40A Hàng Bài, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Nhà hát do Kiến trúc sư nổi tiếng người Pháp gốc Việt – ông Hồ Thiệu Trị và các cộng sự thiết kế. Nhà hát có phòng biểu diễn chính quy mô 900 chỗ và phòng biểu diễn phụ, được thiết kế xây dựng, trang bị kỹ thuật đáp ứng tiêu chuẩn châu Âu, có thể biểu diễn nhiều loại hình nghệ thuật như nhạc giao hưởng, ca múa nhạc, kịch, xiếc...

Công trình do Bộ Công an đầu tư xây dựng nhưng không chỉ là thiết chế văn hóa riêng của lực lượng CAND mà sẽ là thiết chế văn hóa nổi bật tại Thủ đô Hà Nội, kết nối với các công trình văn hóa hiện có thành một chuỗi các công trình văn hóa nghệ thuật, tạo không gian vui chơi, giải trí và kết hợp với phố đi bộ quanh Hồ Hoàn Kiếm. Nhà hát đồng thời đáp ứng tổ chức các sự kiện văn hóa, chính trị, các chương trình nghệ thuật lớn, theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm phục vụ yêu cầu nâng cao đời sống tinh thần cán bộ chiến sĩ và nhân dân Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung, góp phần quảng bá văn hóa, du lịch, phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô Hà Nội, là điểm nhấn kiến trúc, kết nối hài hòa và bảo tồn kiến trúc, cảnh quan khu vực…

Theo kế hoạch dự kiến, công trình sẽ hoàn thiện vào dịp kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống lực lượng CAND (19/8/1945 – 19/8/2023).

Hoa Nguyễn
.
.
.