Huy chương Olympic - Cần các bên nhìn cùng một phía

Chủ Nhật, 18/08/2024, 08:38

Thể thao Việt Nam hàng năm chi số tiền không nhỏ cho VĐV, HLV và các cán bộ chuyên trách. Tuy nhiên, việc chi bao nhiêu đôi lúc không quan trọng bằng việc số tiền ấy được chi ra sao, như thế nào, có đến đúng đối tượng hay không. Câu chuyện tương tự cũng đúng với nhiệm vụ của VĐV, HLV.

Không ai chịu chi

Tháng 4/2024, tỉnh A có một vận động viên thuộc đội tuyển trẻ quốc gia, được chọn để tham dự giải trẻ cấp độ châu Á. Theo công văn từ Cục Thể dục Thể thao (TDTT), toàn bộ kinh phí dự giải của VĐV này được địa phương chi trả. Tuy nhiên, phía địa phương sau đó cũng không đồng ý với phương án này.

anh1.jpg -0
Nhi Yến là VĐV điền kinh nổi bật của Việt Nam, nhưng chỉ tập luyện trong nước.

Quyết định cuối cùng được đưa ra, là VĐV kể trên và HLV phụ trách trực tiếp tại địa phương phải chủ động tìm nguồn tài chính để dự giải. Nếu không, VĐV buộc phải ở nhà. Câu chuyện sẽ chẳng có gì đáng bàn, nếu như đây không phải một VĐV giàu triển vọng của thể thao Việt Nam. Ngoài ra, môn thi đấu của em hiện nằm trong chương trình Olympic.

Trong những năm gần đây, ngân sách được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch duyệt chi hàng năm cho hoạt động thể dục thể thao vào khoảng 900 tỷ đồng. Số tiền đó được phân bổ cho Cục TDTT, các phòng ban phía dưới, các bộ môn và Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia. Số tiền cũng có sự chênh lệch lớn giữa những bộ môn.

Có nhiều nguyên nhân khiến Bộ quyết định không tăng ngân sách quá nhiều. Thứ nhất, khoản chi thực tế có thể bị đội lên nhiều vì "mưa" huy chương, như ở 2 kỳ SEA Games vừa qua. Thứ hai, ngành Thể thao cần chuyển mình, huy động thêm các nguồn lực xã hội hóa. Thứ ba, Bộ không thể duyệt chi thêm, khi thành tích không có sự cải thiện.

Trong câu chuyện của VĐV thuộc tỉnh A, em đang thuộc đội tuyển trẻ quốc gia. Kinh phí ăn tập ở đội tuyển được Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia chi trả, với nguồn tiền do Bộ phân bổ về Cục TDTT. Tuy nhiên, kinh phí tập huấn, du đấu quốc tế của đội tuyển bị giới hạn, trong bối cảnh ngân sách chi tiêu eo hẹp cho từng bộ môn.

Khoảng vài năm gần đây, trừ Olympic, ASIAD và SEA Games, VĐV dự các giải đấu quốc tế không phải lúc nào cũng theo diện dùng ngân sách từ Cục TDTT. Họ thường được hỗ trợ từ đơn vị chủ quản ở địa phương, hoặc đi thi đấu theo diện được tài trợ từ doanh nghiệp. Đó là cách duy nhất để VĐV được bồi dưỡng kinh nghiệm qua các giải quốc tế.

Trong số các đội tuyển thể thao quốc gia hiện tại của Việt Nam, Wushu và Bơi là những môn hiếm hoi có VĐV thường xuyên tập luyện nước ngoài. Trong tương lai, Bắn súng có thể trở thành môn tiếp theo được biệt đãi như vậy. Những đội tuyển còn lại chỉ duy trì tập luyện trong nước, cùng kỳ vọng cao như giành huy chương ASIAD, Olympic.

Mỗi nơi một hướng

Thực trạng phát triển của thể thao Việt Nam chỉ ra một sự thật: Cục TDTT cần các địa phương hợp tác trong mục tiêu vươn ra thế giới. Đây thực sự là nguồn lực lớn, trong bối cảnh Việt Nam chưa huy động được nguồn xã hội hóa đáng kể vào thể thao thành tích cao. Nhưng trên thực tế, không phải địa phương nào cũng sẵn sàng làm việc này.

Hà Nội là một trong những đơn vị hiếm hoi sẵn sàng chịu chi cho mục tiêu quốc gia. Họ có những chuyên gia đẳng cấp thế giới đến làm nhiệm vụ, đồng thời chấp nhận cho những HLV này lên hỗ trợ đội tuyển khi cần, với kinh phí làm việc do Hà Nội chi trả. Tuy nhiên, học theo mô hình của Hà Nội không dễ, bởi câu chuyện không chỉ nằm ở số tiền.

Mô hình phát triển lệch của thể thao thành tích cao được nhìn thấy rõ ở câu chuyện con người. VĐV giỏi thường tập trung ở 2 đầu Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Phần lớn những VĐV có trình độ tốt sau đó trở thành HLV. Họ cũng xây dựng uy tín và mối quan hệ cá nhân với các bên từ quá trình còn thi đấu, đến khi chuyển sang công tác huấn luyện.

Những chuyên gia nước ngoài đến Hà Nội làm việc không chỉ vì mức lương cao. Theo thời gian, họ đã xây dựng mối quan hệ thân thiết với một số HLV, cán bộ thể thao của Việt Nam. Đây mới là nguyên nhân chính giúp thể thao Hà Nội có thể mời về những chuyên gia xuất sắc, những người có thể thành công ở bất cứ nơi nào họ đến làm việc.

Phần lớn các địa phương khác không thể mang suy nghĩ táo bạo như Hà Nội. Số lượng VĐV, HLV nhỏ, cùng nguồn ngân sách hạn chế khiến họ phải nghĩ đến những vấn đề ngắn hạn trước. Họ không thể mơ đến giấc mơ vươn ra thế giới, khi chưa thể giữ chân VĐV ở lại. Câu chuyện VĐV nghỉ thi đấu sớm luôn làm đau đầu mọi HLV thể thao thành tích cao.

"Đương nhiên chúng tôi cũng muốn VĐV của mình được thi đấu quốc tế. Nhưng các em khi ở địa phương thì không có điều kiện tập luyện tốt, ít VĐV cọ xát cùng. VĐV lên tuyển lại thường phải rèn lại từ đầu, bởi kỹ thuật cơ bản của mỗi nơi lại khác nhau, không theo giáo án nào cả. HLV để VĐV lên tuyển còn có nguy cơ mất quân", một HLV tâm sự.

Ai cũng muốn có huy chương Olympic, ASIAD, nhưng với phần lớn các đội thể thao của Việt Nam, SEA Games đã là mục tiêu quá tầm. Vì thế, họ đành tạm gác lại những giấc mơ lớn, để trở về với giấc mơ con. Đây không phải chuyện chọn làm việc dễ hơn, mà là tính đến những việc khả thi trong nguồn lực bị giới hạn bởi nhiều phía.

Giáo án không đồng bộ, HLV gặp khó

Các môn võ vốn được xem là thế mạnh của thể thao Việt Nam những năm trước đây. Điều đó được thể hiện rõ hơn trong những môn như Boxing, Taekwondon và Judo, nơi Việt Nam có nhiều võ sĩ từng tham dự Olympic. Tuy nhiên, việc tái lập kỳ tích HCB Thế vận hội của Trần Hiếu Ngân là rất khó, với cách làm hiện nay của các bộ môn võ.

Một HLV cho biết: "Việt Nam hiện chưa xây dựng giáo án, bài tập đồng bộ cho VĐV trong các môn võ. Điều này rất khác với những quốc gia khác, nơi mỗi nước đều có bài tủ của riêng mình. Thay vào đó, tại Việt Nam, mỗi HLV lại ra một bài tập, giáo án riêng theo từng địa phương, và hiếm khi có điểm chung với những đơn vị khác".

Việc giáo án không đồng bộ khiến HLV gặp khó khi làm việc tại đội tuyển quốc gia. Bởi, trong trường hợp đưa VĐV có triển vọng lên tuyển, HLV sẽ phải dạy lại VĐV đó từ kỹ thuật căn bản. Nhưng khi trở về địa phương thi đấu, HLV lại "bó tay" vì VĐV bây giờ không còn giống như thời họ cầm tay chỉ dạy nữa.

An Khánh
.
.
.