Hướng tiếp cận mới trong bảo tồn, phát huy di sản Hoàng thành Thăng Long

Thứ Bảy, 10/09/2022, 07:35

Sau 20 năm kể từ lần khai quật khảo cổ đầu tiên tại di chỉ khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, Hà Nội, nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề trong nghiên cứu, bảo tồn, phát huy di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long.

Vẫn "nóng" việc khôi phục điện Kính Thiên

Thu hút hàng trăm đại biểu Việt Nam và quốc tế tham gia liên tiếp trong 2 ngày 8-9/9, Hội thảo khoa học quốc tế "20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội" cho thấy, sau khi được UNESCO ghi danh vào năm 2010, di sản này đã phát huy giá trị trên nhiều mặt. Các đợt khai quật khảo cổ liên tục hé lộ thêm nhiều bí ẩn về kinh thành Thăng Long xưa.

tiep can hoang thanh 1.jpg -0
Các chuyên gia, nhà nghiên cứu tham quan trưng bày di vật Hoàng cung Thăng Long tại di sản Hoàng thành Thăng Long.

Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thanh Quang, thời gian qua, 8 cam kết của Thủ tướng Chính phủ với Ủy ban Di sản Thế giới về Khu di sản trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội được thực hiện hiệu quả. Trong đó có mở rộng diện tích khai quật khảo cổ học, nhất là tại khu Thành cổ Hà Nội, tăng cường nghiên cứu làm sáng rõ giá trị các di tích kiến trúc thời Tiền Thăng Long đến thời Nguyễn trên trục trung tâm của Cấm thành Thăng Long.

Từ năm 2011 đến nay, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật hàng năm tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội với diện tích khai quật hơn 8.000m2. Từ đây, nhiều di tích, di vật mới đã phát lộ, góp phần củng cố hơn nữa giá trị to lớn của di sản. Kết quả khai quật đã tìm được hệ thống các di tích kiến trúc từ thời Lý đến thời Nguyễn, xác định được không gian trục trung tâm của Hoàng thành Thăng Long thời Lê sơ và Lê Trung hưng.

Nghiên cứu, khôi phục điện Kính Thiên cũng là một trong những chủ đề được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận. Theo TS Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội, điện Kính Thiên là biểu trưng cao nhất cho quyền lực quốc gia Đại Việt xuyên suốt 4 thế kỷ (XV - XVIII). Trải qua thăng trầm lịch sử, kiến trúc đã bị phá hủy toàn bộ, chỉ còn lại khu nền cao hơn 2m và hai bộ lan can đá thềm bậc ở chính giữa mặt Nam và góc Tây Bắc. Các cuộc khảo sát, khai quật tại đây từ năm 2011 đến nay đã mở ra những hiểu biết mới về chính điện Kính Thiên và không gian điện Kính Thiên qua hệ thống di tích, di vật. Tuy nhiên, cấu trúc mặt bằng và phân gian kiến trúc điện Kính Thiên vẫn là câu hỏi lớn chưa có lời giải đáp thỏa đáng.

Chia sẻ kinh nghiệm trong khôi phục các kiến trúc từ di tích khảo cổ học ở Nhật Bản, GS Ueno Kunikazu đến từ Đại học Nữ Nara cho rằng, để phục dựng các công trình kiến trúc đã bị phá hủy chỉ còn lại dấu tích thì phải có được hình dung về diện mạo của các công trình kiến trúc cổ đó dựa vào kết quả của các cuộc khảo cổ học và  nghiên cứu những công trình kiến trúc cổ hiện còn tồn tại đến ngày nay. Tại Nhật Bản vẫn còn giữ được khoảng 60  kiến trúc cổ. Đây là nguồn tư liệu cung cấp nhiều thông tin về niên đại và kết cấu các kiến trúc.

Cũng theo GS Ueno Kunikazu, trong bảo tồn các di tích khảo cổ, công trình được phục dựng trên nguyên tắc không bao giờ được phá hủy các hiện vật có giá trị nguyên gốc. Như vậy, nếu đối sánh với phục dựng điện Kính Thiên tại Hoàng thành Thăng Long, đây là vướng mắc khá lớn. Vì tại khu vực này vẫn còn di tích từ thời Nguyễn và thời Pháp. 

Cần thận trọng, tham vấn nhiều ý kiến

TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội chỉ ra nhiều khó khăn trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long. Di sản được hình thành và tồn tại trong thời gian dài hơn 13 thế kỷ. Nhiều biến động theo thời gian và thăng trầm lịch sử của Thăng Long - Hà Nội có tác động trực tiếp đến di sản này.

Về di sản vật thể, các di sản quan trọng của 3 triều đại phong kiến Việt Nam Lý - Trần - Lê hầu như chỉ còn dấu tích trong lòng đất. Hiện trên mặt đất chỉ còn một số di tích thời Nguyễn và một số công trình thời Pháp. Việc phục dựng các di sản trong Hoàng thành, đặc biệt là điện Kính Thiên phải chấp nhận phương án tối ưu, nghĩa là giữ được cái này có thể phải hy sinh cái kia. Vấn đề này đòi hỏi phải nghiên cứu thận trọng và có ý kiến của các nhà khoa học và các cơ quan có thẩm quyền.

Về di sản phi vật thể cũng gặp nhiều khó khăn trong công tác nghiên cứu cũng như phục dựng do nguồn tư liệu còn hạn chế. Vì vậy, TP Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần có tờ trình UNESCO về phương pháp bảo tồn có chọn lọc, trên cơ sở đó trình việc phục dựng điện Kính Thiên; lập kế hoạch khai quật khảo cổ học dài hạn và ngắn hạn song song với kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di chỉ khảo cổ. Bên cạnh đó cần triển khai nghiên cứu giá trị di sản phi vật thể, ứng dụng công nghệ số, học tập kinh nghiệm các nước trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng cung.

PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia cũng cho rằng, bảo tồn di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội cần được xem xét trong bối cảnh địa lý tự nhiên và địa - văn hóa của một Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Theo ông Bài, cần quan tâm một số nội dung có liên quan mật thiết tới tính toàn vẹn và giá trị nổi bật toàn cầu của di sản này. Đó là việc mở rộng không gian văn hóa của Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long; vai trò các dòng sông cổ trong việc tạo thành diện mạo của Khu di sản và không gian văn hóa - tâm linh - nét đặc sắc của Hà Nội hôm nay và cả tương lai; bảo tồn di sản thông qua các hoạt động khoa học và diễn giải di sản làm nổi bật giá trị di sản và đưa thông điệp văn hóa hàm chứa trong di sản một cách dễ hiểu, phổ biến trong công chúng.

N.Nguyễn
.
.
.