Hành trình phía trước không dễ dàng

Thứ Năm, 29/09/2022, 08:38

Sau Giải vô địch vật thế giới năm 2022 mới kết thúc ở Serbia, những nhà quản lý và các HLV ở đội tuyển vật Việt Nam hiểu rằng chặng đường phía trước với vật nữ Việt Nam sẽ đầy thử thách. Đội sẽ không dễ thực hiện mục tiêu bảo vệ những ngôi vô địch ở SEA Games 31 năm 2023 tại Campuchia và tranh vé dự Olympic 2024.

Vẫn tập trung vào vật nữ

Việc đội tuyển vật Việt Nam dự Giải vô địch thế giới năm 2022 với cả 7 đô vật nữ đã cho thấy xu hướng tiếp tục đầu tư cho vật nữ để thực hiện các mục tiêu quan trọng của vật Việt Nam. Đó là cách làm nhất quán đã được thực hiện từ nhiều năm nay sau những thành công ở các cuộc đấu cấp độ thế giới, châu lục và khu vực Đông Nam Á mà các đô vật nữ đã tạo nên.

Hành trình phía trước không dễ dàng -0
Các đô vật Việt Nam tại buổi khởi động trước khi thi đấu ở Giải vô địch vật thế giới - 2022.

Rõ nhất là cả 2 lần giành vé trực tiếp dự Olympic (năm 2012 và 2016) của vật Việt Nam đều do các đô vật nữ như Nguyễn Thị Lụa, Vũ Thị Hằng ghi dấu ấn. Trong đó, đô vật Nguyễn Thị Lụa có tới hai lần liên tiếp giành vé trực tiếp dự Olympic. Không kể, những tấm huy chương giải trẻ thế giới, châu lục của vật Việt Nam cũng đều gắn với các đô vật nữ. Đấy là điều nằm ngoài tầm với của các đô vật nam Việt Nam. Họ có thể làm chủ cuộc chơi ở các giải đấu Đông Nam Á hay ở SEA Games. Nhưng họ vẫn bộc lộ khoảng cách khó san lấp với các đô vật hàng đầu châu lục, thế giới mỗi khi bước ra khỏi các sân chơi ngoài Đông Nam Á. Và cứ theo tính toán của giới chuyên môn, trong thời gian tới rất khó để các đô vật nam Việt Nam có thể giành vé dự Olympic. Cũng vì thế, sau một thời gian dài, ước tính hơn 2 năm, không thể dự bất cứ giải quốc tế nào, các đô vật Việt Nam mới lại được trải nghiệm bầu không khí của giải đấu đẳng cấp cao nhất trong làng vật thế giới là Giải vô địch vật thế giới năm 2022.

Chỉ đăng ký thi đấu vật tự do nữ tại giải lần này, đội tuyển vật nữ Việt Nam cũng không hy vọng tranh huy chương và chỉ đặt mục tiêu khiêm tốn là cọ xát, thắng trận nào hay trận đó. Dịp đầu tháng 9, trước khi lên đường dự giải, phụ trách bộ môn vật (Tổng cục TDTT) Tạ Tùng Đức từng nói rằng, rất khó đòi hỏi các đô vật nữ Việt Nam có thể tạo đột biến tại giải. Họ mới trải qua kỳ SEA Games 31 thành công với việc giành toàn bộ số HCV ở các nội dung của nữ. Nhưng sân chơi châu lục và nhất là giải vô địch thế giới lại rất khác. Không kể, việc thiếu cọ xát quốc tế trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến phong độ của VĐV.

Thực tế các cuộc tranh tài ở giải đã chứng minh điều này. Trong cả 7 tuyển thủ Việt Nam, chỉ đô vật Nguyễn Thị Xuân được thi đấu 2 trận tại hạng cân 50kg của mình. Trong đó, sau khi để thua đối thủ Nhật Bản Yui Susaki (Nhật Bản, sau đó vô địch hạng cân này), cô vẫn được trao suất dự vòng tranh tấm vé vào lượt tranh HCĐ. Thế nhưng, Nguyễn Thị Xuân thua đáng tiếc 3-4 trước Anna Lukasiak (Ba Lan) nên dừng bước. Trước đó ở hạng 53kg nữ, Kiều Thị Ly đã thua đối thủ người Tây Ban Nha Marina Rueda Flores từ vòng loại. Ở hạng 55kg, Nguyễn Thị Oanh thua đối thủ người Romania là Andreea Beatrice Ana với tỷ số 0-10 nên bị loại sớm. Kể ra để thấy những dự báo trước giải đấu không hề "khiêm tốn", đánh giá chính xác năng lực của VĐV Việt Nam. Để thấy rằng con đường chinh phục những đỉnh cao của vật thế giới, châu lục chưa bao giờ dễ dàng.

Phát huy vai trò các bên

Sau giải đấu này khi nhìn nhận về thành tích của các VĐV, phụ trách bộ môn vật (Tổng cục TDTT) Tạ Tùng Đức cho rằng kết quả này phản ánh đúng thực lực hiện tại của các đô vật Việt Nam. Nếu không có những thay đổi mạnh mẽ trong cách đầu tư thì sẽ khó giúp các tuyển thủ tạo nên đột phá. Biết là vậy nhưng cách đầu tư, nguồn đầu tư thế nào lại là câu chuyện không dễ có lời kết. Như nguồn kinh phí thi đấu quốc tế của bộ môn vật (Tổng cục TDTT) cũng chỉ đủ để dự vài ba giải đấu quốc tế trong năm. Và việc chỉ dự từng ấy giải sẽ không thể tạo nên đột biến về thành tích cho các đô vật nữ Việt Nam kể cả khi họ được đánh giá là dễ tiếp cận các tấm vé dự Olympic, huy chương châu lục hơn hẳn các đô vật nam.

Cho nên việc tập huấn dài hạn nước ngoài cũng được tính đến. Có điều, việc Trung Quốc vẫn thực hiện nghiêm ngặt chính sách phòng COVID-19 đã khiến đội tuyển không thể sang tập huấn tại đây. Đáng chú ý, nhiều địa điểm tập huấn tại Trung Quốc đáp ứng đúng nhu cầu của vật Việt Nam về chi phí ăn ở, sinh hoạt, đối tượng tập luyện cùng và cả đối thủ thi đấu giao hữu. Tuy nhiên, khi việc tập huấn tại Trung Quốc ở thời điểm này khó khả thi thì các nhà quản lý phải tính đến các địa điểm tập huấn ở các nước khác. Ở đây, có thể là Nhật Bản hoặc Trung Quốc. Tuy nhiên, chi phí cho việc tập huấn tại đây cùng hàng loạt chi phí phát sinh lại vượt tầm của các nhà quản lý. Kể cả khi các địa phương có chung tay cũng không đủ đáp ứng yêu cầu kinh phí cho một chuyến tập huấn khoảng 2-3 tháng - điều kiện tối thiểu để hoàn thành yêu cầu chuyên môn.

Trong khi đó, Liên đoàn vật Việt Nam từng được kỳ vọng sẽ tiếp lửa, thêm kinh phí hỗ trợ tập huấn, thi đấu quốc tế cho các cấp độ đội tuyển, đặc biệt là VĐV trọng điểm để giành vé dự Olympic 2024, lại chưa phát huy được vai trò. Cái vòng khó khăn ấy đang khiến vật nữ và làng vật Việt Nam nói chung dậm chân tại chỗ về cách đầu tư. Và nếu cứ đứng một chỗ, không chừng lại bị vượt, kể cả ở sân chơi Đông Nam Á.

Đô vật nam tiếp tục gặp khó

Trong khi các đô vật nữ đang chật vật khẳng định vị thế ở sân chơi châu lục, thế giới thì các đô vật nam cũng cảm nhận rõ sự cạnh tranh ở ngay khu vực Đông Nam Á. Với việc vật Campuchia đầu tư mạnh mẽ về lực lượng nhờ dàn VĐV nhập tịch, các đôi vật nam Việt Nam sẽ khó có thể làm bá chủ ở sân chơi Đông Nam Á. (Minh Khuê)

Minh Hà
.
.
.