Hải Phòng “Sáng đèn Nhà hát thành phố” - mở đất diễn cho các đoàn nghệ thuật

Chủ Nhật, 02/07/2023, 07:39

Những ngày này tại TP Hải Phòng, không khí khởi động cho kế hoạch mang tên “Sáng đèn Nhà hát thành phố” đang rất tưng bừng, chuẩn bị cho các chương trình biểu diễn nghệ thuật sân khấu sẽ diễn ra từ đầu tháng 7.

Đây là điểm nhấn sáng tạo, tiếp nối thành công vang dội của Đề án sân khấu truyền hình mà Hải Phòng đã triển khai gần 4 năm qua, thực sự là niềm mơ ước của các đoàn nghệ thuật nói riêng và nghệ thuật sân khấu nói chung trên địa bàn cả nước.

Cách đây 4 năm, khi hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước tiến hành sáp nhập các trung tâm văn hóa và đoàn nghệ thuật thì TP Hải Phòng trở thành hiện tượng khi quyết định giữ nguyên mô hình độc lập của toàn bộ 5 đoàn nghệ thuật trên địa bàn thành phố. Tiếp đó, vào cuối năm 2019, Hải Phòng xúc tiến xây dựng và triển khai Đề án Sân khấu truyền hình, tạo đất diễn mới theo đúng nghĩa để các đoàn nghệ thuật có môi trường hoạt động, giữa sức ép ghê gớm của công nghệ giải trí hiện đại.

Sự quan tâm đặc biệt này của lãnh đạo TP Hải Phòng đã đem lại niềm tin hứng khởi, khơi dậy đam mê để đội ngũ nghệ sỹ nói riêng và các đoàn nghệ thuật nói chung thể hiện khát vọng, hăng say sáng tác, sáng tạo và cống hiến. Quan trọng hơn, khí thế đó được ví như làn gió mới, đưa cánh diều sân khấu bay cao giữa mặt bằng trầm lắng của loại hình nghệ thuật này trong đương đại.

6-1.jpg -0
Trích đoạn vở diễn “Romeo và Juliet” do Đoàn kịch nói Hải Phòng thực hiện mở màn kế hoạch “Sáng đèn Nhà hát thành phố”.

Theo Đề án được UBND TP Hải Phòng phê duyệt, các chương trình, vở diễn được truyền hình trực tiếp hoặc ghi hình phát lại 1 đến 2 lần/tháng, 12 số đến 24 số/năm. Sau đó tiếp tục được lưu diễn phục vụ nhân dân khắp các địa phương, gồm các loại hình là thế mạnh của sân khấu Hải Phòng như chèo, cải lương, kịch nói, múa rối, ca nhạc và các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian như ca trù, chầu văn, xẩm…

Theo nghệ sỹ Hoàng Mai, Giám đốc Sở VH&TT Hải Phòng, Đề án Sân khấu truyền hình đã góp phần quan trọng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, hiện đại, đồng thời giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của người Hải Phòng.

Cũng theo nghệ sỹ Hoàng Mai, năm 2023 là năm thứ 4 liên tiếp, các chương trình, vở diễn sân khấu truyền hình Hải Phòng tiếp tục được nâng cao chất lượng, ngày càng đến gần hơn công chúng trong và ngoài thành phố. Đều đặn mỗi tháng 1 vở mới, chương trình mới được dàn dựng và biểu diễn trên sân khấu, trong sự đón nhận hào hứng của công chúng.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, đã có 6 chương trình, vở diễn thuộc 5 loại hình nghệ thuật chủ đạo nêu trên được dàn dựng công diễn. Cụ thể là “Dòng sông ân nghĩa” (chèo); “Thanh âm thành phố Cảng” (ca múa nhạc); “Nguồn sáng trong đời”, “Romeo và Juliet” (kịch nói); “Hội vật cầu” (cải lương) và “Dế mèn phiêu lưu ký” (múa rối) đã đến với khán giả qua gần 50 buổi công diễn.

Ngoài việc tổ chức phát sóng vào thứ Bảy mỗi tuần, các tác phẩm sân khấu còn được phát lại trên các kênh sóng: Truyền hình THP, THP+; Kênh phát thanh tần số 93,7 Mhz; Fanpage THP trên Facebook; THPApp; THPlive. Mỗi chương trình phát lại nhiều lần vào các tuần tiếp theo với lượng khán giả xem trực tiếp qua livestream và tương tác trên nền tảng mạng xã hội.

Bên cạnh đó, hoạt động lưu diễn phục vụ công chúng cũng thu hút sự quan tâm đặc biệt, với 56 buổi lưu diễn tính đến hết tháng 5/2023, thực tế con số này sẽ lớn hơn rất nhiều nếu không bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Đáng chú ý, các suất diễn được tổ chức tại Nhà hát lớn thành phố vào các tối Chủ nhật sau khi truyền hình trực tiếp đều đặn phục vụ miễn phí cho người xem.

Nghệ sỹ Trần Trung Hiếu, Trưởng đoàn Kịch nói Hải Phòng cho biết: “Đề án sân khấu truyền hình đã lan tỏa sâu rộng tới công chúng thành phố và cả nước, thể hiện ở việc quy tụ các nghệ sỹ, đạo diễn có tên tuổi của các đoàn nghệ thuật Trung ương...”.

Nghệ sỹ Hoàng Mai cho biết thêm, TP Hải Phòng luôn quan tâm, cầu thị và liên tục đổi mới, sáng tạo nội dung, hình thức thể hiện, làm phong phú và nâng cao chất lượng nghệ thuật sân khấu. Chính vì vậy, mới đây Sở VH&TT Hải Phòng đã đề xuất kế hoạch “Sáng đèn Nhà hát thành phố” nhằm khai thác công trình Nhà hát lớn thành phố không chỉ là địa điểm du lịch kiến trúc mà còn là nơi duy trì định kỳ, điểm hẹn quen thuộc của khán giả đến thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật.

Theo kế hoạch, cùng với Nhà hát thành phố Hải Phòng là chủ đạo, tại một số điểm trung tâm sân khấu truyền thống của Hải Phòng vào các tối thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần cũng sẽ diễn ra các chương trình nghệ thuật, các vở diễn hàn lâm, kinh điển, đặc sắc của thế giới và của Việt Nam. Điều quan trọng là các chương trình đều nhận được sự đồng hành, hỗ trợ của Sở VH&TT cùng các sở, ngành, đơn vị của TP Hải Phòng.

Kế hoạch “Sáng đèn Nhà hát thành phố” của Hải Phòng sẽ bắt đầu từ ngày 1/7 với vở diễn “Romeo và Juliet” do Đoàn kịch nói Hải Phòng thực hiện. Cùng thời gian này tại Nhà hát Tháng Tám (Hải Phòng) là chương trình “Ai rồi cũng sẽ khác” của Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ và Truyền thông Sóng By Night vào tối 1/7 và chương trình “Đời Cười” của Nhà hát Tuổi trẻ vào tối 2/7. Sở VH&TT Hải Phòng cũng công bố lịch biểu diễn liên tục kéo dài hết năm 2023 với các chương trình, vở diễn cụ thể do các đơn vị, đoàn nghệ thuật đăng ký thực hiện.

Đánh giá về kế hoạch này, Nghệ sĩ Nhân dân Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho rằng, cùng với đề án “Sân khấu truyền hình”, kế hoạch “Sáng đèn Nhà hát thành phố” sẽ tiếp tục khẳng định Hải Phòng là điểm sáng của cả nước trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Khắc Nam, song hành với phát triển kinh tế, Hải Phòng luôn quan tâm đẩy mạnh nhiều giải pháp, đề án đầu tư phát triển sự nghiệp văn hóa. Việc đầu tư phát triển đa dạng loại hình nghệ thuật sân khấu cũng chính là cụ thể hóa Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển ngành văn hóa, thể thao và du lịch Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

V. Huy – Minh Thắng
.
.
.