GS Thái Kim Lan gần 40 năm tâm huyết với Bảo tàng Gốm từ sông Hương

Thứ Sáu, 10/12/2021, 09:08

Gần 40 năm qua, GS.TS Thái Kim Lan (CHLB Đức) đã về nước, dành nhiều tâm huyết để hình thành, xây dựng đề án Bảo tàng Gốm sông Hương tại không gian nhà vườn - nhà thờ họ Thái ở số 120 Nguyễn Phúc Nguyên, TP Huế (Thừa Thiên-Huế). Hội đồng chuyên môn của Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa thẩm định đề án thành lập Bảo tàng Gốm sông Hương của GS Thái Kim Lan và 100% thành viên đã thống nhất thông qua…

Không gian Bảo tàng Gốm sông Hương tại không gian nhà vườn - nhà thờ họ Thái ở số 120 Nguyễn Phúc Nguyên (TP Huế) của GS Thái Kim Lan là một trong những khu nhà vườn đặc sắc được xây dựng cách đây khoảng 200 năm với kiến trúc nhà rường truyền thống. Ngay cổng vào, nhiều hiện vật bằng gốm cổ xưa đã được sắp đặt.

Không gian trưng bày gốm cổ sông Hương với chủng loại vô cùng phong phú như: Bình, ché, hũ, vò, ấm, bát, bình vôi, nồi, chum… Đó là những hiện vật từng gắn bó mật thiết và phản ánh cụ thể về đời sống sinh hoạt của cư dân qua các thời kỳ lịch sử; phản ánh quá trình giao lưu trao đổi giữa các vùng miền của Việt Nam; giữa Huế với các tỉnh, thành ở 3 miền Bắc-Trung-Nam. Và có nhiều sản phẩm độc đáo, phản ánh quá trình giao lưu quốc tế của cư dân Huế với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Trong không gian, các hiện vật được sắp xếp với không gian trưng bày phù hợp, theo từng chuỗi câu chuyện về dòng sông Hương.

GS Thái Kim Lan gần 40 năm tâm huyết với Bảo tàng Gốm từ sông Hương -0
GS Thái Kim Lan bên cạnh bộ sưu tập gốm từ sông Hương.

Nói về niềm đam mê sưu tập gốm cổ, GS Thái Kim Lan cho biết, gần 40 năm về trước, trong một lần cùng anh trai là cố họa sĩ Thái Nguyên Bá đi dạo trên đường Trần Hưng Đạo (TP Huế), bà nhìn thấy nhiều người xếp bán những cái hũ, cái bình bằng gốm, sành sứ trên vỉa hè. Hỏi ra mới biết tất cả được vớt lên từ lòng sông Hương, nơi gắn liền tuổi thơ của hai anh em. Cầm từng món đồ lên xem, ngay lập tức cả hai bị hớp hồn. “Tôi quá bất ngờ và bị mê hoặc. Không ngờ sông Hương có nhiều hiện vật với rất nhiều giai đoạn lịch sử. Niềm đam mê cổ vật sông Hương của tôi bắt đầu từ đó”, bà Lan nhớ lại. Từ đó, gia đình GS.TS Thái Kim Lan đã tiến hành sưu tầm cổ vật dưới dòng sông Hương và các dòng sông khác ở Huế (sông Bồ, sông Ô Lâu...) như một cách thức để hiểu hơn về lịch sử hình thành và phát triển của Huế xưa.

Đến nay, bộ sưu tập gốm cổ sông Hương của 2 anh em là cố họa sĩ Thái Nguyên Bá và GS Thái Kim Lan đã lên đến hàng ngàn hiện vật. Trong đó, còn có những hiện vật gốm từng được sản xuất từ làng cổ Phước Tích (huyện Phong Điền, Thừa Thiên-Huế) - ngôi làng cổ độc đáo nhất nhì ở Việt Nam. GS Thái Kim Lan nói, bà chưa thấy con sông nào có lớp trầm tích dày đặc, kéo dài cả không gian lẫn thời gian như thế. Trong số các “dòng sông cổ vật” nổi tiếng ở Việt Nam, có lẽ sông Hương là một trường hợp độc đáo và hiếm thấy nhất. Độc đáo bởi lẽ với số lượng đồ sộ và phong phú lên đến hàng vạn cổ vật với đủ chất liệu (đá, đồng, gốm, sành, sứ…); trong đó có nhiều đồ gốm cổ thuộc văn hóa Sa Huỳnh - Chămpa đã được cư dân vạn đò trục vớt từ lòng sông Hương.

Hiện tại, GS Thái Kim Lan có trong tay 4 bộ sưu tập quý gồm: Bộ sưu tập gốm sông Hương (với hơn 7.000 hiện vật), bộ sưu tập áo dài triều Nguyễn, bộ sưu tập đồ đồng, bộ sưu tập đồ gỗ. Trước mắt, tại đây sẽ xây dựng Bảo tàng Gốm sông Hương, nhưng sau này sẽ phát triển thêm và mong muốn trở thành Bảo tàng sông Hương để mở rộng nội dung và quy mô hơn. “Phải nói rằng bảo tàng là một hạ tầng lịch sử văn hóa, hạ tầng này giúp cho giới trẻ hiểu thêm về dòng lịch sử của thành phố mình đang sống. Với du khách nước ngoài, để họ thấy được chúng ta có “của báu” ở trong nhà của người Việt Nam. Qua đó, người trẻ sẽ có được niềm tự hào về bản sắc văn hóa của mình. Di sản luôn luôn là một năng lượng được trích trữ chưa khám phá, mỗi người tới đây sẽ khám phá ra được năng lượng sáng tạo đó…”, GS Thái Kim Lan chia sẻ.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ chia sẻ, có rất nhiều người có tâm huyết với nghiên cứu cổ vật được vớt lên từ lòng sông Hương, trong đó có GS.TS. Thái Kim Lan. Khi hay tin bà xây dựng Bảo tàng sông Hương, ông rất ủng hộ và mong khi mở cửa sẽ tạo nên một địa chỉ văn hóa, một nơi chốn đi về rất riêng của Huế. “Tôi tin, rồi đây cùng với hệ thống các bảo tàng khác, Bảo tàng sông Hương của bà Thái Kim Lan sẽ là điểm dừng chân sống động. Trong quá trình đó, chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện để bảo tàng này trở thành một điểm đến hấp dẫn, một địa chỉ quảng bá Huế đến với công chúng gần xa”, ông Thọ chia sẻ.

Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế, vừa qua Hội đồng chuyên môn của Sở có buổi làm việc thẩm định đề án thành lập Bảo tàng Gốm sông Hương của GS Thái Kim Lan. Tại cuộc họp, 100% thành viên hội đồng đã thống nhất thông qua đề án thành lập Bảo tàng Gốm sông Hương. Hiện, thủ tục đang tiếp tục được hoàn tất để trình UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế ra quyết định thành lập. Hy vọng rằng, sau khi Bảo tàng ra đời, du khách đến Huế sẽ có thêm một địa điểm du lịch tham quan, hiểu thêm về văn hóa Huế, hiều thêm về sông Hương- một dòng sông đã đi nhiều vào thơ ca, nhạc họa và còn là dòng sông cổ vật.

Hải Lan
.
.
.