Nghệ sĩ chung sức biểu diễn trong “mùa dịch”: 

Gieo niềm tin yêu cho cuộc sống

Thứ Hai, 02/08/2021, 07:02

Không có điều kiện trực tiếp biểu diễn phục vụ đồng bào trong những ngày căng thẳng vì dịch bệnh COVID-19, nhiều nghệ sĩ tình nguyện thực hiện các sản phẩm nghệ thuật, biểu diễn trực tuyến phục vụ công chúng.

 

Từ chương trình tự phát khả năng đến đâu làm đến đó, đến những chương trình được đầu tư bài bản, thậm chí mang tính lâu dài, vừa hướng tới mục tiêu hỗ trợ khán giả giải trí, giải tỏa căng thẳng trong những ngày giãn cách xã hội, vừa góp phần lan tỏa năng lượng tích cực, gieo niềm tin vào những điều tốt đẹp của cuộc sống.

San sẻ yêu thương

Ngày 1/8, chương trình nghệ thuật online “Cháy lên” được tổ chức tại 5 điểm cầu: Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam. Đây là sự kiện mở màn cho chuỗi  chương trình giao lưu nghệ thuật trực tuyến với chủ đề “San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch”, do Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì tổ chức.

nghe-si-covid.jpg -0

Nghệ sĩ xiếc đồng hành, giúp khán giả giải trí tại nhà. 

Dự kiến được tổ chức trực tuyến định kỳ vào mỗi tối cuối tuần, chuỗi chương trình là hoạt động nhiều ý nghĩa trong đồng hành, tiếp sức cho tuyến đầu chống dịch, góp thêm món ăn tinh thần cho khán giả trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Khác với những chương trình có tính chất nhỏ lẻ khác, chương trình này được đặc biệt quan tâm khi cùng lúc livestream trên kênh Youtube Nghệ thuật biểu diễn Việt Nam, Fanpage Cục Nghệ thuật biểu diễn, trang web Báo điện tử Tổ quốc và trên facebook, kênh youtube của cá nhân NSƯT Xuân Bắc.

Nội dung chương trình cũng không hoàn toàn chỉ có biểu diễn mà giàu tính tương tác, thu hút sự tham gia của nhiều công chúng, thông qua các màn giao lưu cùng nghệ sĩ nổi tiếng, các mini game dành cho khán giả đang xem chương trình bằng cách comment đáp án bình luận bên dưới.

Nếu có đáp án đúng, người chơi được tham gia vào phần quay số may mắn. Phần thưởng là những sản phẩm hữu ích và rất thiết thực trong mùa dịch như: Dụng cụ thể dục tại nhà nâng cao sức khoẻ (máy chạy bộ, tạ, nhảy dây…), các sản phẩm hỗ trợ như nước rửa tay, khẩu trang…

Tất nhiên, phần nội dung trọng tâm không thể thiếu là các tiết mục biểu diễn đặc biệt được các nghệ sĩ dày công chuẩn bị, giới thiệu những tác phẩm nổi tiếng, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước. Những tác phẩm mới về lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch, về đội ngũ y, bác sĩ và nhiều lực lượng khác đang ngày đêm chăm sóc, chữa trị cho người bệnh.

Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, ông Trần Hướng Dương cho biết: Chuỗi chương trình “San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch” mang một ý nghĩa lớn, góp phần động viên kịp thời tinh thần của các lực lượng đang làm nhiệm vụ chống dịch và nhân dân cả nước, để chúng ta cùng nhau quyết tâm chiến thắng đại dịch. Khi Ban tổ chức mời tham gia chương trình, các nghệ sĩ tham gia chương trình đều tràn đầy nhiệt huyết.

NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng cho hay, giữa thời điểm dịch bệnh căng thẳng như hiện nay, biểu diễn trực tuyến là “cứu cánh”.

Ngoài việc tận dụng được khối lượng sản phẩm nghệ thuật đã được thực hiện, ghi hình trước đó, nghệ sĩ vẫn có dịp thể hiện tài năng và thực hiện trách nhiệm vì cộng đồng. Tất nhiên, để vừa biểu diễn vừa đáp ứng yêu cầu chống dịch thì các tiết mục biểu diễn cũng khác hơn, thường là tiết mục lẻ, ít người. Trong chương trình “Cháy lên” có nhiều nghệ sĩ tham gia nhưng phần lớn mỗi tiết mục đều do 1 nghệ sĩ trên sân khấu biểu diễn…

Xây dựng nhà hát trực tuyến – xu hướng tất yếu

Trước đó cũng bằng hình thức trực tuyến, “thực đơn” giải trí cho khán giả trong những ngày ở nhà chống dịch cũng ngày càng phong phú. Không chỉ có các ca sĩ, nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc, đặc biệt là dòng nhạc trẻ với các MV đình đám cổ vũ chống dịch, nghệ sĩ nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác như chèo, cải lương… cũng đồng hành cùng khán giả với nhiều sản phẩm nghệ thuật mới.

Trong đó, MV “Bắc Ninh – Bắc Giang, niềm tin chiến thắng” do Lê Thế Song soạn lời, NSND Tự Long hát quan họ kết hợp với nghệ sĩ Xuân Hồng hát cải lương đã thu hút hơn 12.000 lượt người chia sẻ và gần 2 triệu lượt người xem trên youtube và các trang mạng xã hội. Người yêu mến nghệ thuật truyền thống còn có nhiều sản phẩm nghệ thuật khác cổ vũ tinh thần chống dịch từ các nghệ sĩ nổi tiếng khác: “Gửi anh người lính biên phòng chặn dịch” do NSND Khắc Tư và NSND Thuý Ngần thể hiện; “Ngày về chiến thắng” của NSND Tự Long và NSƯT Diệu Hằng; “Khúc hoan ca chiến thắng Corona” của NSND Thanh Hương và nghệ sĩ Tuấn Cường; “Thiên thần áo trắng chiến thắng Corona” do NSƯT Hồ Ngọc Trinh và nghệ sĩ Võ Minh Lâm thể hiện…

Soạn giả Lê Thế Song, tác giả của nhiều bài ca về đề tài chống dịch chia sẻ: “Là một tác giả sân khấu, tôi không thể đứng ngoài cuộc với những vấn đề lớn lao của đất nước, của dân tộc, không thể đứng ngoài những biến cố xảy ra với người dân như đại dịch COVID-19. Hình ảnh những y bác sĩ ngày đêm chiến đấu với dịch bệnh bảo vệ tính mạng, sức khoẻ bệnh nhân; hình ảnh những người lính căng mình trên các tuyến biên giới ngăn chặn mọi hành vi xuất nhập cảnh trái phép có thể mang mầm bệnh, những chiến sĩ bộ đội trẻ măng chấp nhận “màn trời, chiếu đất” nhường chỗ cho đồng bào trong khu cách ly… luôn khiến cảm xúc dâng trào. Các nghệ sĩ luôn mong muốn viết lên được nhiều bài ca, sáng tác nhiều tác phẩm về đề tài phòng chống đại dịch, cố gắng để khích lệ những người đang ở tuyến đầu như y bác sĩ, Quân đội, Công an…, đồng thời cổ động người dân ý thức hơn trong phòng chống dịch”.

NSND Tự Long cũng cho rằng, những làn điệu trữ tình của âm nhạc chèo và cải lương có rất nhiều lợi thế để diễn tả tình cảm của con người, sự chia sẻ với nhau trong mùa dịch. Trong lúc dịch bệnh, việc thực hiện các tác phẩm, các ca khúc động viên mọi tầng lớp nhân dân cùng chung tay với Chính phủ chống dịch là trách nhiệm của người nghệ sĩ. Hi vọng những tấm lòng, tình cảm của các nghệ sĩ gửi vào tác phẩm, lan tỏa trong cộng đồng sẽ trở thành thành tố tích cực trong công tác phòng chống dịch…

Đồng quan điểm với các nghệ sĩ, nhưng dưới góc độ của nhà quản lý, ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn còn cho rằng, trước tình hình phức tạp của đại dịch, để không làm gián đoạn dòng chảy nghệ thuật biểu diễn nước nhà, cần có những chính sách, giải pháp hỗ trợ kịp thời để những người làm nghề yên tâm cống hiến. Trong đó, xây dựng nhà hát trực tuyến trên mạng xã hội và truyền hình cùng những chương trình livestream là xu hướng tất yếu để nghệ thuật biểu diễn phát triển.

Ngọc Nguyễn
.
.
.