Giải pháp để du lịch thích ứng an toàn, phục hồi sau dịch
Tích cực triển khai Nghị quyết 128 của Chính phủ Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", sau những thiệt hại nặng nề do 4 đợt dịch COVID-19 bùng phát, người làm du lịch Việt tiếp tục đẩy mạnh liên kết, cùng tìm ra những giải pháp thiết thực nhất để phục hồi sau dịch. Đó cũng là mục tiêu hướng tới của diễn đàn toàn quốc về “Giải pháp phục hồi bền vững du lịch Việt Nam” do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức trực tuyến vào ngày 30/11.
Nỗ lực vượt qua đại dịch
Sau đợt dịch thứ 4, phục hồi du lịch khó khăn hơn. Hoạt động kích cầu cũng rất khó tiếp cận khách du lịch. Hiện nay, lượng khách du lịch rất thấp vì tâm lý e ngại dịch bệnh. Nhiều địa phương lo lắng về an toàn nên có những rào cản kỹ thuật khiến hoạt động du lịch gặp khó khăn. Một số nơi, tỷ lệ tiêm phủ vaccine còn thấp. Muốn phục hồi hoạt động, du lịch phải tạo được cảm giác an toàn cho khách, cho chính người làm du lịch, cho cộng đồng.
Đó là khẳng định của ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Saigontourist và nhiều nhà quản lý, người làm du lịch khác tại diễn đàn toàn quốc về “Giải pháp phục hồi bền vững du lịch Việt Nam” do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức trực tuyến vào ngày 30/11.
Tại đây, nhiều kinh nghiệm thiết thực nhằm vượt qua đại dịch đã được chia sẻ. Cụ thể, với Saigontourist, ông Võ Anh Tài cho biết, đơn vị đã khảo sát, sẵn sàng 5 kịch bản hoạt động theo từng cấp độ tăng dịch, bùng dịch và hậu đại dịch để thích ứng linh hoạt, an toàn, “sống chung” với COVID-19. Đơn vị cũng nhanh chóng chuyển đổi khai thác nguồn khách, tập trung khai thác phục vụ nguồn khách phi truyền thống. Thời kỳ dịch bùng phát, toàn bộ hệ thống khách sạn phục vụ lực lượng chính trị, y tế tuyến đầu, vừa góp phần tích cực vào công cuộc chống dịch, vừa tạo thu nhập cho cán bộ công nhân viên. Các đơn vị lữ hành đã tập trung phục vụ khai thác phục vụ y, bác sĩ đến các vùng xanh. Ngay trong “tâm dịch”, đơn vị vẫn phục vụ gần 2.000 lượt khách, đồng thời duy trì được đội ngũ thực chiến trong công tác phòng, chống dịch, đảm bảo nguồn nhân lực “xanh”, tạo thị trường “xanh”, nguồn khách “xanh”, hành trình “xanh”.
Chia sẻ về những thay đổi cần thiết trong hoạt động kinh doanh du lịch theo yêu cầu bình thường mới, ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Flamingo Redtours nhận định: Sau đợt bùng phát dịch lần thứ 4, chúng ta đã có những nhận thức mới về đối phó với COVID-19, khác hoàn toàn những lần trước. Chính phủ đã có Nghị Quyết 128 với tinh thần “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Theo đó, ngành du lịch cũng cần phải thay đổi, sẵn sàng với tinh thần này. Sự thay đổi trong hoạt động kinh doanh du lịch trong trạng thái bình thường mới là một tất yếu nhưng thay đổi như thế nào, đâu là hướng đi đối với hoạt động kinh doanh du lịch trong điều kiện bình thường mới là một câu hỏi lớn và khó.
Chúng ta đã nói nhiều về xu hướng sản phẩm trong giai đoạn hậu COVID-19 như khách quan tâm tới du lịch sức khỏe, thiên nhiên, môi trường, khách đi theo nhóm nhỏ, bắt đầu từ các sản phẩm nghỉ dưỡng, tuyến đi gần, với hành trình khép kín… Mỗi doanh nghiệp, mỗi địa phương sẽ căn cứ vào đặc thù, hoàn cảnh riêng của mình, thị trường mục tiêu để tìm một con đường phù hợp trong từng giai đoạn. Tuy nhiên, hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới cần lưu ý một số nội dung: Tuân thủ và đề cao yếu tố an toàn; tạo sự linh hoạt trong cung ứng và tổ chức dịch vụ; tính chủ động của khách hàng; thay đổi cơ cấu tổ chức bộ máy, nhân sự một cách linh hoạt; thu gọn, giảm các khâu trung gian trong quy trình cung cấp sản phẩm du lịch.
Thêm nhiều giải pháp cho du lịch trong điều kiện “bình thường mới”
Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist cho rằng, đại dịch và công nghệ trên nền tảng 4.0 đã tác động và làm thay đổi thói quen tiêu dùng, nhu cầu của khách du lịch nên sản phẩm du lịch cần được điều chỉnh để thích ứng với bối cảnh mới.
Theo ông Thắng, sản phẩm du lịch là yếu tố quyết định đến thị trường khách du lịch và phát triển chung của du lịch trong tương lai. Văn hóa là nền tảng vững chắc cho phát triển du lịch nói chung. Khai thác và phát huy hiệu quả giá trị tài nguyên du lịch nhân văn sẽ thúc đẩy du lịch văn hóa phát triển, trở thành sản phẩm du lịch cốt lõi của du lịch, đồng thời thúc đẩy phát triển nhiều loại hình du lịch khác.
Cũng theo ông Thắng, với thế mạnh về tài nguyên du lịch, hạ tầng du lịch ngày càng được đầu tư qui mô, nền tảng công nghệ 4.0 ngày càng được ứng rộng sâu rộng, các loại hình du lịch như du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, du lịch mạo hiểm được chú trọng. Doanh nghiệp du lịch, lữ hành phải thể hiện được vai trò quan trọng trong việc phát triển sản phẩm du lịch tại mỗi địa phương, vừa đảm bảo an toàn trong dịch bệnh vừa mang tính hấp dẫn, từ đó góp phần khơi thông, tăng cường mở rộng luồng khách, thị trường khách du lịch trong giai đoạn hậu COVID-19, giúp ngành du lịch phục hồi, phát triển.
Nhận định du lịch được dự báo là ngành kinh tế có khả năng phục hồi nhanh nhất sau đại dịch, TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch cho rằng, để phục hồi và phát triển, thích ứng với trạng thái “bình thường mới”, ngành du lịch cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trước mắt là triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ về tài chính, tín dụng, việc làm và đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp, cộng đồng tham gia kinh doanh du lịch. Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, giảm giá điện, tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp kéo dài hơn và tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế của doanh nghiệp đến hết năm 2023. Hỗ trợ bằng tiền mặt người lao động, xây dựng cơ chế thu hút lao động và hỗ trợ đào tạo, đào tại lại, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch để phục hồi sau đại dịch. Phát triển sản phẩm du lịch mới đảm bảo an toàn đối với dịch bệnh, phù hợp với nhu cầu, xu hướng thị trường trong và sau đại dịch…