Du lịch thông minh thúc đẩy chương trình chuyển đổi số

Thứ Tư, 02/03/2022, 08:28

Du lịch thông minh góp phần thúc đẩy chương trình chuyển đổi số của tỉnh An Giang. Đây là thông tin được ông Nguyễn Hữu Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư tỉnh An Giang đưa ra tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành Thông tin và Truyền thông tỉnh An Giang, do UBND tỉnh tổ chức chiều 1/3.

Du lịch thông minh là hoạt động du lịch được xây dựng trên nền tảng công nghệ thông tin, kết nối chặt chẽ giữa nhà quản lý, doanh nghiệp và khách du lịch nhằm nâng cao chất lượng phục vụ du khách. Trong đại dịch COVID-19, một số điểm du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước cũng phát triển tour du lịch ảo hoặc thực tế tăng cường bên cạnh các tour thực tế.

UBND tỉnh đã phê duyệt khung đề án “An Giang điện tử” giai đoạn 2019-2025, hướng đến năm 2030, trong đó, ứng dụng tiến bộ khoa học để phát triển du lịch thông minh nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, phát triển thương hiệu du lịch An Giang ngày càng lớn mạnh. An Giang cũng triển khai xây dựng hệ thống du lịch thông minh checkinangiang.vn thuộc khung đề án “An Giang điện tử” giai đoạn 2019-2025.

6tin-2.jpg -0
Không gian triển lãm thực tế ảo du lịch An Giang. (Ảnh minh họa)

Hệ thống du lịch thông minh checkinangiang.vn có chức năng kết nối nhà quản lý, người dân, du khách và doanh nghiệp. Đây là địa chỉ để cơ quan quản lý nhà nước giám sát, tương tác với các đơn vị, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Các doanh nghiệp du lịch tăng cường liên kết, kết nối, hình thành nên tour tuyến mới. Các đối tượng khách du lịch tiềm năng của tỉnh có cơ hội tìm hiểu về nét đẹp độc đáo, đặc trưng vùng đất này.

Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư tỉnh An Giang cho biết, tỉnh triển khai du lịch không chạm (no-touch travel) khi dịch COVID-19 bùng phát với nguyên tắc: Hạn chế tiếp xúc giữa người với người, giữa người với các vật dụng, ưu tiên sử dụng những thiết bị và công nghệ tự động hóa. Du lịch không chạm giúp du khách di chuyển từ nơi này sang nơi khác với cách thức hạn chế tiếp xúc trực tiếp tối đa thông qua ứng dụng công nghệ thông tin.

“Ngành du lịch An Giang bước đầu tiếp cận du lịch không chạm từ việc tổ chức các kỳ triển lãm ảo theo chủ đề với mục đích tăng cường giới thiệu, quảng bá hình ảnh, thông tin về các khu điểm du lịch, tour, tuyến du lịch, về vẻ đẹp của văn hóa và con người An Giang đến với doanh nghiệp lữ hành, du khách và các sản phẩm du lịch của tỉnh đến đối tác, du khách trong và ngoài tỉnh”, ông Nguyễn Hữu Ngọc thông tin.

Thời gian qua, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư tỉnh An Giang đã tổ chức triển lãm thực tế ảo với chủ đề “Phục hồi du lịch An Giang” trên ứng dụng Seensio. Đây là lần đầu tiên An Giang ứng dụng nền tảng thực tế ảo vào công tác quảng bá về du lịch địa phương.

Các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, địa điểm văn hóa đã được mô phỏng, tái hiện chân thực qua triển lãm thực tế ảo trên Seensio. Cùng với sự hỗ trợ của hình ảnh, video clip, các mô hình 3D, du khách khi tham quan triển lãm của tỉnh An Giang có thêm nhiều thông tin và trải nghiệm cho chuyến du lịch sắp tới khi về vùng sông nước.

An Giang hiện đang là lá cờ tiên phong trong tổ chức không gian thực tế ảo 3D như một giải pháp khởi động lại ngành du lịch hậu COVID-19 và ứng dụng công nghệ hiện đại vào công tác quảng bá, giới thiệu ngành du lịch ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang: Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tỉnh chỉ đón khoảng 3,5 triệu lượt khách, giảm 46% so với năm 2020 và doanh thu đạt 2.300 tỷ đồng. Năm 2022, ngành Du lịch An Giang chỉ đặt mục tiêu đón 4,6 triệu lượt khách, doanh thu đạt khoảng 3.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2021-2025, ngành phấn đấu đón 42 triệu lượt khách, doanh thu đạt 27.800 tỷ đồng. Riêng năm 2025, phấn đấu đón 10 triệu lượt khách, trong đó khách lưu trú chiếm 30%, doanh thu đạt khoảng 7.000 tỷ đồng.

Hiện du lịch là một trong 2 ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh An Giang.

Thanh Sang
.
.
.