Du lịch nội địa tăng trưởng mạnh nhưng khách quốc tế vẫn “đìu hiu”
Ngay trong mùa du lịch hè đầu tiên sau khi dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, hàng loạt các điểm đến tiếp tục đông nghẹt du khách, thậm chí cao hơn cả thời điểm trước khi dịch bệnh bùng phát. Dù vậy, việc phục hồi du lịch vẫn chưa thể lạc quan.
Du lịch nội địa phát triển hơn cả trước đại dịch
Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, hiện tại, chỉ số về năng lực phát triển du lịch của Việt Nam tăng 8 bậc so với năm 2019, xếp hạng 52/117 nền kinh tế. Với 6/17 chỉ số trụ cột được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới, du lịch Việt Nam lọt top 3 nước tăng trưởng cao nhất. Điểm sáng nổi bật là thị trường du lịch nội địa.
Sáu tháng đầu năm, tăng trưởng khách du lịch nội địa đã hoàn thành kế hoạch chỉ tiêu của năm 2022, với tổng số khách ước đạt 60,8 triệu lượt người, tăng 1,9 lần so với cùng kỳ năm 2021, tăng 1,3 lần so với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm trước khi xảy ra dịch COVID-19. Nhiều địa phương, du lịch nội địa phát triển hơn cả trước đại dịch như: Hà Nội ước đón 8,4 triệu lượt khách nội địa; TP Hồ Chí Minh ước đón trên 11 triệu lượt; Thanh Hóa đón trên 6,3 triệu lượt, hoàn thành mục tiêu đặt ra cho cả năm 2022…
Thị trường du lịch sôi động, số doanh nghiệp lữ hành quốc tế đăng ký hoạt động tăng gấp gần 15 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tính đến hết tháng 6, cả nước có 1.060 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa, 2.415 doanh nghiệp lữ hành quốc tế.
Ghi nhận từ phía các doanh nghiệp cũng cho thấy nhiều tín hiệu phục hồi khả quan, thể hiện ở cả doanh số bán các tour nội địa và tour đi nước ngoài. Ước tính hết tháng 6/2022, Saigontourist phục vụ khoảng 360.000 lượt khách, tăng 80,4% so với cùng kỳ năm 2021; Fiditour phục vụ 79.000 lượt khách, tăng 300% so với cùng kỳ 2021; Vietrantour phục vụ hơn 10.000 lượt khách, tăng 500% so với cùng kỳ năm 2021… Theo các doanh nghiệp, nhu cầu chủ yếu là các tour trọn gói nghỉ dưỡng, dịch vụ Free&Easy và dịch vụ lưu trú tại các resort cao cấp. Đối với tour nước ngoài, du khách chủ yếu lựa chọn các tuyến du lịch xa và ưu tiên đến các quốc gia có chính sách mở cửa an toàn như Mỹ, châu Âu, Ý, Dubai, Australia, Maldives, Malaysia,…
Trao đổi với chúng tôi, ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho biết, sau khi công bố mở cửa du lịch hoàn toàn từ 15/3/2022, tốc độ phục hồi du lịch rất nhanh, đặc biệt là du lịch nội địa. Trong quý II năm 2022, tăng trưởng du lịch nội địa gấp đôi so với quý I. Nếu cứ thuận lợi như hiện nay, tăng trưởng du lịch nội địa có thể vượt mốc của năm 2019 – thời điểm trước đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, du lịch quốc tế lại phục hồi rất chậm. Thống kê từ Tổng cục Du lịch cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 413.400 lượt khách. Con số này rất thấp so với mục tiêu đặt ra trong năm 2022 là đón 5 triệu lượt khách quốc tế. Trong khi đó, khách quốc tế thường có mức chi tiêu cao, góp phần mang về nguồn thu lớn cho du lịch.
Thời điểm năm 2019, Việt Nam thu hút 18,5 triệu lượt khách quốc tế nhưng nguồn thu mang về chiếm trên 50% tổng thu toàn ngành, cao hơn nguồn thu từ 85 triệu lượt khách du lịch nội địa trong năm. Nếu năm 2022, tổng khách du lịch nội địa vượt mốc năm 2019 thì cũng không thể lấp được tất cả các hạ tầng. Vì vậy, phải có khách quốc tế, phải phục hồi được du lịch quốc tế”, ông Phùng Quang Thắng phân tích.
Cần giải pháp tổng thể
Cũng theo ông Phùng Quang Thắng, việc đạt mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế năm 2022 là thách thức rất lớn đối với du lịch Việt Nam, nhất là trong bối cảnh thế giới liên tục biến động, doanh nghiệp, người làm du lịch không đoán trước được du lịch có thể sẽ tiếp tục phải chịu những đợt ảnh hưởng nặng nề mới hay sẽ có thể bất ngờ phát triển tăng vọt. Nhằm tìm giải pháp cho du lịch Việt Nam, đặc biệt là phục hồi thị trường du lịch quốc tế, đầu tháng 8/2022, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam sẽ tổ chức diễn đàn toàn quốc, huy động trí tuệ, tâm sức của đội ngũ làm du lịch, tập trung tìm giải pháp cho du lịch quốc tế, trước mắt là làm sao đạt mục tiêu đề ra của năm 2022.
Về phục hồi du lịch hiện nay, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) cho rằng, cần phục hồi cả thị trường quốc tế và nội địa, đồng thời phải có kế hoạch tổng thể. Với du lịch quốc tế, cần có các chuyên gia quốc tế hiểu được du lịch ở các nước khác, tình hình chung trên thế giới cùng nghiên cứu và đưa ra giải pháp, kế hoạch cho phù hợp. Hiện tại, với sự hỗ trợ của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, TAB đang triển khai dự án xây dựng kế hoạch tổng thể phục hồi du lịch. Dự kiến, nhóm chuyên gia trong nước và quốc tế tham gia dự án sẽ hoàn tất kế hoạch này, trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vào tháng 9.
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Tổng cục sẽ triển khai đồng thời nhiều nhóm giải pháp trong 6 tháng cuối năm như: Kết nối thị trường, xúc tiến quảng bá thực hiện kế hoạch mở cửa thị trường du lịch; phối hợp tham gia, tổ chức hoạt động xúc tiến, quảng bá giới thiệu du lịch tại các thị trường trọng điểm như ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, Tây Âu, Đông Âu, Mỹ, Canada, Australia, New Zealand…
Bên cạnh đó còn có nhiều hoạt động hợp tác quốc tế như các phiên họp trong khuôn khổ song phương, đa phương tại Diễn đàn Du lịch Mê Kông và các phiên họp du lịch tiểu vùng; các phiên họp Ủy ban hợp tác du lịch Việt Nam - Nhật Bản, Việt Nam – Singapore, Việt Nam - Đài Loan... Nhiều đề án trọng tâm của ngành cũng sẽ được triển khai, trong đó có chiến lược marketing du lịch Việt Nam giai đoạn 2022 – 2026.
Tổng cục Du lịch đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tháo gỡ các bất cập về điều kiện và hạ tầng cơ sở vật chất kĩ thuật trong phục vụ khách du lịch; khó khăn của doanh nghiệp trong tiếp cận với các nguồn vay ngân hàng thông qua các gói hỗ trợ tài chính doanh nghiệp phục hồi…