Sắm vàng mã báo hiếu mùa Vu lan và những nguy cơ

Đốt vàng mã không phải cách duy nhất để thể hiện hiếu đạo (Bài cuối)

Chủ Nhật, 18/08/2024, 09:19

Lễ Vu lan có nguồn gốc Phật giáo nhưng trong giáo lý nhà Phật không khuyên con người đốt nhiều vàng mã trong dịp này để báo hiếu và thể hiện lòng biết ơn công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Tuy nhiên, dân gian còn quan niệm rằm tháng 7 là để xá tội vong nhân, vì thế nhiều gia đình vẫn sắm nhà lầu, xe hơi, xe máy, ngựa, tiền vàng, quần áo, thậm chí cả hình nhân thế mạng… để đốt. Vì thế, vàng mã rằm tháng 7 vẫn được tiêu thụ mạnh.

“Nhà lầu, xe hơi” vẫn được tiêu thụ

Có mặt tại phố Hàng Mã và Hàng Lược, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) vào trưa 13/8, nơi tập trung nhiều hộ kinh doanh đồ vàng mã của Thủ đô, chúng tôi thấy các mặt hàng phục vụ rằm tháng 7 rất đa dạng về cả mẫu mã và giá cả, có sản phẩm từ vài nghìn đồng cho đến vài triệu đồng. Cụ thể, nhiều áo sơ mi được đóng trong hộp như “hàng hiệu” có giá bán 50.000 đồng/bộ. Hoặc những bộ quần áo dành cho người lớn kèm thêm phụ kiện như dép, đồ trang sức, vòng, hoa tai đủ màu sắc được đóng trong hộp cũng bán với giá 50.000 đồng - 200.000 đồng/bộ, riêng quần áo trẻ em 30.000 đồng - 120.000 đồng/bộ. Theo chủ hàng, nếu khách mua buôn rẻ hơn từ 10.000-30.000 đồng/bộ.

Đốt vàng mã không phải cách duy nhất để thể hiện hiếu đạo (Bài cuối) -0
Đốt vàng mã gây nguy cơ cháy và ô nhiễm môi trường.  Ảnh minh họa

Các mặt hàng đồ gia dụng như ấm chén, bát đũa có giá 150.000 đồng/bộ, túi xách các nhãn hiệu nổi tiếng dao động từ 70.000-90.000 đồng/túi, giày dép từ 40.000-50.000 đồng/đôi. Tiền vàng mã có giá từ 10.000-100.000 đồng/bộ tùy loại, tùy số lượng. Các sản phẩm vàng mã đắt tiền không thể vắng bóng trong dịp này như ôtô, xe máy, biệt thự… được làm cầu kỳ có giá từ khoảng 150.000 - 300.000 đồng/sản phẩm. Chỉ vào ngôi nhà lầu 3 tầng vàng mã được làm cầu kỳ, chị Nguyễn Thị Hoa, một chủ hộ kinh doanh vàng mã tại phố Hàng Mã cho biết, “căn biệt thự” này được bán với giá 250.000 đồng. Một khách nam vào đây mua cho biết rằm tháng 7 năm nào anh cũng mua ôtô, xe máy, đồ gia dụng, tiền vàng, quần áo để đốt. Năm nay anh thay đổi mua cho bố mẹ dưới âm “căn biệt thự”.

Anh Nguyễn Cường, chủ hộ kinh doanh đồ vàng mã tại số 6B phố Hàng Mã cho biết, sản phẩm thường được khách lựa chọn mua trong dịp rằm tháng 7 là bộ ông bà tiền chủ, quan thần linh và quần áo cho gia tiên. Giá những mặt hàng này thường chia thành hai loại, hàng trung bình khoảng 30.000 đồng/bộ, hàng cao cấp khoảng 80.000 đồng/bộ. Tuy không sôi động như vài năm về trước, nhưng vàng mã rục rịch bán buôn cả tháng nay. Gần đến ngày rằm chủ yếu bán cho khách mua lẻ, tiêu thụ đến sát rằm là hết.

Những ngày này, mặt hàng vàng mã không chỉ được các tiểu thương kinh doanh tại cửa hàng mà trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Sendo, Lazada… cũng bày bán theo set đồ lễ, với giá từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng/set. Ngoài ra, trên các mạng xã hội như Zalo, Facebook, đồ cúng rằm tháng 7 cũng được rao với giá rẻ hơn sàn thương mại điện tử. Theo đánh giá của các chủ quầy kinh doanh, lượng vàng mã năm nay tiêu thụ giảm hơn so với mọi năm. Những mặt hàng đắt tiền như nhà lầu, xe hơi, máy bay, du thuyền… sức mua cũng giảm.

Theo chị Phạm Phương Lan, Hoàn Kiếm, Hà Nội, những năm trước ngoài đốt tiền vàng, chị còn mua quần áo, dày dép, đồ gia dụng để đốt cho cha mẹ, ông bà tổ tiên trong ngày rằm tháng 7. Nhưng vừa rồi gia đình chị có người mới mất, thầy đến làm lễ và mua rất nhiều đồ mã từ nhà lầu, xe hơi, xe máy, tivi, tủ lạnh, máy bay, tàu thuỷ, vòng vàng, quần áo… hết hơn 4 triệu đồng, đốt tới 2 đêm mới hết, khói tro bay mù mịt, bị hàng xóm phản ánh gây ô nhiễm môi trường, nên rằm này chị cúng chay và dự định chỉ đốt 3 đinh tiền vàng, giảm rất nhiều so với trước kia.

Tiêu tốn tiền của, gây ô nhiễm môi trường

Hơn 10 năm Nghị định 75/2010/NĐ-CP xử phạt đối vàng mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hoá, nơi công cộng; Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá và quảng cáo có hiệu lực, nhiều gia đình đã giảm đốt vàng mã so với trước, thậm chí có nhà không đốt nhiều năm nay. Bà Nguyễn Thị Hoà, TP Hạ Long, Quảng Ninh cho biết: “Theo đạo Phật nên 5 năm nay những ngày lễ, Tết, ngày rằm, mùng 1, thanh minh tôi chỉ cúng chay và tuyệt đối không đốt vàng mã. Báo hiếu ông bà, cha mẹ là việc làm hằng ngày khi người thân còn sống. Lễ Vu lan tôi dâng lên ông bà, cha mẹ mâm cỗ chay để tỏ lòng thành kính”. Tuy nhiên, tín ngưỡng đốt vàng mã vẫn còn ăn sâu trong tiềm thức của người dân, nên không ít gia đình tiêu tốn quá nhiều tiền cho việc sắm đồ vàng mã cúng tiễn cho người cõi âm vào những dịp lễ, Tết, rằm tháng 7, hay thanh minh… 

Vậy, đốt nhiều vàng mã người quá cố có nhận được không? Theo Đại đức Thích Đạo Thịnh, Trụ trì chùa Khai Nguyên (Sơn Tây, Hà Nội), tục lệ đốt vàng mã, quần áo cho vong vốn không có trong Phật giáo, mà xuất phát từ văn hoá dân gian của Trung Quốc. Nhiều năm nay, đạo tràng chùa Khai Nguyên đã bỏ tuyệt đối đốt vàng mã. Nhiều chùa khuyên phật tử không nên dâng vàng mã lên bàn thờ Phật và phật tử cũng tự nguyện làm theo. Theo Đại đức Thích Đạo Thịnh, hiện nay rất nhiều chùa đã không đốt vàng mã và khuyên phật tử và người dân nên bỏ tục lệ này. Lễ Vu lan năm nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ban hành thông bạch 204/TB-HĐTS về việc tổ chức Đại lễ Vu lan báo hiếu Phật lịch 2568 - dương lịch 2024. Trong thông bạch, Giáo hội yêu cầu không đốt vàng mã, cần thực hiện tốt công tác phòng cháy chữa cháy, đồng thời khuyến khích mọi người thực hiện các việc làm từ thiện thiết thực cứu giúp người có hoàn cảnh khó khăn để chuyển hoá thành nghiệp thiện lành báo hiếu tổ tiên và cha mẹ.

Nhiều năm nay, đến mỗi mùa lễ, Tết và lễ Vu lan, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đều có công văn hướng dẫn phật tử và người dân loại bỏ tục đốt vàng mã. Nếu lạm dụng vàng mã, phần tiêu cực lấn át cả phần tích cực. Theo Giáo hội Phật giáo, khi sử dụng vàng mã thiếu hiểu biết, đốt vàng mã quá nhiều mà không nhận thức được đó chỉ là hành động mang tính tượng trưng thì ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, gây lãng phí của cải xã hội. Bên cạnh đó, đốt vàng mã không đúng nơi, đúng chỗ, còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, mất an toàn giao thông, dễ gây tai nạn.

Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, vì đây là nét văn hoá nên Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam khuyên dạy phật tử và người dân loại bỏ tục đốt vàng mã ở các cơ sở thờ tự Phật giáo. Giáo hội không cấm những gì thuộc về văn hoá, nhưng cần loại bỏ những mê tín. Ông bà, tổ tiên không nhận được những cái chúng ta đốt đi.

Trần Hằng - Nguyễn Hương
.
.
.