Đồng bào Tà Ôi “giữ hồn” thổ cẩm

Thứ Hai, 08/01/2024, 08:22

Trải qua nhiều thế hệ gắn bó với núi rừng, đồng bào Tà Ôi ở các huyện vùng cao Quảng Trị đã không ngừng phát triển và lưu giữ một nền văn hoá đặc sắc, thể hiện sống động qua các sáng tác dân gian, kho tàng âm nhạc, các hình thức lễ hội, tôn giáo tín ngưỡng, cùng với một số nghề thủ công để đáp ứng nhu cầu của đời sống vật chất và tinh thần của con người.

Trong thời kỳ đất nước đổi mới, những giá trị văn hóa tốt đẹp ấy tiếp tục lan toả, vừa thể hiện bản sắc riêng trong cộng đồng 54 dân tộc anh em, vừa góp phần khẳng định bản sắc văn hoá Việt Nam trước các nền văn hoá thế giới. Nghề dệt thổ cẩm, còn gọi dệt zèng của đồng bào Tà Ôi ở đây là một trong những nét đẹp văn hóa đặc trưng ấy.

tho cam.jpg -0
Bà Hồ Thị Nhàn (bên trái), Phó Chủ tịch UBND xã A Bung thăm, động viên một cơ sở dệt thổ cẩm tập trung ở A Bung.

Năm nay ngoài 100 tuổi, từng sống qua những năm tháng đất nước nghèo khó cơ hàn, chiến tranh ác liệt, nhiều lần phải vào tận rừng sâu để sinh sống qua ngày, song dù đi đâu, dù gian nan đến mấy, bà Kăn Hùng, ở xã Tà Rụt, huyện vùng cao Đakrông, Quảng Trị vẫn không quên mang theo báu vật của mình. Đó là những tấm zèng, những bộ trang phục thổ cẩm mà bà được những người thân yêu trao tặng vào ngày bà đi lấy chồng.

Cơi bếp lửa hồng trong ngôi nhà sàn luôn mở cửa, bà Kăn Hùng chậm rãi kể cho cô cháu gái nghe về thổ cẩm với những câu chuyện lung linh sắc màu và cũng dài như sợi chỉ trên từng khung dệt.

“Mẹ nhớ ngày xưa, khi con gái lấy chồng, bố mẹ thường mang những tấm thổ cẩm đã chuẩn bị sẵn từ trước đưa sang bên nhà trai để làm của hồi môn cho con. Sau này, con gái của mẹ lấy chồng, mẹ cũng đã làm như vậy. Đó không chỉ đơn thuần là của cải, mà còn mang ý nghĩa rất lớn về tinh thần, giúp con cái dẫu không còn ở cạnh bố mẹ và gia đình, hơi ấm và tình thương yêu ấy vẫn luôn ở mãi bên các con”, bà Kăn Hùng bồi hồi chia sẻ. Bốn mùa Xuân, Hạ, Thu rồi Đông, vào những ngày đẹp trời, bà thường mang thổ cẩm ra phơi như là cách để chúng không bị nhạt màu trước thời gian. Với bà Kăn Hùng, thổ cẩm là con thuyền để trở về với những tháng ngày tuổi trẻ, để gặp lại những người thân, dẫu rằng tất cả giờ đã khuất xa về phía bên kia núi.

Nghệ nhân dân gian Kray Sức, ở xã Tà Rụt cho hay, với đồng bào Tà Ôi giữa đại ngàn Trường Sơn, thổ cẩm chính là niềm tự hào về trí tưởng tượng phong phú, khả năng quan sát đời sống tinh tế được kết tinh qua đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ chịu thương chịu khó, là ký ức về nguồn cội, là sự kết nối giữa quá khứ và tương lai. Song, do chiến tranh và sự tác động của xu hướng thời trang hiện đại, trong một thời gian dài, nghề dệt thổ cẩm của người Tà Ôi ở đây khó tránh khỏi những thăng trầm, mai một. Hiện nay, vùng đất này vẫn còn may mắn khi vẫn còn có những con người luôn nặng lòng với thổ cẩm, đau đáu với nghề dệt mà các thế hệ tiền nhân đã dày công gây dựng. Đó là những người như các bà Kăn Hùng, Đoàn Thị Nga, ở xã Tà Rụt; các chị Lê Thị Chanh, Hồ Thị Chua, ở xã A Bung (Đakrông).

Nếu như bà Kăn Hùng là người dày công gìn giữ những bộ trang phục thổ cẩm gần như nguyên vẹn suốt cả cuộc đời, thì bà Nga và các chị Chanh, Chua luôn trăn trở, khao khát tìm về với nghề dệt thổ cẩm của tổ tiên xưa. Theo bà Nga, việc khôi phục nghề dệt thực sự là cả một quá trình dài lâu và không ít khó khăn. Bên cạnh sự đầu tư khung dệt, nguyên liệu và công sức để học nghề, yếu tố quyết định vẫn là sự quyết tâm và tình yêu của người thợ dệt dành cho thổ cẩm qua thời gian.

“Làm nghề dệt khó nhất là phần soạn sợi, còn dệt không khó lắm. Thời gian dệt để may một cái áo phải mất khoảng nửa tháng nếu chăm chỉ. Công việc chính của chúng tôi hàng ngày vẫn là đi làm trên nương rẫy, còn nghề dệt này thường tranh thủ vào những lúc rảnh rỗi”, chị Chanh – người với đôi tay thoăn thoắt đưa sợi, nhịp nhàng kéo khung dệt, chia sẻ với khách.

Cuộc sống giữa đại ngàn của đồng bào các dân tộc thiểu số chủ yếu vẫn dựa vào nương rẫy, song bao gian khó nhọc nhằn vẫn không ngăn được những người như bà Nga, chị Chanh đến với nghề dệt. Riêng bà Nga, từ cách đây hơn 10 năm, bà đã quyết định dành thời gian cho khung dệt. Từ những tấm thổ cẩm ban đầu có đôi chút thô vụng, nhưng cùng với thời gian, chúng dần trở nên mềm mại và xinh xắn hơn.

Bà Hồ Thị Nhàn, Phó Chủ tịch UBND xã A Bung cho hay, về cơ bản, thổ cẩm của đồng bào Tà Ôi có 5 màu, bao gồm đỏ, đen, trắng, vàng và xanh, đủ để tránh gây cảm giác đơn điệu trên trang phục. Trong đó màu đen được dùng để làm nền, 4 màu còn lại được dùng để phối màu, tạo hoa văn trang trí cho trang phục. “Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc nói chung, nghề dệt zèng nói riêng của người Tà Ôi, đồng thời qua đó có thể tạo được nhiều việc làm cho người lao động, đặc biệt là phụ nữ trên địa bàn, thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan chức năng ở địa phương đã rất quan tâm đầu tư, hỗ trợ nguồn vốn để vừa khôi phục, vừa xây dựng mở rộng các cơ sở dệt tập trung ở đây”, bà Nhàn cho biết thêm.

Ông Thái Ngọc Châu, Chủ tịch UBND huyện Đakrông cho hay, từ xa xưa, người Tà Ôi đã biết sử dụng vỏ cây rừng để tạo ra trang phục, hoặc chế biến thành sợi để dệt vải. Tập quán này đã được chứng minh qua những chiếc áo, khố từ vỏ cây A mưng hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Quảng Trị. Về sau, trong quá trình phát triển thì người Tà Ôi đã biết đến nghề trồng bông kéo sợi, dệt vải. Riêng ở Đakrông, những năm qua, từ chỗ có rất ít phụ nữ quan tâm, nhưng với sự giúp đỡ tận tình của những người như các bà, các chị kể trên, cùng với đó là sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền và cơ quan chức năng địa phương, ngày nay ở đây đã có nhiều gia đình, nhóm hộ mạnh dạn đầu tư vào nghề dệt thổ cẩm, vừa bảo tồn, phát huy được bản sắc riêng của văn hóa dân tộc, vừa có thêm nguồn thu nhập rất đáng kể.

Đặc trưng cơ bản của nghệ thuật tạo hình và trang trí trên trang phục của đồng bào Tà Ôi là các mô típ đều được sắp xếp theo băng dải, cân xứng, lặp đi lặp lại. Các băng dải trang trí khá đơn giản, có khi chỉ là những đường zích zắc, song song, nhưng cũng nhiều khi là các mảng sắp xếp thành dải, do vậy nhìn trên toàn cục là kết cấu dải băng.

Có hơn 70 loại hoa văn khác nhau trong các chi tiết áo của người Tà Ôi, trong đó phổ biến nhất là hình các mặt chim, cá; hoa văn hình thoi, tam giác, đường thẳng. Tinh xảo hơn là hoa văn tạo các hình thực vật, động vật, đồ vật, ngôi sao... Trong đó, các mặt chim, cá là tượng trưng cho lương thực, sự ấm no của đồng bào. Ngoài ra, trang phục của người Tà Ôi còn đặc trưng bởi những chi tiết được đính cườm cả hai mặt. Công đoạn chèn hạt cườm đòi hỏi phải có tay nghề cao mới làm được…

Thanh Bình 
.
.
.