Đồng bào dân tộc Pa Kô, Bru-Vân Kiều tự hào 65 năm mang họ Bác Hồ

Thứ Bảy, 18/06/2022, 08:03

Ngày 16/6/1957, để động viên nhân dân Quảng Bình - Vĩnh Linh vượt qua khó khăn, cùng với miền Bắc khôi phục và phát triển kinh tế, củng cố hậu phương, chuẩn bị cho công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Bác Hồ đã về thăm Quảng Bình.

Ngày Bác về thăm, với lòng kính yêu Người, đồng bào các dân tộc Pa Kô, Bru-Vân Kiều sinh sống dọc dãy Trường Sơn ở Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình đã đổi tên họ mình để mang họ Bác. Họ Hồ của bà con dân tộc Vân Kiều, Pa Kô có từ ngày đó. 65 năm qua, đồng bào các dân tộc Pa Kô, Bru-Vân Kiều đã có rất nhiều đóng góp trong công cuộc thống nhất đất nước, thi đua lao động, sản xuất, xây dựng bản làng ngày một no ấm, góp phần bảo vệ biên cương của Tổ quốc.

6-1.jpg -0
Chương trình văn nghệ đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều 65 năm vinh dự mang họ Bác Hồ.

Đổi thay trên dãy Trường Sơn

Nhiều lần rong ruổi dọc dãy Trường Sơn đến với các bản làng của bà con các dân tộc Pa Kô, Bru-Vân Kiều ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, chúng tôi đều thấy lòng lâng lâng mừng vui khi chứng kiến cuộc sống của người dân ngày một đổi thay, khấm khá. Còn nhớ, cách đây chưa lâu, bà con dân tộc Vân Kiều ở xã Ngân Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình hay ở huyện A Lưới, Nam Đồng của Thừa Thiên - Huế, Hướng Hoá tỉnh Quảng Trị… còn gặp rất nhiều khó khăn, vất vả. Mỗi lần lên vùng cao trao quần áo ấm, hay hỗ trợ đồng bào theo chương trình xã hội - từ thiện của Báo CAND, chúng tôi đều suy tư, trăn trở khi chứng kiến nhà cửa của bà con nhiều nơi còn tạm bợ, trẻ em run cầm cập trong manh áo mỏng… Nhưng giờ đây, cuộc sống của bà con đã thực sự đổi thay, nhiều bản làng ở bản Khe Khế, Cây Bông, Cồn Cùng xã Kim Thủy; bản Khe Giữa, bản Cửa Mẹc xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy; bản Khe Dây, xã Trường Xuân; bản Sắt, bản Trung Sơn xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh… nhà cửa kiên cố được xây dựng, trường học, trạm y tế xá, các công trình nước sạch, điện thắp sáng được Nhà nước đầu tư xây dựng khang trang.

Từ chỗ thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nơi ở, nay bà con các dân tộc Bru-Vân Kiều, Pa Kô đã có cuộc sống ổn định nhờ vào các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước như chương trình hỗ trợ di dân, định canh định cư, hỗ trợ tín dụng, chính sách về y tế, giáo dục. Kết cấu hạ tầng như điện, đường, trường học, trạm xá, chợ và các công trình phúc lợi khác được đầu tư, xây dựng tạo tiền đề cho bà con các dân tộc xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Nhiều hộ dân đã vươn lên làm giàu, con cái được đến trường, đường ôtô đã vào tận bản làng. Gặp lại chúng tôi, nhiều bà con đều khẳng định: Có được cuộc sống ấm no hôm nay là nhờ Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành và địa phương đã chăm lo cho đồng bào trong nhiều năm qua.

Anh Võ Ngọc Thanh, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình cho biết: Quảng Bình là một tỉnh từng bị chiến tranh tàn phá nặng nề, thiên nhiên gặp nhiều bất lợi, sau hơn 30 năm đổi mới, mặc dù thu ngân sách còn ít, song tỉnh luôn tập trung chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Hiện nay, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Bình có 100% số xã có đường ôtô đến trung tâm, 97% số xã có điện lưới quốc gia, trong đó các xã vùng sâu như Dân Hóa, Trọng Hóa, Kim Thủy, Lâm Thủy, Trường Sơn… đã có điện lưới phục vụ sinh hoạt, sản xuất. 100% số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số có trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường mầm non và trạm y tế xã, các xã đều có hệ thống thông tin liên lạc. Tỉnh Quảng Bình có hơn 27.000 người là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó, hơn 2/3 là đồng bào Vân Kiều.

Đảng bộ tỉnh Quảng Bình đang xây dựng Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa, an ninh trật tự các xã biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Tỉnh chủ trương giao đất, giao rừng cho người dân sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế trồng rừng gỗ lớn, trồng các loại cây dược liệu dưới tán rừng...

Tự hào 65 năm mang họ Bác Hồ

Len lỏi giữa những rặng rừng già, vào mỗi bản làng, chúng tôi như được vui lây với cuộc sống đổi thay của bà con dân bản. Ngồi bên bếp lửa bập bùng, cựu binh Hồ Uôi ở xã biên giới Kim Thuỷ, Lệ Thuỷ, Quảng Bình suy tư về câu chuyện đời mình. Rời quân ngũ khi chiến trường ngưng tiếng súng, người lính Hồ Uôi cùng vợ bám đất, bám rừng lăn lộn gần hết cả đời người vẫn không cất nổi mái nhà. Niềm vui của Hồ Uôi cùng gia đình vỡ oà khi được chính quyền địa phương tặng căn nhà mới.

Ngày Hồ Uôi vào nhà mới, cả bản đến chúc mừng. Bên bếp lửa hồng, câu chuyện về những người PaKô, Bru-Vân Kiều cùng anh bộ đội vượt Trường Sơn ngày nào đánh giặc; chuyện về những người lính thức thâu đêm để dựng nhà cho dân bản; chuyện về người lính biên phòng cõng dân bản qua 3 quả đồi, hai dốc núi để vượt cạn an lành… câu chuyện về tình đời, tình người cứ chảy dài như con suối trong vắt chạy bên sườn núi.

65 năm kể tự ngày mang họ Bác Hồ, đồng bào các dân tộc Bru-Vân Kiều, Pa Kô luôn tự hào được mang họ Bác. Nhiều bà con không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu bên núi rừng, con suối. Ông Hồ Thạch, ở bản Cẩm Ly, xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình được bà con trong bản xem là tấm gương tiên phong về vượt khó, làm giàu. Sinh ra và lớn lên trong gia đình khó khăn, suy nghĩ của ông Hồ Thạch là người Vân Kiều mang họ Hồ của Bác không cam chịu đói nghèo, không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Ông Thạch khăn gói về miền xuôi để học hỏi làm kinh tế. Từ 2 bàn tay trắng, bây giờ ông Hồ Thạch đã có 20ha rừng trồng, khai thác theo kiểu cuốn chiếu cho thu nhập 200 triệu đồng mỗi năm, 1 mô hình gia trại nuôi lợn, nuôi vịt kết hợp ao cá mang lại thu nhập hằng ngày.

Bà Hồ Thị Thoi, ở xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình cũng là tấm gương điển hình của người phụ nữ Vân Kiều. Bà là người phụ nữ Vân Kiều đầu tiên ở tỉnh Quảng Bình giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong xây dựng, củng cố và phát huy khối đại đoàn kết các dân tộc thiểu số năm 2019. Bà Hồ Thị Thoi cũng là người tiên phong nhận đất trồng rừng kết hợp chăn nuôi gia súc, nhưng trên hết, vừa làm bà vừa vận động các hộ gia đình làm theo mình.

Bà Thoi cho biết: “Được mang họ Hồ là niềm vinh dự. Nhắc đến họ Hồ là nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đó bản thân cũng như bà con đồng bào trên địa bàn luôn cố gắng phấn đấu học tập, rèn luyện. Nhiều đồng bào dân tộc thiểu số được đào tạo, học hành đầy đủ. Bản thân tôi được bà con luôn ủng hộ, tin tưởng để cố gắng trong chỉ đạo, lãnh đạo làm thế nào đó để đưa đời sống bà con nhân dân từng bước được nâng lên”.

Đồng chí Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tại buổi gặp mặt, nói chuyện, tặng quà các đại biểu tiêu biểu và người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ về thăm Quảng Bình (16/6/1957-16/6/2022); 65 năm Ngày dân tộc Pa Kô, Bru-Vân Kiều mang họ Hồ đã nhấn mạnh: Khi Bác Hồ về thăm Quảng Bình, nói chuyện với đồng bào dân tộc thiểu số, Bác đã đồng ý cho đồng bào Bru-Vân Kiều, Pa Kô mang họ Hồ. Từ đó đến nay, đồng bào Bru-Vân Kiều, Pa Kô luôn một lòng theo Đảng, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu để xây dựng bản làng ngày càng đổi mới, đi lên.

Dương Sông Lam
.
.
.