Đổi thay trên chiến khu Vườn Cau Đỏ

Thứ Ba, 03/05/2022, 09:07

Có mặt tại Khu tưởng niệm Vườn Cau Đỏ trên đường TX 52 thuộc phường Thạnh Xuân, quận 12, TP Hồ Chí Minh sáng một ngày tháng tư lịch sử, tôi thấy khung cảnh nơi đây yên bình và trang nghiêm. Những cây cau cao chót vót sừng sững hiên ngang đón tia nắng ban mai.

Sau khi giới thiệu bản thân và ngỏ ý muốn viết bài về lịch sử Vườn Cau Đỏ, tôi bất ngờ về sự nhiệt tình của anh Nguyễn Đăng Hiệp – cán bộ Trung tâm Văn hóa quận 12, người trông coi ở đây. Anh Hiệp liền lấy xe máy chở tôi đến nhà ông Nguyễn Văn Đức (sinh năm 1936, ở đường TX 52, khu phố 4, phường Thạnh Xuân). Theo anh Hiệp, ông Đức là một trong số ít người còn sống biết rõ về khu vực Vườn Cau Đỏ trong thời kháng chiến.

vuon_cau_do1-1651543659427.jpg
Khu tưởng niệm Vườn Cau Đỏ trên đường TX 52, phường Thạnh Xuân, quận 12, TP Hồ Chí Minh.

Nhà ông Đức cách Khu tưởng niệm Vườn Cau Đỏ khoảng hơn 1km. Đến nơi, chúng tôi được vợ ông Đức cho biết ông đang trong nhà từ đường họ, cách đây khoảng 50m. Mặc dù đã 86 tuổi nhưng ông Đức vẫn chắc, khỏe. Sinh ra và lớn lên tại đây nên ông còn nhớ rõ về chiến khu này. Ông Đức kể, thời kháng chiến chống thực dân Pháp, lúc ấy ông còn nhỏ tuổi và làm giao liên cho các chiến sĩ cách mạng; khi chiến tranh ác liệt người dân chạy qua khu Lái Thiêu (thuộc Bình Dương ngày nay), sau giải phóng thì người dân quay về đây sinh sống. 

Cũng theo ông Đức, thời đó ở đây trồng nhiều cau để lấy quả bán, lúc chiến tranh, người dân chạy giặc nên không chăm sóc được. Do vậy, khi nước ngập lâu ngày làm lá cau úa màu và cau bị chết nên được gọi là Vườn Cau Đỏ. “Hồi đó nhà cửa ở đây ít và lụp xụp, toàn nhà lợp lá mà lại bị giặc đốt hết, đường đi là bờ ruộng sình lầy chứ đâu có đường nhựa lớn như bây giờ. Từ ngày giải phóng năm 1975 đến giờ, cuộc sống thay đổi phát triển hơn nhiều”, ông Đức vui vẻ nói.

Sau khi trò chuyện với ông Đức, anh Hiệp đưa tôi đến nhà ông Phan Văn Chịa (thường gọi là ông Bảy Chịa) cũng sinh năm 1936, ở đường TX 52, khu phố 4, phường Thạnh Xuân, cách nhà ông Đức khoảng 500m.

Qua trò chuyện, biết tôi tìm hiểu về lịch sử căn cứ Vườn Cau Đỏ, ông Bảy Chịa vui vẻ cho hay, ông sinh ra và lớn lên ở đây. Lúc 14 tuổi – thời kháng chiến chống Pháp, ông cùng với những đứa trẻ đồng trang lứa ở địa phương làm giao liên và loan báo. Ông Bảy Chịa giải thích, loan báo là khi phát hiện có giặc đến thì sử dụng tù và hoặc các dụng cụ để báo hiệu cho các chiến sĩ cách mạng biết.

Tiếp tục tìm kiếm những người chứng kiến cuộc chiến ở đây, anh Hiệp đưa tôi đến nhà ông Nguyễn Đăng Hưu (sinh năm 1948), cựu chiến binh, nguyên Bí thư Chi bộ khu phố 4, nguyên Chủ nhiệm Câu lạc bộ truyền thống kháng chiến phường Thạnh Xuân. Ông Hưu cho biết, ông thuộc Trung đoàn Quyết Thắng (Trung đoàn Gia Định), là trung đoàn trực tiếp tham gia kháng chiến tại khu vực Vườn Cau Đỏ. “Lúc đấy ở đây chiến tranh ác liệt lắm, ta có mấy trung đoàn tham gia đánh. Cứ có động gì thì chúng tôi được lệnh vào đánh giặc rồi rút ra liền, đánh cơ động chứ không nằm vùng ở đây. Thời đó gian khổ, hy sinh, mất mát nhiều nhưng chúng ta đã chiến thắng để có cuộc sống bình yên như hôm nay”, ông Nguyễn Đăng Hưu cho hay.

Tạm biệt ông Hưu, chúng tôi đến nhà bà Nguyễn Thị Tỉu, Phó Bí thư Chi bộ khu phố 4 (phường Thạnh Xuân). Bà Tỉu cho hay, khu phố có 1.130 hộ dân, đường sá thời gian qua được đầu tư nên người dân phấn khởi, cuộc sống khá hơn nhiều. “Tình hình an ninh trật tự ổn định, không có trọng án. Gần 20 năm nay, khu phố 4 là địa bàn không có tội phạm ẩn náu”, bà Nguyễn Thị Tỉu cho biết.

Vườn Cau Đỏ là một địa danh lịch sử nối tiếng nằm trên địa bàn phường Thạnh Xuân, quận 12. Địa danh này gắn liền với nhiều sự kiện quan trọng của quân và dân ta trong suốt hơn 30 năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Từ tháng 3/1945, cả dân tộc ta hăng hái chuẩn bị cho một cuộc Tổng khởi nghĩa. Vườn Cau Đỏ trở thành địa điểm tập hợp lực lượng quần chúng hằng đêm luyện tập võ nghệ chuẩn bị nổi dậy đánh đuổi quân xâm lược.

Cách mạng Tháng Tám thành công chưa được bao lâu thì ngày 23/9/1945, Pháp nổ súng tấn công trụ sở các cơ quan của chính quyền cách mạng tại Sài Gòn. Sau 3 tháng, Tỉnh ủy Gia Định quyết định rút lực lượng ra vùng ngoại thành để bảo toàn lực lượng, tiếp tục chiến đấu. Ngày 25/12/1945, tại Vườn Cau Đỏ diễn ra Hội nghị cán bộ chủ chốt dưới sự chủ trì của đồng chí Phạm Văn Khung - Bí thư Tỉnh ủy Gia Định. Hội nghị đã quyết định chọn ba xã: An Phú Đông, Thạnh Lộc, Quới Xuân để thành lập căn cứ kháng chiến với tầm vóc một chiến khu. Vì nơi đây cách trung tâm Sài Gòn không xa, diện tích tuy nhỏ hẹp nhưng rất thuận lợi cho kháng chiến, có thể bám trụ lâu dài... Vườn Cau Đỏ được chọn là một trong những địa điểm tập trung cán bộ và chiến sĩ ta. Tại đây, ta đã thành lập một trạm đón tiếp công nhân của Tổng công đoàn Nam bộ để đón tiếp công nhân kỹ thuật từ Sài Gòn ra. Trên cơ sở đó, Ban Chỉ huy chiến khu An Phú Đông đã thành lập một xưởng quân khí để sản xuất vũ khí, khí tài trang bị cho các lực lượng cách mạng.

Để thực hiện chiến lược “Đánh nhanh thắng nhanh”, thực dân Pháp tổ chức nhiều cuộc càn quét dữ dội vào Vườn Cau Đỏ hòng tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến của Sài Gòn - Gia Định. Ngày rằm tháng 7/1946, Pháp đưa lính Ma Rốc, Miên và bọn Việt gian bao vây xung quanh, bất ngờ tấn công Vườn Cau Đỏ. Do bị đánh bất ngờ, lực lượng của ta không kịp chống trả, lính Pháp đàn áp rất dã man, giết hại nhiều người dân, trong đó có cả người già và trẻ em.

Từ cuối năm 1946, Pháp thiết lập một hệ thống dày đặc lô cốt, tháp canh xung quanh và dọc các con đường dẫn tới chiến khu An Phú Đông; tổ chức nhiều cuộc càn quét, bắn phá dữ dội, nhưng quân dân ta vẫn kiên cường bám trụ. Lực lượng cách mạng đã tổ chức nhiều trận chống càn, trừ gian diệt ác, tiếp tục phát triển phong trào “Bình dân học vụ”. Nhờ ý chí kiên cường và sự bao bọc nghĩa tình của đồng bào Thạnh Xuân - An Phú Đông, chiến khu vẫn đứng vững, góp phần đánh bại chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” của thực dân Pháp. Tháng 1/1950, trong phong trào đưa tang trò Trần Văn Ơn, Vườn Cau Đỏ trở thành trạm trung chuyển những học sinh, sinh viên trốn ra ngoại thành để chạy ra chiến khu.

Dưới chế độ Mỹ - Diệm, Vườn Cau Đỏ bị liệt vào danh sách “vùng trắng” được tự do oanh kích. Mỹ - ngụy liên tiếp tổ chức các cuộc hành quân càn quét nhằm tìm diệt cán bộ ta. Để chuẩn bị cho Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, lực lượng bộ đội về ém quân tại Vườn Cau Đỏ. Ngày 10/2/1968, lực lượng bộ đội địa phương do đồng chí Sáu Thẹo chỉ huy đóng quân dọc theo bờ sông để phục kích hai đại đội lính ngụy chuẩn bị càn quét tại Vườn Cau Đỏ. Trong trận này, quân ta đã dùng B40, B41, AK liên tiếp bắn trả, tiêu diệt nhiều tên Mỹ, ngụy.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, Vườn Cau Đỏ là nơi giấu quân của các đơn vị như E115, Trung đoàn Gia Định, Bộ đội Gò Môn... chuẩn bị tiến đánh vào Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Vườn Cau Đỏ đã trở thành biểu tượng cho sức chiến đấu kiên cường, bền bỉ, bất khuất, cho tình gắn bó thắm thiết của quân và dân ta trong cuộc trường chinh đánh giặc.

Để tưởng nhớ công lao và tinh thần chiến đấu hy sinh bất khuất của bộ đội và nhân dân Vườn Cau Đỏ năm xưa, Quận ủy - Ủy ban nhân dân - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận 12 đã xây dựng Khu tưởng niệm Vườn Cau Đỏ. Công trình được xây dựng trên khu đất với diện tích 4.031m² thuộc khu phố 4, phường Thạnh Xuân. Trên khu đài tưởng niệm được thiết kế bằng 2 lá cau đan vào nhau, thể hiện sự đoàn kết, gắn bó, che chở, bảo vệ giữa quân và dân ta trong kháng chiến, được nằm giữa khuôn viên xanh mát và bao phủ bằng những hàng cau ăn trầu gợi nhớ địa danh Vườn Cau Đỏ năm xưa.

“Khu tưởng niệm Vườn Cau Đỏ không chỉ tiếp đón nhiều lượt du khách trong và ngoài quận cùng học sinh, sinh viên khắp nơi đến tham quan, học tập, tìm hiểu lịch sử, tổ chức các hoạt động về nguồn,… mà còn là nơi tuyên truyền, giáo dục lịch sử địa phương một cách sinh động nhất. Hàng năm, Khu tưởng niệm Vườn Cau Đỏ tiếp đón khoảng gần 2.000 lượt khách đến tham quan học tập, có khoảng 22 lượt người luyện tập võ nghệ, rèn luyện thân thể, hàng trăm lượt người tập thể dục và vui chơi giải trí mỗi tháng”, ông Nguyến Tiến Đạt, Chủ tịch UBND phường Thạnh Xuân cho biết.

Nguyễn Cảnh
.
.
.