Đổi mới hoạt động bảo tàng để phát huy giá trị hiện vật, di sản văn hóa

Thứ Hai, 20/06/2022, 07:50

Theo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, hiện nay, cả nước có 188 bảo tàng, bao gồm 128 bảo tàng công lập và 60 bảo tàng ngoài công lập. Các bảo tàng đang lưu giữ trên 4 triệu hiện vật, trong đó có nhiều sưu tập hiện vật quý giá về lịch sử, văn hóa, dân tộc học, mỹ thuật… Phát huy khối lượng hiện vật lớn, có giá trị tại khối bảo tàng, thời gian qua, nhiều bảo tàng đã có khá nhiều nỗ lực nhằm đổi mới hoạt động, thu hút khách tham quan.

Tăng tính trải nghiệm, gắn với học đường

Hình ảnh các đoàn khách là học sinh, sinh viên tham gia các hoạt động giáo dục trải nghiệm đã trở thành hình ảnh khá quen thuộc tại nhiều bảo tàng với các phòng, khu trải nghiệm riêng. Tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có Phòng giáo dục nghệ thuật, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh có Không gian cho các hoạt động Học tập theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia có Câu lạc bộ Em yêu lịch sử, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam có Không gian ngoài trời dành riêng cho các chương trình giáo dục di sản văn hóa... Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục - Đào tạo, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội phối hợp xây dựng tài liệu “Các bước xây dựng Kế hoạch dạy học có sử dụng Di sản văn hóa phi vật thể” nhằm tăng cường kết nối bảo tàng và trường học.

Tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, thời gian qua, bảo tàng đã tích cực phối hợp với một số bảo tàng tỉnh, thành phố và các ban ngành địa phương, thường xuyên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức, trưng bày triển lãm. Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” và “Giờ học lịch sử tại bảo tàng” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã đón hơn 300 đoàn học sinh đến học tập, tham gia trải nghiệm hằng năm.

Báo cáo mới đây tại hội thảo về “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ đến năm 2030”, ông Phạm Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cho biết, hoạt động bảo tàng, gắn di sản văn hóa với học đường đang được tích cực đẩy mạnh. Nhiều bảo tàng đã chủ động liên kết với ngành giáo dục thực hiện chương trình “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” thông qua các hoạt động như tổ chức sinh hoạt hè, thi tìm hiểu, học tập lịch sử, văn hóa địa phương tại các bảo tàng, di tích. Đối với trẻ em (học sinh, nhóm trẻ em đi theo gia đình), bảo tàng tổ chức các hoạt động như tham quan bảo tàng, tham quan kết hợp thi trắc nghiệm, củng cố kiến thức lịch sử, sử dụng những tài liệu, hiện vật bảo tàng vào bài giảng môn lịch sử ở trường; tổ chức học lịch sử theo chủ đề trong hệ thống trưng bày; tổ chức học mà chơi, chơi mà học. Đối với thanh niên, tuổi trưởng thành, bảo tàng tổ chức các hình thức: Tham quan trưng bày, nghe thuyết minh, hướng dẫn, trao đổi thảo luận, tham dự các buổi thuyết trình chuyên đề,…

Các đối tượng khác (khách du lịch theo tour, khách tham quan tự do), bảo tàng phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu trưng bày, thưởng ngoạn cổ vật, giải trí... Hằng năm, Bảo tàng Đồng Nai đón 50 đoàn học sinh, sinh viên. Bảo tàng Vĩnh Phúc đón 40 đoàn học sinh, sinh viên. Đặc biệt, Bảo tàng Cần Thơ đón 120 đoàn của 86 trường trên địa bàn đến tham quan, học tập với 10.801 giáo viên, học sinh, sinh viên (năm học 2018 - 2019). Bên cạnh đó, hoạt động đưa di sản tới cơ sở thông qua các hình thức triển lãm lưu động, trưng bày chuyên đề được tăng cường, góp phần giới thiệu quảng bá giá trị di sản văn hóa tiêu biểu của địa phương đến đông đảo công chúng. Nhiệm vụ này được nhiều đơn vị thực hiện tốt, trung bình hàng năm thực hiện được từ 5 - 20 cuộc trưng bày chuyên đề/lưu động/chương trình giáo dục học đường, tiêu biểu là Đồng Tháp tổ chức 20 cuộc, Sóc Trăng 16 cuộc, Cần Thơ 14 cuộc, Sơn La 12 cuộc, Gia Lai 11 cuộc…

1.jpg -0
Nhiều hoạt động tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam hấp dẫn trẻ em. (Ảnh: Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam).

Đẩy mạnh số hóa, khuyến khích phát triển bảo tàng tư nhân

Cũng theo ông Phạm Quốc Hùng, thời gian qua, nhiều bảo tàng đã từng bước tiến hành số hóa hiện vật phục vụ công tác bảo quản và nâng cao chất lượng, đa dạng hóa hoạt động bảo tàng. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, như thực tế ảo, thuyết minh tự động, phim 3D giúp không gian bảo tàng trở nên sinh động, hấp dẫn, khách tham quan sẽ được chủ động tìm hiểu thông tin về hiện vật, mang lại cảm giác được khám phá, trải nghiệm. Các bảo tàng cấp tỉnh trên cả nước cũng đang tích cực nghiên cứu, từng bước áp dụng khoa học công nghệ trong hoạt động của mình như xây dựng mô hình bảo tàng ảo, thực hiện trưng bày 3D, số hóa hiện vật, hệ thống thuyết minh tự động, hệ thống quét mã tra cứu tìm hiểu thông tin hiện vật QR code tại các Bảo tàng: Đà Nẵng, Điêu khắc Chăm, Lâm Đồng, Quảng Ninh, Ninh Thuận, Lịch sử TP Hồ Chí Minh, Chứng tích chiến tranh, Phụ nữ Nam Bộ…

Ông Hùng cũng cho biết, thời gian qua, các địa phương đã khuyến khích và tạo điều kiện phát triển mạng lưới bảo tàng ngoài công lập, tôn vinh các tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ xây dựng các chương trình giáo dục trong bảo tàng. Hiện nay, cả nước đã có 60 bảo tàng ngoài công lập được cấp phép hoạt động. Nhiều bảo tàng đã có những đóng góp cho công tác giới thiệu, quảng bá, thu hút khách tham quan, giáo dục công chúng, phát triển du lịch như: Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt và tù đày (Hà Nội), Bảo tàng Đồng Quê (Nam Định), Di sản văn hóa Mường (Hòa Bình), Nước mắm làng chài xưa (Bình Thuận), Thế giới cà phê (Đắk Lắk)... Đối tượng và phạm vi hoạt động của các bảo tàng ngoài công lập lại khá phong phú - là nơi trưng bày, quảng bá các sưu tập cổ vật, tác phẩm mỹ thuật, dân tộc học, kỷ vật chiến tranh, nghệ thuật truyền thống,…

Một số bảo tàng đồng thời là nơi lưu niệm về một số nhà văn (Nguyễn Tuân), danh họa (Nguyễn Tư Nghiêm, Sĩ Tốt), nhà giáo dục (Nguyễn Văn Huyên),… Trong đó, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (Phú Xuyên, Hà Nội)  được một nhóm chiến sĩ cựu tù tự nguyện đóng góp đất đai, kinh phí, công sức để xây dựng và tổ chức hoạt động từ năm 2006, trở thành một trung tâm giáo dục truyền thống hết sức tích cực và hiệu quả, đồng thời là một điểm đến hấp dẫn đối với nhiều đối tượng du khách.

N.Nguyễn
.
.
.