Độc đáo bảo tàng nước bên dòng Hương giang
Sau hơn 110 năm xây dựng, nhà máy nước Vạn Niên 1 (ở phường Thủy Biều, TP Huế) trở thành công trình kiến trúc tiêu biểu của ngành cấp nước tại vùng đất Cố đô. Với những giá trị văn hóa, lịch sử to lớn, các cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên-Huế đã và đang nỗ lực xây dựng nhà máy nước Vạn Niên 1 thành bảo tàng nước “có một không hai” của Việt Nam nằm bên dòng Hương giang thơ mộng.
Trong tiết trời ấm áp ngày đầu Xuân xứ Huế, nhiều đoàn du khách đạp xe nối nhau lên đồi Vọng Cảnh. Tại đây, các du khách không những tham quan lăng vua Tự Đức, chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên mà còn khám phá công trình kiến trúc cổ kính nhà máy nước Vạn Niên 1. Theo tư liệu lịch sử, nhà máy nước Vạn Niên 1 được khởi công xây dựng từ năm 1909 dưới thời vua Duy Tân và hoàn thành vào năm 1911.
Đây là công trình nhà máy nước đầu tiên ở Trung Kỳ do kiến trúc sư Bossard người Pháp thiết kế mang đậm dấu ấn kiến trúc truyền thống Huế. Ngày ấy, nhà máy nước Vạn Niên 1 cùng với nhà máy vôi nước Long Thọ xây dựng tại vùng đất Thủy Biều được xem là “biểu tượng” văn minh công nghiệp tại Huế.
Các nhà nghiên cứu văn hóa Huế cho biết, sau khi được xây dựng hoàn thành, nhà máy nước Vạn Niên 1 cùng cảnh quan thơ mộng đồi Vọng Cảnh đã trở thành địa chỉ tham quan du lịch hấp dẫn đối với rất nhiều du khách. Tác giả Ph.Eberhardt viết trong cuốn sách “Guide L’Annam” xuất bản năm 1914 đã xếp nhà máy nước này vào danh mục công trình lịch sử văn hóa Huế để tham quan với lời mời: “Chúng ta nên ghé thăm nhà máy nước được xây dựng để cung cấp nước sạch cho Huế. Nó thật sự tạo nên sự chú ý bởi một phong cách rất Việt Nam”. Các nhà nghiên cứu khẳng định, giá trị của nhà máy nước Vạn Niên 1 không chỉ là di sản quý giá của ngành cấp nước nói chung, xứ Huế nói riêng mà công trình kiến trúc này còn thể hiện được tầm nhìn quy hoạch xây dựng giữa phát triển công nghiệp gắn với gìn giữ cảnh quan đô thị Huế.
Năm 2004, nhà máy nước Vạn Niên 1 được UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Từ đây, lãnh đạo Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên-Huế (HueWACO) ấp ủ ý tưởng, kế hoạch xây dựng một bảo tàng nước độc đáo tại nhà máy này. Thông qua các mối quan hệ hợp tác quốc tế, HueWACO đã sưu tập, mua lại nhiều tư liệu, hiện vật quý liên quan đến nhà máy nước Vạn Niên 1 được lưu giữ tại Pháp. Năm 2019, nhân dịp kỷ niệm 110 năm nhà máy nước Vạn Niên 1, HueWACO đã công bố bản vẽ thiết kế về công trình nhà máy nước này cùng nhiều tài liệu liên quan. Đây là những tài liệu quý được tìm thấy tại một Trung tâm lưu trữ ở Pháp và đơn vị đã quyết định bỏ kinh phí để sao chụp các tư liệu này đưa về Huế phục vụ cho công tác trưng bày.
Ông Trương Công Hân, Tổng Giám đốc HueWACO cho biết, năm 2020, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã ban hành quyết định chủ trương đầu tư dự án “Nhà máy xử lý nước sạch Vạn Niên công suất 120.000m3/ngày đêm” (nhà máy nước Vạn Niên 3), trong đó có hạng mục bảo tàng nước. Từ ý tưởng ban đầu cùng với những tư liệu, hiện vật quý giá về ngành nước thu thập được, HueWACO đã xây dựng đề án thành lập bảo tàng nước tại nhà máy nước Vạn Niên 1.
“Hiện Công ty đang nỗ lực triển khai thực hiện đề án này, đồng thời xây dựng kế hoạch bảo tồn, tu bổ các hạng mục của di tích nhà máy nước Vạn Niên 1 đang bị xuống cấp. Trong tương lai, nếu được công nhận thì nhà máy nước Vạn Niên 1 sẽ là bảo tàng nước đầu tiên của Việt Nam kết nối với nhiều danh thắng, di tích nổi tiếng của Huế như đồi Vọng Cảnh, lăng vua Tự Đức, lăng Đồng Khánh…”, ông Hân khẳng định.
Chia sẻ về quá trình thực hiện đề án thành lập bảo tàng nước tại nhà máy nước Vạn Niên 1, ông Nguyễn Liên Minh, Trưởng phòng Thiết kế HueWACO, người phụ trách lập đề án cho hay, những năm qua, đơn vị đã có dịp tham quan và tìm hiểu nhiều mô hình trưng bày bảo tàng nước ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan. Đơn vị đã lưu giữ được nhiều tư liệu, hiện vật quý liên quan đến quá trình thiết kế, thi công nhà máy Vạn Niên 1 từ thời vua Duy Tân. Trong đó có những hiện vật là thiết bị của nhà máy từ thời điểm bắt đầu xây dựng vào năm 1909 như các loại van, ống gang, ống thép, máy rửa lọc khí, trụ cấp nước, bơm trục đứng, động cơ… và sẽ tiếp tục sưu tầm, bổ sung.
“Chúng tôi sẽ giới thiệu đến công chúng công nghệ kỹ thuật xử lý nước hiện đại, quá trình phát triển của ngành cấp nước. Đồng thời, đơn vị sẽ tổ chức các sự kiện, hội thảo, chương trình trải nghiệm tìm hiểu về ngành nước trong khuôn viên di tích nhằm giúp người dân, du khách hiểu rõ về lịch sử ra đời của nhà máy nước”, ông Minh chia sẻ thêm.
TS Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế cho biết, việc thành lập bảo tàng nước tại công trình di tích nhà máy nước Vạn Niên 1 là rất phù hợp. Sự ra đời nhà máy nước Vạn Niên 1 là biểu tượng nền công nghiệp hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa Huế. Theo TS Hằng, bảo tàng nước thành lập tại đây nhất thiết phải là bảo tàng “sống”, bảo tàng phải tích hợp, giới thiệu những cách thức sử dụng nước trong sinh hoạt dân gian cho đến hiện đại, có những phân khu kết hợp với thuyết minh, hướng dẫn rõ ràng.
Đặc biệt cần số hóa và sử dụng phần mềm trình chiếu để có thể tái hiện lại hoạt động của nhà máy nước bằng mô hình 3D. Ngoài ra, có thể kết nối khu vực tháp nước hiện có ở cồn Dã Viên lên bảo tàng nước nước Vạn Niên 1 để trở thành một quần thể bảo tàng nước tuyệt đẹp. “Nếu làm được như thế chắc chắn sẽ là một bảo tàng nước độc đáo, có một không hai ở Việt Nam. Bởi lẽ những công trình kiến trúc này đều ghi dấu ấn thời kỳ ngành công nghiệp cấp nước đầu tiên của Việt Nam mà Huế vinh dự có được”.
TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, ngành Văn hóa rất ủng hộ chủ trương xây dựng bảo tàng nước tại nhà máy nước Vạn Niên 1. Theo ông Hải, hiện nay địa phương đang có nhiều chính sách khuyến khích sự phát triển của các bảo tàng ngoài công lập. Trong đó việc xây dựng, thành lập bảo tàng nước tại nhà máy nước Vạn Niên 1 được các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, nhà khoa học và người dân địa phương hết sức quan tâm. Điều này không những góp phần gìn giữ, bảo tồn công trình kiến trúc độc đáo nhà máy nước Vạn Niên 1 cùng các tư liệu, hiện vật liên quan mà còn phát huy giá trị văn hóa, lịch sử vốn có của di tích.