Điền kinh nặng gánh huy chương
Hội nghị Ban chấp hành Liên đoàn điền kinh Việt Nam nhiệm kỳ VII (2019-2023) diễn ra vào cuối tuần qua đã thống nhất với mục tiêu của đội tuyển điền kinh quốc gia trong năm 2022 như: Đứng đầu tại SEA Games 31; phấn đấu bảo vệ tấm HCV tại ASIAD 19. So với nhiều môn khác, rõ ràng đội tuyển điền kinh quốc gia sẽ nặng gánh huy chương hơn hẳn.
Mục tiêu không dễ với tới
Mục tiêu trên cũng đã được bộ môn điền kinh (Tổng cục TDTT) và chính lãnh đạo ngành Thể thao đề cập tới trong các cuộc họp triển khai nhiệm vụ năm 2022. Dường như đó là điều đương nhiên với điền kinh Việt Nam khi thường đứng đầu về số HCV tại hai kỳ SEA Games gần đây nhất. Trong khi đó, tại ASIAD 18 năm 2018, điền kinh Việt Nam còn giành tới 2 HCV bởi Bùi Thị Thu Thảo (nhảy xa) và Quách Thị Lan (400m rào nữ).
SEA Games 31 năm 2022 diễn ra ngay tại Việt Nam nên việc khẳng định ngôi đầu ở sân chơi này đã được xem là mục tiêu hàng đầu trong năm của điền kinh Việt Nam. Việc này cũng nhằm khẳng định sức mạnh của thể thao Việt Nam ở những môn cơ bản trong hệ thống thi đấu Olympic - mục tiêu đã được đề cập nhiều trong nhiều năm gần đây. Cũng không ngẫu nhiên khi đội tuyển điền kinh đã triệu tập tập trung tới 75 tuyển thủ cho chiến dịch bảo vệ ngôi đầu SEA Games. Tất cả đều là những VĐV đã đạt thành tích hàng đầu tại các nội dung tham dự tại Giải điền kinh vô địch quốc gia cũng như đã khẳng định được phong độ từ đầu năm.
Vấn đề nằm ở việc đông quân nhưng phải mạnh và trong thời điểm hiện tại, các nhà quản lý điền kinh Việt Nam cũng chỉ tạm thời yên tâm với lực lượng hiện có để có thể thực hiện mục tiêu giành ít nhất 16 HCV nhằm bảo vệ ngôi đầu SEA Games. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, phụ trách bộ môn điền kinh (Tổng cục TDTT), Tổng Thư ký Liên đoàn điền kinh Việt Nam đánh giá, phải giành được 16 HCV trong 47 nội dung thi đấu thì mới có thể hy vọng giành ngôi đầu ở môn điền kinh tại SEA Games 31. Với lực lượng hiện có, điền kinh Việt Nam có thể trông vào Nguyễn Thị Oanh (1.500m, 5.000m, 3.000m vượt chướng ngại vật), Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Huyền (400m, 400m rào), Phạm Thị Hồng Lệ (10.000m), Khuất Phương Anh (800m)…, hay những nhân tố trẻ có khả năng tranh chấp HCV như Trần Văn Đảng, Giang Văn Dũng (800m)…
Trong khi đó, như nhận định của chuyên gia điền kinh Dương Đức Thủy, cuộc chơi tại SEA Games 31 của đội tuyển điền kinh Việt Nam sẽ không dễ dàng. Thái Lan đã mất ngôi đầu trong 2 kỳ SEA Games gần đây nên muốn tạo ra cuộc lên ngôi ngay tại Việt Nam. Thực lực của điền kinh Thái Lan vẫn luôn ở nhóm đầu Đông Nam Á nên hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu này. Và nếu không vì lý do khách quan, khi người Thái Lan hoàn toàn tập trung vào mục tiêu này thì sẽ tạo ra không ít khó khăn cho điền kinh Việt Nam trong việc chinh phục ngôi đầu SEA Games 31.
Rõ nhất là ở nội dung 800m nam, nơi các VĐV Việt Nam thường giành HCV ở các kỳ SEA Games gần đây, Thái Lan đã có sự góp mặt của 1 VĐV nhập tịch có thông số thi đấu ngang ngửa các VĐV hàng đầu Việt Nam hiện nay. Thế nên, hành trình bảo vệ ngôi đầu SEA Games của điền kinh Việt Nam ngay từ lúc này đã thấy khó khăn.
Trong khi đó, ở sân chơi ASIAD 19, điền kinh Việt Nam cũng chỉ dè dặt dùng chữ "phấn đấu" với mục tiêu HCV dù từng giành 2 HCV ở kỳ ASIAD 18 cách đây 4 năm. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, phụ trách bộ môn điền kinh (Tổng cục TDTT), Tổng Thư ký Liên đoàn điền kinh Việt Nam từng phân tích rằng, khi giành HCV nội dung nhảy xa nữ tại ASIAD 19 năm 2018, Bùi Thị Thu Thảo chỉ đạt mức 6m55. Gần đây nhất, tại Giải điền kinh vô địch quốc gia tháng 12-2021, Bùi Thị Thu Thảo trở lại thi đấu sau 2 năm nghỉ tập và vẫn giành HCV nhưng thông số kỹ thuật chỉ là 6m27. Tại châu Á, hiện có rất nhiều VĐV vượt qua 6,6m, thậm chí đạt mức 6m85. Trong khi đó, vào tháng 9-2022 đã diễn ra ASIAD 19. Khoảng thời gian đến ASIAD 19 thực sự khó khăn để Bùi Thị Thu Thảo có thể lại đưa mình vào nhóm cạnh tranh HCV.
Còn nội dung chạy 400m rào - nơi Quách Thị Lan lên ngôi vô địch vào 4 năm trước, các vận động viên nhập tịch của các quốc gia Trung Đông vẫn là bài toán khó giải. Rồi sự xuất hiện của những nhân tố mới, ngoài các VĐV đến từ Trung Đông, cũng cần được tính tới. Cho nên, nếu ở ASIAD tới, điền kinh Việt Nam có giành được 1 HCV cũng là quá thành công.
Nỗ lực đến mức có thể
Thực tế, điền kinh Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để có thể thực hiện mục tiêu. Như với sân chơi SEA Games 31, để được tham dự, các tuyển thủ điền kinh Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chí chuyên môn vừa được bộ môn điền kinh (Tổng cục TDTT), Liên đoàn điền kinh Việt Nam và ban huấn luyện đội tuyển quốc gia thống nhất. Trong đó, thời gian xét chuẩn chuyên môn đối với VĐV các tổ nhóm để tranh suất dự SEA Games 31 sẽ tính từ ngày 1-12-2021 tới hết ngày 10-3-2022 thông qua kết quả trong tập luyện, kết quả giải vô địch quốc gia 2021 cũng như ở các giải tuyển chọn nội bộ tổ chức vào đầu tháng 3 tới.
Việc tuyển chọn VĐV dự SEA Games 31 được quy định cụ thể đó là chỉ 2 VĐV tốt nhất ở mỗi nội dung cá nhân và 6 VĐV tốt nhất ở mỗi nội dung tiếp sức sẽ được đăng ký tham gia. Nếu có 2 VĐV trở lên ở vị trí thứ 2 có thành tích bằng nhau thì sẽ chọn VĐV trẻ hơn.
Cũng để thực hiện trọn vẹn mục tiêu giành ngôi đầu ở SEA Games 31, dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần tới, 75 VĐV và gần 30 HLV được tập trung đội tuyển điền kinh quốc gia tại 5 trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia trong cả nước đều sẽ không về nhà. Các thành viên đội tuyển sẽ triển khai tập luyện ngay từ mùng 1 Tết, không có ngày nghỉ.
Với sân chơi ASIAD 19, còn cần phải xây dựng kế hoạch chi tiết, thực sự chặt chẽ và chắc chắn là tốn kém để có thể phấn đấu giành được HCV. Quách Thị Lan vẫn là cái tên sáng giá nhất cho mục tiêu này và trong kế hoạch của các nhà quản lý, cô sẽ được tạo điều kiện đi tập huấn ở châu Âu, được thi đấu ở Mỹ, được dành nguồn lực đáng kể về dinh dưỡng kết hợp khoa học thể thao - y tế... Vấn đề là khâu tập huấn nước ngoài cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nhiễm COVID-19 khi dịch COVID-19 trên thế giới cũng vẫn khó lường. Bài học về các tuyển thủ bóng đá nữ Việt Nam nhiễm COVID-19 khi tập huấn tại Tây Ban Nha vẫn là kinh nghiệm quý. Cho nên, chọn địa điểm tập huấn ở đâu cũng cần được cân nhắc.
Một năm 2022 đầy kỳ vọng nhưng cũng là một năm đầy thử thách của điền kinh - bộ môn vẫn mang lại tự hào cho thể thao Việt Nam ở đấu trường ASIAD cũng như SEA Games trong nhiều năm gần đây!