Kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023)

Đền thờ Bác Hồ ở Trà Vinh: Tấm lòng sắt son của nhân dân Nam bộ

Thứ Ba, 02/05/2023, 14:17

Đền thờ Bác Hồ ở xã Long Đức (TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) có ý nghĩa vô cùng to lớn, thể hiện tình cảm thiêng liêng của quân dân Trà Vinh dành cho Bác, biểu tượng sức mạnh đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước và là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước.

Lưu bút tại Đền thờ Bác Hồ vào năm 1991, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Đền thờ Bác Hồ, biểu tượng bất diệt, tấm lòng sắt son của nhân dân Nam bộ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Long Đức là vùng đất thép được bao bọc bởi 3 con sông Long Bình, Ba Trường, Cổ Chiên ở hướng Đông, Tây và Bắc. Theo cách nhìn của các nhà quân sự, đây là địa bàn “một bề giặc lấn, ba bề sông ngăn”. Cách Long Đức 4.000m đường chim bay là trung tâm đầu não của ngụy quyền và cách 1.500m là căn cứ quân sự hiện đại, kiên cố của Mỹ với cả hệ thống sân bay, các loại máy bay chiến đấu. Long Đức cũng là căn cứ cách mạng bao vây đầu não địch, bàn đạp để quân dân ta tấn công vào sào huyệt của địch. Vì vậy, Long Đức trở thành trung tâm càn quét và bắn phá, cái gai mà Mỹ - ngụy không yên nếu chưa nhổ được.

30-4_12  Đền thờ Bác Hồ ở Trà Vinh: Tấm lòng sắt son của nhân dân Nam bộ -0
Khuôn viên Khu di tích Đền thờ Bác Hồ xanh mát, rợp bóng cây.

Sau ngày Bác Hồ qua đời, trong niềm kính yêu và tiếc thương vô hạn, Thị ủy Trà Vinh đã bàn kế hoạch cùng quân và dân Long Đức quyết định dựng Đền thờ Bác Hồ. Vị trí chọn để dựng Đền là giồng cát cao, có lũy tre bao bọc tại ấp Vĩnh Hội. Đây là khu vực tranh chấp giữa ta và địch, vị trí xây dựng chỉ cách đồn địch vài trăm mét. Ấp Vĩnh Hội có nhiều cơ sở cách mạng nên việc dựng Đền có ý nghĩa rất quan trọng, khơi dậy ngọn lửa cách mạng càng cao. Ngôi Đền được khởi công vào ngày 10/3/1970, trên nền diện tích 16m2. Toàn bộ việc dựng Đền đều được thực hiện vào ban đêm. Tổ bảo vệ do đồng chí Phan Văn Tiềm (Mười Tiềm) làm tổ trưởng luôn theo dõi đề phòng máy bay của địch. Công việc tiến hành chưa được bao lâu, địch mở cuộc càn quét. Việc xây dựng dở dang, lòng quân và dân Long Đức xốn xang.

Sau ngày 2/9, công việc dựng Đền tiếp tục thực hiện, không khí thi đua sôi nổi. Ai cũng mong ngôi Đền hoàn thành vào dịp Tết Nguyên đán Tân Hợi. Ngày 30 Tết (26/1/1971), ngôi Đền được dựng lên trong vòng tay kết chặt của những người yêu nước. 5h chiều hôm ấy, hơn 500 đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đã tề tựu trước ngôi Đền làm lễ khánh thành. Đồng chí Trần Văn Tư, Bí thư Thị ủy thay mặt Đảng bộ và nhân dân thị xã Trà Vinh ghi vào sổ lưu niệm: “Chúng cháu sẽ kiên quyết thực hiện lời dạy quý báu và lời di chúc thiêng liêng của Bác: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn”. Từ khắp nơi, nhiều đoàn người từ các cụ già đến các em thiếu nhi, chức sắc tôn giáo, đồng bào Kinh, Hoa, Khmer, người có đạo, người không theo đạo, từ vùng giải phóng, vùng tranh chấp hay vùng bình định đã về Đền thờ thắp nén nhang tưởng nhớ Người. Lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tung bay trong ngày khánh thành.

Một công việc tưởng chừng đơn giản nhưng trong hoàn cảnh đó lại rất hiếm hoi, đó là chân dung của Bác. Họa sĩ Phong Ba (Liêu Tử Phong) đã vẽ bức chân dung Bác Hồ với tất cả tấm lòng thành và được người dân đón nhận trong niềm thành kính và sung sướng. “Đến ngày thứ Bảy, tôi hoàn tất nhiệm vụ mà Ban Tuyên huấn tỉnh và Thị ủy xã giao cho. Trước mặt tôi, bức chân dung Bác thật uy nghiêm, thật cương nghị nhưng cũng vô cùng đôn hậu”, trích hồi ức của họa sĩ Phong Ba.

30-4_12  Đền thờ Bác Hồ ở Trà Vinh: Tấm lòng sắt son của nhân dân Nam bộ -0
CBCS Công an tỉnh Trà Vinh báo công tại đền thờ Bác Hồ (TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh). Ảnh: Hồ Giang.

Sau khi Đền thờ Bác Hồ được dựng lên, khí thế cách mạng dâng cao, địch lo lắng tìm cách đối phó. Chúng mở nhiều cuộc càn quét đánh phá nhưng đều bị sức mạnh quần chúng và lực lượng du kích đánh bật . Ngày 10/3/1971, địch mở cuộc càn quét quy mô vào ấp Vĩnh Hội, cho một toán quân vào đốt ngôi Đền. Việc xây dựng ngôi Đền lần thứ hai được thực hiện trong điều kiện Mỹ - ngụy thất bại nặng nề trong chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh nên chúng điên cuồng đánh phá vùng ven. Thời điểm này, Vĩnh Hội là vùng tranh chấp. Quân dân Long Đức vượt mọi trở ngại, vừa đánh địch vừa dựng lại ngôi Đền. Công việc xây dựng Đền được tiến hành khẩn trương. Ngày 29 Tết (đúng ngày kỷ niệm 42 năm thành lập Đảng, 3/2/1972), Đền thờ Bác Hồ hoàn thành trong niềm hân hoan của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Long Đức.

Nhân chứng lịch sử và tham gia bảo vệ Đền thờ Bác Hồ từ năm 1970 đến năm 1997, ông Mười Tiềm (nay đã gần 90 tuổi) nhớ lại việc bảo vệ Đền thờ được sự chỉ đạo chu đáo của Thị ủy Trà Vinh, Chi bộ xã Long Đức cùng những tấm gương bám trụ kiên cường, gan dạ của chiến sĩ Đại đội C.67 thị xã và du kích Long Đức. Ngày 3/10/1972, địch cho máy bay đến hòng hủy diệt ngôi Đền. Tổ bảo vệ do ông Mười Tiềm làm tổ trưởng đã kịp thời dập tắt ngọn lửa. Ngôi Đền đứng vững, hiên ngang cùng với những người con vùng “đất thép”. Chiều 29/4/1975, địch ngoan cố cho máy bay L.19 đến hủy diệt ngôi Đền. Cuộc bắn phá làm hư hỏng một góc Đền. Có thể nói, trong 5 năm cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, ấp Vĩnh Hội là địa bàn ác liệt, gay gắt nhất của chiến trường Trà Vinh. Địch tập trung mọi lực lượng, phương tiện nhằm đánh phá. Đại đội C.67 và quân dân Long Đức bám đất, bám chiến hào, bảo vệ ngôi Đền. Quân và dân Trà Vinh bẻ gãy hàng trăm trận càn quét vào khu vực ngôi Đền, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 500 tên địch. Nhiều cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Long Đức anh dũng ngã xuống hoặc hy sinh một phần thân thể bảo vệ sự tồn tại hiên ngang của ngôi Đền.

30-4_12  Đền thờ Bác Hồ ở Trà Vinh: Tấm lòng sắt son của nhân dân Nam bộ -0
Ông Mười Tiềm, nhân chứng lịch sử (đứng giữa) kể lại quá trình bảo vệ và dựng Đền thờ Bác Hồ.

Sau ngày đất nước thống nhất, theo nguyện vọng của nhân dân, tỉnh Trà Vinh đã đầu tư, tôn tạo ngôi Đền. Năm 1989, Đền thờ Bác Hồ được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, khu di tích cấp quốc gia đầu tiên của tỉnh Trà Vinh. Đến năm 1990, ngôi nhà có dạng đóa sen hồng lớn được xây dựng để che mưa, che nắng ngôi Đền. Năm 2000, kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tỉnh Trà Vinh đầu tư xây dựng nhà trưng bày di tích Đền thờ, khách tham quan có điều kiện tìm hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời, sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; quá trình xây dựng, chiến đấu bảo vệ Đền thờ Bác Hồ.

Hiện nay, khuôn viên Đền thờ Bác Hồ có diện tích rộng hơn 4,5 hecta. Ngoài hạng mục chính là ngôi Đền, còn có nhà trưng bày, đặc biệt năm 2012, phiên bản Nhà sàn Bác Hồ với tỷ lệ 97% được dựng lên. Công trình có ý nghĩa khẳng định giá trị lịch sử của khu di tích, điểm nhấn đặc biệt du khách đến tham quan, viếng Đền thờ Bác Hồ. Điều ấn tượng, trong khu di tích còn có khuôn viên cây xanh với hàng trăm giống cây mang giá trị lịch sử, văn hóa do lãnh đạo Trung ương và địa phương cùng người dân trồng lưu niệm, đã tạo ra hệ sinh thái thực vật phong phú, đa dạng. Những hàng cây đã trở nên thân thuộc, in đậm trong ký ức những ai đặt chân đến tham quan, viếng Bác.

Hàng năm, khu di tích đón khoảng 100.000 lượt khách đến tham quan, viếng Bác và là địa điểm sinh hoạt chính trị, văn hóa của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Trà Vinh. Lễ giỗ Bác Hồ hằng năm, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Trà Vinh cùng các tầng lớp nhân dân đều quy tụ về Đền thờ dâng hoa, dâng hương, viếng Bác.

Chị Trần Thị Tố Quyên, thuyết minh tại Đền thờ Bác Hồ cho biết: “Vào các dịp lễ, rất đông các đoàn cán bộ, công nhân viên chức, học sinh, sinh viên từ các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, Bến Tre… tổ chức về nguồn đến tham quan Đền, kính viếng Bác. Tháng 3 đến tháng 5 là cao điểm khách đến tham quan, đặc biệt là các đoàn cựu chiến binh thuộc các tỉnh, thành Tây Nam bộ và Đông Nam bộ”.

Văn Vĩnh
.
.
.