Để việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT không gây dị nghị

Thứ Sáu, 14/07/2023, 05:00

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định mới quy định về xét tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú (NSND, NSƯT). Dự thảo thu hút mối quan tâm của các hội chuyên ngành nghệ thuật, nhà quản lý văn hóa, văn nghệ sĩ và toàn xã hội với kì vọng, việc phong tặng danh hiệu sẽ công tâm, khách quan hơn để tránh gây ra những ồn ào sau mỗi đợt xét.

Không nên quá lệ thuộc vào tiêu chí "giải thưởng"

Là người có nhiều năm kinh nghiệm tổ chức Giải thưởng Đào Tấn với vai trò trưởng ban tổ chức, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thế Khoa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc, Tổng Biên tập Tạp chí Văn hiến Việt Nam thừa nhận, thực tế là có nhiều nghệ sĩ được phong danh hiệu NSƯT, NSND mà xã hội không biết.

"Hiện nay việc xét phong danh hiệu tính theo huy chương ở các cuộc thi dẫn đến tình trạng chạy đua huy chương là có thật. Tất nhiên nếu bỏ huy chương thì chúng ta sẽ tính toán đến những tiêu chuẩn khác. Có lẽ đã đến lúc chúng ta nên có cuộc bầu chọn ở cơ sở để không còn tình trạng "xin-cho". Hiện nay chúng ta vẫn để cá nhân gửi hồ sơ lên hội đồng, điều đó làm các nghệ sĩ chân chính tự ái, đó là chưa kể, nếu nghệ sĩ đã mất thì không thể làm hồ sơ được. Hội đồng cơ sở hãy phát hiện và bình chọn nghệ sĩ xứng đáng để đưa lên vòng xét danh hiệu thì hay hơn", nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thế Khoa bộc bạch.

Đồng quan điểm đó, nhà nghiên cứu phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long cho rằng, cần có cơ chế mở trong việc phong tặng danh hiệu để các nghệ sĩ có đóng góp, có cống hiến cho nghệ thuật nhưng không phải nghệ sĩ quốc doanh hoặc chưa đủ huân, huy chương do đã thành nghệ sĩ gạo cội không đi thi đấu với giới trẻ trong các kỳ hội diễn nữa. Nhưng để họ được vinh danh cần có sự khách quan, công bằng ngay từ các cấp, có cơ chế đặc cách xứng đáng.

"Cá nhân tôi muốn những nghệ sĩ được phong tặng phải thực sự có tài năng, có sáng tạo, có cống hiến thực sự trong nghệ thuật, phục vụ đất nước, phục vụ người dân. Cần nghiên cứu làm sao để vừa có giải thưởng, vừa có thực tiễn hoạt động ở đời sống nghệ thuật. Hết sức tránh tình trạng quá lệ thuộc vào giải thưởng khiến nghệ sĩ cứ đủ năm tháng,

1.jpg -0
Các nghệ sĩ đều mong muốn việc xét tặng danh hiệu phải minh bạch, công bằng.

chăm chỉ thi thố đủ huân, huy chương thì được xét danh hiệu mà trong đời sống thực sự thì không có dấu ấn nào trong lòng khán giả, hoặc có mà rất mờ nhạt. Bên cạnh đó, cần có những quan tâm, chú ý để không bỏ sót các nghệ sĩ không hoạt động ở bề nổi mà âm thầm hơn nhưng cống hiến không nhỏ và được ghi nhận", nhà nghiên cứu phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long nhấn mạnh.

Trao đổi với PV Báo CAND, NSND Lê Tiến Thọ, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho rằng, thực tế cho thấy, nhiều nghệ sĩ chỉ chăm chăm đi thi ở các liên hoan, hội diễn, cuộc thi mà quên đi rằng đối tượng phục vụ phải là nhân dân, nhân dân chính là "giám khảo" khách quan, công tâm nhất. Nhiều người trong hội đồng chẳng quan tâm ứng viên biểu diễn ở đâu, sức lan tỏa thế nào mà chỉ xem giải thưởng trên… hồ sơ.

"Gần đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như các hội chuyên ngành mở ra rất nhiều cuộc thi, giải thưởng cũng được mở rộng nhưng giải thưởng đó có tạo ra giá trị đích thực của danh hiệu? Bởi hội đồng nghệ thuật xét huy chương vàng, bạc trong các cuộc thi nhiều khi vẫn bị cảm tính. Từ cảm tính của hội đồng nghệ thuật đến hội đồng xét danh hiệu chỉ trong gang tấc nếu định tính, định lượng không cụ thể, rõ ràng. Tôi mong muốn khi xét danh hiệu phải có quy định rõ về việc phục vụ nhân dân, nhất là phục vụ đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo bao nhiêu buổi, chứ không chỉ xét theo giải thưởng, huy chương", NSND Lê Tiến Thọ trăn trở.

Việc xét tặng phải công bằng, minh bạch

Để tạo sự công bằng, minh bạch trong xét phong danh hiệu NSND, NSƯT, NSND Lê Tiến Thọ cho rằng, phải xây dựng được quy chuẩn định tính, định lượng rõ ràng, cụ thể. Là người từng tham gia hội đồng xét danh hiệu NSND, NSƯT và hội đồng xét danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, Nhà giáo Nhân dân khi còn ở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, NSND Lê Tiến Thọ nhận thấy, ở hội đồng này xét rất nhanh, không có ồn ào gì sau khi xét tặng vì họ đã có định tính, định lượng rõ ràng, như ứng viên dạy bao nhiêu học sinh, dạy bao nhiêu giờ?...

"Việc xét phong danh hiệu NSND, NSƯT ở nước ta đã có từ 39 năm trước (đợt 1, năm 1984), nhờ học tập mô hình của Nhà nước Xô Viết để tôn vinh nghệ sĩ biểu diễn. Trong đợt 1 chỉ có 40 NSND, hơn 100 NSƯT được công nhận còn bây giờ thì mỗi lần xét phong nhiều vô kể, tất nhiên nhiều không phải là dở, vấn đề là tiêu chí đặt ra không mang tính định lượng, không thuyết phục mà chỉ chung chung. Tôi nhớ đợt đó phong danh hiệu NSND cho Đặng Thái Sơn, khi anh chưa đầy 30 tuổi mà có thấy dư luận ồn ào gì đâu. Vấn đề là tôn vinh người có tài thực, tôn vinh giá trị có thực và chúng ta tôn vinh cái đích thực của danh hiệu ấy. Còn gần đây, mỗi đợt xét phong danh hiệu là xã hội lại bàn tán xôn xao, rất mang tiếng với giới hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Danh hiệu không chỉ dành cho bản thân, gia đình, quê hương của nghệ sĩ mà khi có danh hiệu thì nghệ sĩ ấy sẽ đóng góp tài năng thế nào cho nhân dân", NSND Lê Tiến Thọ nhấn mạnh.

NSND Vương Duy Biên, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam cho rằng, để Nghị định mới có thể duy trì và nâng cao uy tín của việc phong tặng danh hiệu thì việc xét tặng phải minh bạch, công bằng khiến người được và chưa được phong tặng phải tâm phục, khẩu phục.

"Thành viên trong hội đồng xét duyệt đóng vai trò rất quan trọng, họ là đại diện cho các tầng lớp nhân dân để chọn lựa những người xứng đáng. Bởi vậy, tôi mong muốn trong quá trình lựa chọn các thành viên trong hội đồng xét duyệt phải rất chú ý chọn những người đủ năng lực, trình độ, có sự công tâm, khách quan và có uy tín trong giới cũng như trong nhân dân. Một điều nữa cũng rất quan trọng là người được xét tặng danh hiệu, ngoài tài năng còn phải tuyệt đối không được có những tư tưởng chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân, là những người có tư cách đạo đức, thượng tôn pháp luật, được bạn bè, đồng nghiệp và nhân dân tôn trọng, yêu mến…", NSND Vương Duy Biên cho hay.

Ngô Khiêm
.
.
.