Đề nghị điều chỉnh nhiều quy định về đào tạo nghệ thuật chuyên sâu

Thứ Năm, 23/09/2021, 06:56

Vướng mắc trong đào tạo nghệ thuật chuyên sâu, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) vừa đề nghị điều chỉnh nhiều quy định và đưa vào dự thảo Nghị định Quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật. Dự kiến, dự thảo này sẽ lấy ý kiến nhân dân đến ngày 17/11.

Đào tạo nghệ thuật có tính đặc thù ngay từ công tác tuyển sinh đến quy trình đào tạo là khẳng định chung của nhiều nghệ sĩ, giảng viên, nhà quản lý các trường đào tạo nghệ thuật trong nhiều năm qua. Theo ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam, hiện nay, phần lớn các nghệ sĩ trong Nhà hát Tuồng Việt Nam đều chưa có bằng đại học. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều đơn vị nghệ thuật truyền thống khác.

Ông Tuấn cũng cho rằng, đào tạo nghệ thuật có tính chất đặc thù. Người theo học phải có năng khiếu, được tuyển chọn, đào tạo sớm, đào tạo trong nhiều năm và quá trình học tập có sự sàng lọc khắt khe. Đào tạo nghệ thuật có sự kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành, mang tính chất truyền nghề. Do đặc thù nghề nghiệp, có những ngành không đào tạo ở trình độ đại học mà chủ yếu đào tạo ở trình độ trung cấp và thời gian đào tạo trung cấp cũng đã rất cao…

Tại dự thảo tờ trình việc ban hành Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật, Bộ VH-TT&DL cũng nhận định: Mô hình đào tạo trung cấp dài hạn kết hợp học các môn văn hóa phổ thông với chuyên môn nghệ thuật trong các cơ sở giáo dục đại học lĩnh vực nghệ thuật từ trước đến nay phù hợp với tính đặc thù của ngành đào tạo đã đạt hiệu quả cao, đào tạo ra nhiều tài năng nghệ thuật cho đất nước và sáng tạo ra nhiều tác phẩm nghệ thuật mang tầm quốc gia và quốc tế. Nhiều học sinh đoạt giải tại các kỳ thi nghệ thuật trong nước, quốc tế tập trung ở học sinh theo học trung cấp trong các cơ sở giáo dục này. Hàng chục năm nay, một số cơ sở giáo dục đại học lĩnh vực nghệ thuật đã đào tạo đồng thời các trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học và sau đại học. Mô hình đào tạo trung cấp kết hợp học các môn văn hóa phổ thông với chuyên môn nghệ thuật được các cơ sở giáo dục đại học thực hiện hiệu quả, nhằm tạo điều kiện thuận lợi, tốt nhất cho học sinh thực hiện đồng thời cả 2 nhiệm vụ, vừa học văn hóa và học chuyên môn ngay tại trường…

Tuy nhiên, trong thực tế, hoạt động giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp trong lĩnh vực đào tạo nghệ thuật chuyên sâu đặc thù cũng đang gặp một số bất cập do quy định pháp luật hiện hành chưa thống nhất, phù hợp.

Cụ thể, tại Khoản 5 Điều 3, Khoản 1 Điều 19 Luật Giáo dục nghề nghiệp quy định các cơ sở giáo dục đại học được phép tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp khi đủ điều kiện theo luật định. Trong khi đó, Nghị định số 143/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp lại quy định: Cơ sở giáo dục đại học được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng, khi các ngành, nghề đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp có trong danh mục ngành, nghề đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) ban hành...

Đồng thời, tại Khoản 2, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018 quy định: Trường đại học, học viện là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều ngành, được cơ cấu tổ chức theo quy định của luật này.

Như vậy, các quy định nêu trên chỉ quy định cơ sở giáo dục đại học (trường đại học, học viện) thuộc danh mục ngành nghề đào tạo trình độ cao đẳng do Bộ LĐ-TB&XH ban hành được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng, không quy định cơ sở giáo dục đại học được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ trung cấp. Điều này gây khó khăn, bất cập và không phù hợp đối với đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật, ảnh hưởng lớn đến chất lượng đào tạo và nhân lực hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, ảnh hưởng đến việc bảo tồn và phát triển nền văn hóa Việt Nam…

Việc soạn thảo và ban hành Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật với các quy định cụ thể về được kỳ vọng sẽ giải quyết được các vướng mắc nói trên. Theo dự thảo, Nghị định gồm 4 chương, 15 điều, trong đó có nhiều quy định cụ thể về trình độ, tổ chức đào tạo cũng như chính sách đối với giảng viên, nhà giáo, người học…Dự kiến, dự thảo sẽ lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân đến ngày 17/11.

N.Nguyễn

.
.
.