Đào tạo Tiến sỹ ở nước ta: Tấm áo không làm nên thầy tu

Thứ Sáu, 29/04/2016, 21:57
Cư dân mạng đang xôn xao về chất lượng đào tạo tiến sỹ tại một học viện lớn ở Hà Nội. Thông tin này được lan truyền với tốc độ chóng mặt khiến đơn vị chủ quản phải tổ chức một cuộc họp báo vào sáng 24-5 để làm rõ những vấn đề mà dư luận quan tâm. 


Nhiều điều đáng để bàn, nhưng dễ thấy nhất là vẫn tồn tại một số quy định bất cập của chương trình đào tạo tiến sỹ trong lĩnh vực khoa học xã hội ở nước ta, dựa trên khung quy định chung đang được áp dụng.

Nỗi ưu tư về chất lượng hướng dẫn

Quy định chung là một Giáo sư (GS) không được cùng lúc hướng dẫn quá 5 nghiên cứu sinh. Đối với Phó Giáo sư (PGS) hay Tiến sĩ khoa học (TSKH), con số đó chỉ là 3. Quy định này đưa ra đảm bảo người hướng dẫn có đủ thời gian, trí tuệ, sức lực hỗ trợ cho sinh viên của mình trong suốt quá trình học. Tuy nhiên, trên thực tế, không ít GS, PGS cùng lúc hướng dẫn nhiều Nghiên cứu sinh (NCS). Những vị này đa phần đồng thời là cán bộ quản lý, những người luôn bộn bề với bao chức phận khác. Điều đó khiến công luận được quyền ưu tư về chất lượng hướng dẫn mà họ có thể đem lại cho học trò của mình.

Người ta cũng phải đặt câu hỏi về tính khách quan, minh bạch, hợp lý và công bằng của việc phân bổ này, nhất là khi không ít vị đủ phẩm hàm lại hiếm khi được phân công hướng dẫn. Có hay không yếu tố “lợi ích nhóm”, nhất là khi càng hướng dẫn nhiều NCS thì người hướng dẫn càng được trả thêm phụ cấp?

Nên có những quy định mới trong đào tạo Tiến sĩ - Phó Giáo sư, Giáo sư.

Không ít vị luôn được mời ngồi vào hội đồng chấm luận án dù cho chuyên môn của họ chẳng hề liên quan với đề tài luận án, đến độ họ được mệnh danh là “tuần chay nào cũng cỗ”. Thông tư 05 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành năm 2012 quy định rõ thành viên Hội đồng thẩm định phải am hiểu về đề tài và lĩnh vực nghiên cứu của nghiên cứu sinh; có công trình công bố về lĩnh vực của đề tài luận án trong 3 năm tính đến ngày thành lập hội đồng. Ấy nhưng, sẽ không khó để tìm nhiều vị trong hội đồng đã nghỉ hưu từ lâu, ngót chục năm không có nổi một công trình khoa học được công bố chứ chưa nói đến công trình có liên quan.

Điều đó khiến người ta băn khoăn về tính dân chủ, vị thế khoa học của việc tuyển chọn hội đồng và hoài nghi về chất lượng thẩm định, đau đáu lo âu về sức sống của các luận án.

Hành chính hóa hoạt động khoa học

Theo quy định, trước khi bảo vệ, NCS phải trực tiếp gửi tóm tắt luận án đến ít nhất 13 nhà khoa học (có trình độ từ TS trở lên) đến từ 2 tổ chức hoạt động trong lĩnh vực có liên quan đến chuyên ngành của NCS để mời các vị này đọc và cho nhận xét. Bản tóm tắt này được quy định có dung lượng trong khoảng 24 trang.

Câu hỏi đặt ra là liệu có thực sự phải thêm vào quy định này không bởi để có thể đưa ra những nhận xét thấu đáo, người ta phải đọc kỹ cả luận án chứ không chỉ dựa vào bản tóm tắt. Việc chấm luận án là việc của hội đồng, những người được cơ sở đào tạo chính danh mời và trả công cho việc thẩm định. Không ít vị viết nhận xét hết sức qua loa, mang tính hình thức, phần vì cả nể, phần vì không đọc hết cả tóm tắt, phần vì họ cảm thấy ý kiến của mình không quan trọng.

Trong mỗi buổi bảo vệ, phần “lễ” mở đầu bao giờ cũng khiến cho cả “chủ” và “khách” mệt mỏi. Vị thư ký hội đồng buộc phải đọc một bản dài lê thê tiểu sử, quá trình học tập, bảng điểm… của NCS như là minh chứng cho việc họ đã đủ tiêu chuẩn được bảo vệ luận án. Đây là công việc của cơ sở đào tạo và dĩ nhiên nếu không đủ điều kiện, làm sao họ cho phép tổ chức buổi bảo vệ của NCS đó.

Khai mạc một buổi sinh hoạt khoa học bằng những thủ tục hành chính rối rắm khiến người tham dự mất đi hứng thú, cứ phải nghe những thông tin nằm ngoài mối quan tâm cũng như thẩm quyền của họ. Người đọc cứ đọc vào hư vô bởi không có người nghe…

Ở nhiều nơi, luận án nào cũng phải có một chương khuyến nghị về chính sách. Đây là điều hết sức vô lý bởi đó là nhiệm vụ của các đề tài, dự án được đặt hàng với địa chỉ cụ thể. Luận án là công trình khoa học của một cá nhân, được thực hiện nhằm mục đích học thuật nên việc thực hiện yêu cầu đó là quá tầm, quá sức và không cần thiết. Đọc chương này đa phần sẽ chán chường với những kiến nghị không địa chỉ và hết sức chung chung theo kiểu: cần phải bảo tồn, phát huy…

Bảo vệ hay trình diễn luận án?

Dự buổi bảo vệ luận án, đa phần sẽ có cảm giác đang dự những trình diễn đã được xây dựng kịch bản, phân vai, lịch trình vận hành trơn tru. NCS trình bày vắn tắt luận án trong chừng 15-20 phút, từng vị đọc nhận xét và cố gắng đưa ra đôi bình luận, 1-2 câu hỏi. NCS trả lời, được đến đâu hay đến đó, không thì xin phép được tiếp tục nghiên cứu…

Hiếm khi người ta được nghe những tranh luận đa chiều, trao đi đổi lại giữa NCS và các thành viên hội đồng hay giữa người tham dự với NCS. Một buổi sinh hoạt khoa học ở cấp độ cao lại nhạt nhòa đến độ khiến người tham dự có cảm tưởng như đang ở một buổi mít tinh hay một lễ phát động thi đua nào đó. Không khí buổi bảo vệ cứ bình bình, nhàn nhạt, hời hợt mặc cho các thành viên hội đồng không mệt mỏi nỗ lực thổi vào những lời khen hơn là chê.

Luận án nào cũng được đánh giá cao bởi tính mới, lần đầu tiên, hệ thống, chiều sâu, có ý nghĩa cả lý luận và thực tiễn, thiếu sót nếu có chỉ là lỗi kỹ thuật, khách quan… Người nghe những nhận xét cứ vu vơ buồn khi liên hệ với bức tranh thực trạng của nền khoa học nước nhà. Ngần ấy luận án đóng góp được cụ thể gì cho sự phát triển của đất nước?

Luận án tiến sỹ: manh áo hay thầy tu?

So sánh nhiều luận án tiến sỹ cùng ngành, bạn đọc sẽ dễ dàng nhận thấy sự “tương đồng” đến kỳ lạ ở phần mô tả lý thuyết dù cho chúng nghiên cứu về những vấn đề hoàn toàn khác nhau. Một xu thế đáng ngại gần đây là việc “trang trí” luận án tiến sỹ với những lý thuyết của phương Tây trong khi người viết luận án lại quá mơ hồ về chúng.

Không ít luận án “hồn nhiên” liệt kê dăm ba trường lý thuyết định danh là sẽ được áp dụng trong khi ở các nền giáo dục phát triển, luận án tiến sỹ chỉ cần thảo luận, tranh biện với một cách tiếp cận cụ thể của một trường lý thuyết nhất định. Tác giả của nhiều luận án cũng “vô tâm” tột cùng khi họ chỉ đơn thuần liệt kê mà không hề áp dụng, thảo luận những lý thuyết đó trong phần nội dung nghiên cứu.

Điều đó giống như việc mời khách đến nhà chơi nhưng chỉ mời đến ngoài ngõ. Cổng, cửa vào nhà cứ khóa chặt, gia chủ cứ ngủ vùi trên giường êm, đệm ấm, khách cứ thầm lặng vãn cảnh cùng gió, cùng mây…

Nguyễn Công Thảo
.
.
.