Đánh thức “viên kim cương xanh” du lịch Quảng Bình
Quảng Bình xác định rõ định hướng phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, là một trong những điểm tạo đột phá kinh tế, xã hội của địa phương giai đoạn 2022-2025.
Trong chuyến đến thăm và làm việc ở Quảng Bình gần đây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã ví du lịch Quảng Bình không chỉ là một Việt Nam thu nhỏ mà đây còn là “viên kim cương xanh” của ngành du lịch, một điểm đến hấp dẫn ở Việt Nam, góp phần để phát triển Việt Nam trở thành một cường quốc về du lịch.
Ở Quảng Bình, chỉ tính riêng từ năm 2021 đến nay, có khoảng 20 dự án đầu tư từ nguồn xã hội hóa thuộc lĩnh vực du lịch được chấp thuận đầu tư trên địa bàn tỉnh với tổng vốn đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng.
Trao đổi với phóng viên Báo CAND, ông Phạm Văn Thủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, 11 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã đón được 4,5 triệu lượt khách quốc tế, du lịch nội địa tăng trưởng ấn tượng, đạt 96,3 triệu lượt khách, vượt cao điểm năm 2019 trên 10 triệu lượt, góp phần giúp nhiều doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển.
Trong bức tranh chung về phát triển du lịch Việt Nam, du lịch tỉnh Quảng Bình đã có những bước đột phá ấn tượng, khi dịch COVID-19 vừa tạm lắng, dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tổng số khách du lịch trên địa bàn Quảng Bình đã đạt gần 37.000 lượt khách. Đặc biệt là từ khi Việt Nam mở cửa du lịch trở lại, tổng số khách du lịch đến với Quảng Bình đã có dấu hiệu tăng ước đạt gần 60% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong những năm gần đây, ngành du lịch Quảng Bình đã tìm mọi giải pháp để đánh thức “Viên kim cương xanh”. Không phải tự nhiên mà Quảng Bình lại được đánh giá là một trong 7 tỉnh xếp hạng cao nhất trong Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam (VTCI).
Mới đây, Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng tổ chức chương trình Famtrip khám phá, trải nghiệm du lịch “Phong Nha - Miền Di sản diệu kỳ” thu hút hơn 250 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành lớn trên toàn quốc, đặc biệt các đơn vị kinh doanh lữ hành thường xuyên đưa khách đến Quảng Bình.
Đến Quảng Bình, các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành đã khảo sát nhiều địa điểm nổi tiếng ở Phong Nha - Kẻ Bàng như khách sạn Heritage by Night, Nhà hàng Sơn Đoòng, nhà hàng Dark Cave, Sông Chày - Hang Tối, Suối Mọoc, động Phong Nha, Đền Tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ Đường 20 Quyết Thắng, Hang Tám Cô...
Tiếp đó, những người làm du lịch trong cả nước tham dự chương trình Famtrip khám phá, trải nghiệm du lịch “Phong Nha - Miền Di sản diệu kỳ” khảo sát các dịch vụ tại khu vực thành phố Đồng Hới ở các điểm du lịch như Quảng Bình Quan, Quảng trường Hồ Chí Minh, tượng đài Mẹ Suốt, Di tích chứng tích chiến tranh Tháp chuông Nhà thờ Tam Tòa, Đồi cát Quang Phú, Biển Nhật Lệ... và một số khách sạn, nghỉ dưỡng trên địa bàn.
Ông Phan Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, tỉnh Quảng Bình có lợi thế nổi bật, giàu tài nguyên để phát triển du lịch hàng đầu ở Việt Nam với Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Quảng Bình còn là một trong những thiên đường nghỉ dưỡng biển, mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi giao thoa và tiếp biến của nhiều nền văn hóa.
Với lợi thế cạnh tranh về tài nguyên và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, tỉnh Quảng Bình xác định tập trung đầu tư để phát triển du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, khẳng định được thương hiệu du lịch Quảng Bình trên bản đồ du lịch của khu vực và quốc tế, coi đây là khâu đột phá để tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Trong thời gian qua, tỉnh đã huy động mọi nguồn lực, đa dạng các nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng du lịch. Chỉ tính riêng từ năm 2021 đến nay, có khoảng 20 dự án đầu tư từ nguồn xã hội hóa thuộc lĩnh vực du lịch được chấp thuận đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Bình với tổng vốn đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng để thực hiện đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng, dịch vụ, vui chơi giải trí góp phần phát triển du lịch trở thành ngành mũi nhọn của tỉnh.
Trong số các địa điểm khi đến với Quảng Bình, Sơn Đoòng là nơi được du khách mong muốn đến nhất, vì không phải ai muốn cũng có thể đến được với Sơn Đoòng. Hang Sơn Đoòng được Tổ chức Kỷ lục thế giới Guinness, Hiệp hội kỷ lục thế giới, Liên minh Kỷ lục thế giới chứng nhận là lớn nhất thế giới, với chiều rộng 150 mét, cao hơn 200 mét, chiều dài lên tới gần 9km.
Hang nằm trong quần thể hang động Phong Nha - Kẻ Bàng, Vườn quốc gia lớn nhất Việt Nam. Nơi đây không chỉ là “nhà” của Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới, mà còn là của hang Én - hang động lớn thứ 3 thế giới và cũng là điểm đến đầu tiên trong con đường tiến vào hang Sơn Đoòng. Bên cạnh đó, hơn 350 hang động, các sông ngầm và hệ động thực vật quý hiếm đã được tìm thấy tại đây.
Sơn Đoòng tái hiện khung cảnh hố sụt khổng lồ nằm sâu hơn trong hang, với ánh nắng chiếu rọi làm sáng bừng khung cảnh hang với nhiều sắc thái xanh của núi rừng. Những hố sụt khổng lồ cho phép ánh sáng mặt trời và mưa đến nuôi dưỡng hệ sinh thái rừng nguyên sinh, là nơi sinh sống của nhiều loài sinh vật như dơi quạ, khỉ. Cả một khu rừng nguyên sinh phát triển mạnh mẽ ngay trong hang động kỳ vĩ này sẽ tiếp tục làm kinh ngạc bất cứ du khách nào tới Sơn Đoòng, kể cả những nhà thám hiểm dày dặn kinh nghiệm.
Trao đổi với phóng viên Báo CAND, Tiến sĩ Trần Du Lịch - chuyên gia kinh tế, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia khẳng định: Tăng trưởng nóng về du lịch, tỉnh Quảng Bình sẽ phải đối mặt với các sức ép về cơ sở hạ tầng lưu trú, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội khi du lịch “tăng trưởng nóng”. Để giải bài toán này, tỉnh Quảng Bình cần thu hút dòng vốn đầu tư có chất lượng. Bên cạnh đó, cần có những con sếu đầu đàn trong đầu tư. Tỉnh chỉ nên giao đất cho nhà đầu tư có quy hoạch mang ý tưởng chiến lược, giám sát chặt chẽ việc sử dụng đất, tránh việc cắt xén, quy mô nhỏ, tránh tình trạng cấp phép ồ ạt. Quảng Bình cũng phải có hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ. Cần xem giao thông như là mạch máu của cơ thể, xem trọng xây dựng hoàn thiện hạ tầng giao thông để tạo ra sự đột phá. Chú trọng về liên kết không gian, kết nối hạ tầng liên vùng. Chủ động xúc tiến du lịch với các địa phương lân cận trong vùng là Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và trung tâm phân phối khách ở miền Trung là thành phố Đà Nẵng.
Còn Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch lại cho rằng: Hiện nay, tỉnh Quảng Bình cần phải nhận diện đúng những tiềm năng nổi bật, khác biệt để định hướng quy hoạch và đầu tư phát triển du lịch xứng tầm để tạo dựng, định vị thương hiệu và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và đặc biệt là trên thị trường quốc tế.
Quảng Bình phải đón đầu xu hướng du lịch mới, hướng về thiên nhiên, thân thiện với môi trường, phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững. Trước hết phải tập trung xây dựng hệ thống “hạ tầng xanh”, lấy môi trường làm trung tâm, hạ tầng thân thiện với môi trường. Các công trình cung cấp sản phẩm và dịch vụ du lịch được đầu tư xây dựng phải giữ được vẻ hoang sơ của tự nhiên, tạo điểm nhấn khác biệt riêng cho Quảng Bình. Thận trọng trong quy hoạch đầu tư phát triển các cơ sở dịch vụ du lịch giải trí ở các bãi biển. Phát triển mạnh du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Tập trung phát triển đa dạng các dịch vụ, tạo sự kết nối đa năng dựa trên tiềm năng để phát triển đa dạng các loại hình du lịch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của khách du lịch.