Đằng sau câu chuyện tranh cãi của bắn súng Việt Nam

Thứ Hai, 23/10/2023, 06:46

Câu chuyện liên quan đến việc Liên đoàn Bắn súng Việt Nam (VSF) "quên" gửi lời cảm ơn HLV Park Chung-gun tại buổi lễ mừng công của đội tuyển chỉ là bề nổi của một tảng băng chìm, nơi VSF luôn tồn tại mâu thuẫn ở nội bộ những người đứng đầu.

Khen thưởng, tri ân và vinh danh

Trong ngày 18/10, Liên đoàn Bắn súng Việt Nam (VSF) đã tổ chức lễ biểu dương, khen thưởng các HLV, VĐV có thành tích xuất sắc tại các giải đấu quốc tế thời gian gần đây, bao gồm ASIAD 19. Theo chia sẻ từ phía VSF, đây là buổi lễ được tổ chức với mục đích đơn thuần để mừng công, trao tiền thưởng nóng cho các cá nhân như VSF đã cam kết thời gian qua.

anh1.jpg -0
HLV Park Chung-gun sẽ tiếp tục gắn bó với bắn súng Việt Nam đến hết Olympic Paris.

Thông tin về lễ mừng công của VSF được đưa tin, phản ánh một cách bình thường trong ngày 18/10. Nhưng chưa đầy 1 ngày sau, mọi thứ đã diễn ra với kịch bản hoàn toàn khác biệt. Tất cả đồng loạt đưa tin theo hướng VSF đã "bỏ quên" chuyên gia Hàn Quốc Park Chung-gun trong buổi lễ này, khiến ông cảm thấy thấy không hài lòng, thậm chí bỏ về trước vì tức giận.

Câu chuyện liên quan đến HLV Park Chung-gun và VSF dần trở thành những thông tin tam sao thất bản. VSF nói sẽ tri ân ông Park tại giải bắn súng vô địch quốc gia cuối tháng 11, nhưng lại có thông tin khi ấy ông Park đã hết hợp đồng và về nước. Mọi chuyện chỉ lắng xuống khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có ý kiến, hướng dẫn sớm gia hạn hợp đồng với ông Park.

Đâu là nguyên nhân dẫn đến những tranh cãi liên quan đến VSF? Những bài báo đầu tiên đưa tin về lễ mừng công của đội tuyển bắn súng Việt Nam có dẫn phát biểu từ Chủ tịch VSF Đỗ Văn Bình. Ở đó, ông Bình đã gửi lời cảm ơn đến "Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia, các chuyên gia, HLV và VĐV". Ở đây, chuyên gia và HLV chính là ông Park. Ông không hề bị lãng quên.

Vậy câu chuyện HLV Park Chung-gun bị bỏ quên đến từ đâu? Mọi thứ có lẽ bắt nguồn từ một dòng trạng thái trên trang cá nhân của bà Nguyễn Thị Nhung, cựu HLV trưởng đội tuyển bắn súng quốc gia. Không lâu sau khi lễ mừng công khép lại, bà đăng một số tấm hình chụp HLV Park trên trang cá nhân kèm lời chia sẻ: "Chúng tôi nợ thầy một lời xin lỗi".

"Sau những thành công mà thầy Park Chung-gun mang đến cho bắn súng và thể thao Việt Nam, hôm nay, thầy được mời đến dự buổi trao thưởng dành cho các VĐV, HLV của VSF. Thầy đến để chứng kiến sự tung hô dành cho các VĐV, HLV, những học trò mà thầy đã và đang dẫn dắt. Còn thầy thì không (nhận được) 1 lời cảm ơn, không một bó hoa từ VSF", bà Nhung viết.

Trong trường hợp những lời chia sẻ của cựu HLV trưởng đội tuyển bắn súng quốc gia là sự thật, ta có thể thấy một điều: VSF có một phần trách nhiệm. Họ không ứng xử khéo trong buổi lễ mừng công dành cho đội tuyển quốc gia. Dường như chỉ có mình HLV Park không được tặng hoa, và ông cũng không được nêu bật lên trong một vài khoảnh khắc của buổi lễ.

Một câu chuyện vốn bị hiểu lầm, nay càng được đẩy lên cao trào giữa bối cảnh HLV Park Chung-gun sẽ hết hạn hợp đồng với đội tuyển bắn súng Việt Nam vào ngày 31/10. Nếu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch không trực tiếp vào cuộc xử lý, mọi thứ hẳn sẽ còn đi xa hơn. Bởi, sự việc xung quanh HLV Park chỉ là ngọn gió làm thổi bùng lên đống lửa mâu thuẫn vốn cháy âm ỉ trong lòng VSF.

Sóng ngầm ở Liên đoàn Bắn súng

Đầu tháng 6/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Tổng cục Thể dục Thể thao (khi đó chưa chính thức xuống thành đơn vị cấp Cục) tổ chức một "Hội nghị Diên Hồng". Khách mời trong hội nghị đó là đại diện các liên đoàn, hiệp hội thể thao. Họ được mời đến để đưa ra những góp ý, kiến nghị xung quanh công tác phối hợp, thực hiện công việc giữa các liên đoàn và Tổng cục TDTT.

Số lượng các đơn vị phản ánh gặp khó khăn trong công tác phối hợp cùng cán bộ chuyên trách của Tổng cục TDTT, ở hội nghị này, cao một cách bất thường. Điều đó cho thấy, không ít liên đoàn thể thao quốc gia có tồn tại bất đồng trong công việc với đại diện từ Tổng cục (nay là Cục). VSF cũng không phải ngoại lệ, khi mâu thuẫn giữa đôi bên bùng lên 1 năm trước.

Sau SEA Games 31, HLV Nguyễn Thị Nhung nghỉ hưu và chính thức chia tay đội tuyển bắn súng quốc gia. Ba tuần sau đó, VSF tiến hành họp Đại hội nhiệm kỳ 7. Bà Nhung, người vốn đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VSF nhiệm kỳ 6, không có tên trong danh sách ủy viên ban chấp hành nhiệm kỳ mới. HLV Hoàng Xuân Vinh cũng không có tên, do ông cũng xin rút lui.

Chia sẻ với truyền thông, HLV Nguyễn Thị Nhung và Hoàng Xuân Vinh cho biết, họ chủ động xin rút khỏi VSF do muốn dành thời gian nhiều hơn cho gia đình. Tuy nhiên, một vài ủy viên thường vụ VSF nhiệm kỳ trước lại cung cấp một câu chuyện khác. Bên lề Đại hội, họ tiết lộ HLV Nguyễn Thị Nhung có nhiều mâu thuẫn với các cán bộ cấp cao của VSF nhiệm kỳ 6.

Từ mâu thuẫn trong công việc, xung khắc giữa các bên trong lòng VSF dần trở thành mâu thuẫn cá nhân. Ban đầu, việc HLV Nguyễn Thị Nhung và Hoàng Xuân Vinh không xuất hiện trong Ban Chấp hành VSF nhiệm kỳ 7 được xem như mất mát có thể ảnh hưởng đến thành tích của bắn súng Việt Nam trong tương lai. Nhưng cuối cùng, thành tích của đội tuyển vẫn được đảm bảo, thậm chí có phần hơn.

Câu chuyện từ những sự cố vừa qua của VSF một lần nữa cho thấy mâu thuẫn nội bộ giữa những người làm chuyên môn của một môn thể thao. Nếu tất cả có thể nhìn vào một mục tiêu chung, những mâu thuẫn sẽ không bao giờ xảy đến. Nhưng đoàn kết, có lẽ, vẫn chỉ là một đích đến trong tương lai.

Du đấu bằng kinh phí xã hội hóa

Trong danh sách các thành viên đội tuyển bắn súng Việt Nam dự giải vô địch châu Á vào tháng 10/2023 tại Hàn Quốc, chỉ có 9 người thi đấu bằng nguồn kinh phí của Cục Thể dục Thể thao. 15 VĐV khác đi cùng đội tuyển bằng nguồn kinh phí được đơn vị, địa phương trực tiếp đứng ra chi trả. Đặc biệt nhất, 2 xạ thủ Hà Minh Thành và Phí Thanh Thảo được một doanh nghiệp tài trợ.

Ở thời điểm hiện tại, Minh Thành và Thanh Thảo là những VĐV thuộc đơn vị Quân đội. Việc họ tham dự giải vô địch châu Á theo diện được doanh nghiệp tài trợ cho thấy bắn súng Việt Nam đã bước đầu đi theo con đường xã hội hóa, không phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn ngân sách nhà nước như trước. Đây cũng là xu thế chung của thể thao quốc tế trong những năm qua.

Một trong những điểm khó khăn của bắn súng khi thực hiện xã hội hóa là bởi, đây là môn thuần thể thao thành tích cao. Các hoạt động liên quan đến xây dựng hình ảnh và quảng bá truyền thông còn rất hạn chế. Cách duy nhất để huy động các doanh nghiệp đồng hành vào lúc này là quảng bá theo hình ảnh, thành tích của VĐV tại đấu trường quốc tế.

An Khánh
.
.
.