Chuyện chỉ tiêu của thể thao Việt Nam tại SEA Games 32

Thứ Tư, 29/03/2023, 06:58

Tổng cụ Thể dục Thể thao đã đặt mục tiêu giành ít nhất 100 Huy chương Vàng và Top 3 tại SEA Games 32. Đây là mục tiêu giảm đi đáng kể so với thành tích đã giành được ở SEA Games 31.

Cụ thể, tại SEA Games 31, đoàn thể thao Việt Nam đã giành thành tích ấn tượng với 205 Huy chương Vàng, xếp thứ nhất toàn đoàn, bỏ xa đoàn xếp thứ 2 là Thái Lan (92 Huy chương Vàng). Trước thềm đại hội, mục tiêu ngành thể thao đặt ra chỉ là 140 Huy chương Vàng.

Chuyện chỉ tiêu của thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 -0
Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31. Ảnh: HN

Theo lý giải của Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 31- ông Trần Đức Phấn thời điểm đó là vì: “Bất ngờ là nhiều vận động viên ở nhiều môn trước đây không được dự SEA Games đã thi đấu nỗ lực để có thành tích. Trước đó ở SEA Games 30, boxing, đua thuyền có rất ít nội dung được thi đấu, ngay vovinam muốn đưa vào Philippines cũng chỉ cho thi 4 nội dung. Vận động viên tôi ấn tượng nhất SEA Games chính là Lương Đức Phước - Huy chương Vàng chạy 1.500m”.

Thành tích cao là vậy, nhưng cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, có nhiều môn là thế mạnh của thể thao Việt Nam đều có các nội dung tại SEA Games 31. Nhưng có một nghịch lý được đưa ra rằng, thể thao Việt Nam chỉ đặt chỉ tiêu 3-5 Huy chương Vàng ở ASIAD 19. “Thể thao Việt Nam, SEA Games thì hoành tráng nhưng đi ASIAD, Olympic thì thua Thái Lan, Indonesia, Philippines... Lý do bởi các nước đầu tư mạnh, trọng điểm cho thể thao từ rất lâu rồi. Nếu thể thao Việt Nam không thay đổi cách đầu tư thì rất khó để vươn trình độ ở ASIAD, Olympic”, ông Trần Đức Phấn lý giải.

Nhìn vào thực tế, các kỳ SEA Games trước đây, thể thao Việt Nam chỉ chiếm vị trí thứ 3 toàn đoàn. SEA Games 31 trên sân nhà là một sự đột biến. Không thể căn cứ vào thành tích đó để áp dụng chỉ tiêu cho các kỳ sau được. Do đó mà tại SEA Games 32, mục tiêu mà đoàn thể thao Việt Nam hướng đến chỉ là giành ít nhất 100 Huy chương Vàng và nằm trong top 3.

Trao đổi với báo chí ngày 28.3, Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao – ông Đặng Hà Việt nói rằng: “Việt Nam dự SEA Games 32 với hơn 1.000 thành viên, gồm vận động viên, huấn luyện viên, chuyên gia, cán bộ. Trong tuần này Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ ra quyết định thành lập đoàn.

Mục tiêu của đoàn thể thao Việt Nam là giành hơn 100 Huy chương Vàng, đứng trong tốp 3 SEA Games 32. Tuy nhiên, yêu cầu của lãnh đạo bộ là phải đứng số 1, nên việc này sẽ vô cùng khó khăn.

Lý do bởi chủ nhà Campuchia đã cắt giảm nhiều môn thi thế mạnh của Việt Nam như bắn súng, bắn cung... Vì vậy đoàn thể thao Việt Nam sẽ mất đi từ 50 - 60 Huy chương Vàng tại đại hội. Trong khi đó Campuchia cũng đưa nhiều môn võ truyền thống mang đậm tính văn hóa của nước bạn vào SEA Games 32”.

Việc đua tranh vị trí số 1 thực sự khó khăn nếu căn cứ vào thực lực của thể thao Việt Nam so với các nước khu vực. Thái Lan vẫn là đối trọng lớn nhất. Thế nên, rõ ràng, ngành thể thao đã biết xác định rõ mục tiêu vừa sức. Bên cạnh đó, cũng cần coi SEA Games là bàn đạp để phát triển các môn Olympic thay vì đua tranh huy chương. Theo điều lệ của Liên đoàn thể thao Đông Nam Á quy định môn thi đấu SEA Games: Nhóm thứ nhất có 2 nội dung bắt buộc, bao gồm: Điền kinh và các môn thể thao dưới nước (bơi, nhảy cầu, bơi nghệ thuật); nhóm thứ hai là tổ chức tối thiểu 4 trong tổng số 28 môn của Olympic (Thể dục dụng cụ, đua thuyền, bắn súng,...); nhóm thứ ba là các bộ môn phát triển ở Đông Nam Á, tùy từng kỳ đại hội có thể từ 2 đến 8 môn (bi sắt, vovinam,...).

Như ông Trần Đức Phấn từng chia sẻ, về lâu dài, đó có thể là tiền đề để  SEA Games có thể biến thành ASIAD, Olympic thu nhỏ. Các quốc gia trong khu vực sẽ đầu tư đúng hướng vào thể thao đỉnh cao nhằm bám đuổi thành tích của thể thao thế giới. Nhưng thực tế, câu chuyện thành tích vẫn là bài toán đau đầu cho ngành thể thao.

Chúng ta từng có Ánh Viên thành công rực rỡ ở SEA Games nhưng lại không thể nâng tầm ở châu lục và Olympic. Đây vẫn là bài học lớn mà lúc này, ngành thể thao cần có những đánh giá và đầu tư kĩ lưỡng cho các vận động viên trọng điểm. Chuyện chỉ tiêu của đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 sẽ chẳng có gì đáng bàn nếu như vẫn giữ nguyên vị trí top 3. Nhưng nếu đặt cao hơn vô tình sẽ là áp lực và sau đó sẽ tạo sức ép lớn.

AFF tìm quốc gia đăng cai giải U23 Đông Nam Á

Theo tờ SMM, AFF  muốn Thái Lan hoặc Việt Nam đăng cai giải U23 Đông Nam Á. Họ đã thông báo vấn đề này cho Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT). Họ muốn Thái Lan hoặc Việt Nam sẽ làm chủ nhà của giải đấu này. Sau khi có địa điểm tổ chức, họ sẽ xác định thời gian thi đấu chính thức.

“AFF năm nay muốn tổ chức một giải bóng đá dành cho lứa tuổi dưới 23 trong năm nay. AFF đang trong quá trình xác định ngày và địa điểm thi đấu, với mục tiêu muốn Thái Lan hoặc Việt Nam là chủ nhà. Nếu Thái Lan đăng cai giải đấu sẽ có một số vấn đề. Theo lịch của AFF, giải đấu sẽ diễn ra vào tháng 8 hoặc tháng 11. Vào thời gian này, giải đấu sẽ rất khó để sử dụng các sân bóng của các đội Thai League. Tuần này, AFF sẽ đi kiểm tra các sân trước khi đưa ra lịch trình tổ chức giải đấu.

"Chúng tôi sẽ đề xuất xem liệu các sân bóng nhỏ của các đội hạng dưới có thể tổ chức thi đấu hay không?” - Tổng Thư ký FAT Pathit Suphaphong cho biết. Những phát biểu của quan chức FAT cho thấy, Thái Lan có ý định tổ chức giải U23 Đông Nam Á 2023. Trong năm 2023, lứa cầu thủ U22/U23 của các đội trong khu vực sẽ tham dự nhiều giải đấu từ SEA Games 32, ASIAD cho đến vòng loại U23 châu Á 2024. Vì thế, việc có một giải đấu giữa các đội trong khu vực sẽ rất hữu ích.

Giải U23 Đông Nam Á được AFF tổ chức năm 2005, nơi Thái Lan lần đầu đăng quang. Mãi đến năm 2019, nó mới được khôi phục, với việc Indonesia vô địch trên đất Campuchia. Năm 2022, giải đấu cũng được tổ chức tại Campuchia, nơi U23 Việt Nam thắng U23 Thái Lan 1-0 ở trận chung kết để có lần đầu đăng quang.

Hưng Hà
.
.
.