Chung tay đưa cổ vật hồi hương

Thứ Ba, 14/02/2023, 08:59

Những biến động lịch sử đã khiến rất nhiều cổ vật quý của Việt Nam, trong đó có cổ vật triều Nguyễn,“chảy máu” ra nước ngoài bằng nhiều con đường khác nhau. Việc đưa các cổ vật về nước rất gian nan… Thế nhưng, thời gian qua, với sự chung tay của cơ quan Nhà nước các cấp, doanh nghiệp và những tấm lòng hảo tâm, nhiều cổ vật Việt quý hiếm đã được hồi hương về Việt Nam.

Một tin vui đối với các nhà nghiên cứu, sưu tầm cổ vật và người dân Việt Nam, nhất là người dân Cố đô Huế khi mới đây, ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” đã được một nhà sưu tập tư nhân ở Bắc Ninh mua của Công ty đấu giá Millon (Pháp). Hiện, các cơ quan chức năng đang làm thủ tục để đưa cổ vật hồi hương, dự kiến vào cuối tháng 4 này nhằm đảm bảo quy định pháp luật của 2 nước.

Chung tay đưa cổ vật hồi hương -0
Khách tham quan hai cổ vật được hiến tặng qua đấu giá thành công ở nước ngoài gồm Mũ quan đại thần và Áo Nhật Bình cung tần triều Nguyễn tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.

Trước đó, cuối tháng 10/2022, thông tin về việc hãng đấu giá Millon (Pháp) đưa ra đấu giá hai cổ vật liên quan vương triều Nguyễn của Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của dư luận trong và ngoài nước. Đó là kim ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” được chế tác dưới triều Hoàng đế Minh Mạng với giá khởi điểm từ 2-3 triệu Euro và bát vàng của Vua Khải Định với giá khởi điểm 20.000-25.000 Euro. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử, dưới triều Nguyễn có hơn 100 chiếc ấn được đúc nhưng ấn “Hoàng đế chi bảo” được coi là chiếc ấn lớn nhất, đẹp nhất và quan trọng nhất, là biểu tượng quyền lực của các vua nhà Nguyễn. Đây còn là một cổ vật mang những giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử của Việt Nam trong giai đoạn cận - hiện đại.

Ấn vàng này được truyền từ đời vua Minh Mạng đến vị vua cuối cùng nhà Nguyễn là Bảo Đại. Sau đó, vua Bảo Đại bàn giao cho chính quyền cách mạng trong lễ thoái vị ngày 30/8/1945 tại Ngọ môn Huế, rồi đưa ra Hà Nội. Tuy nhiên, cuối năm 1946 khi Pháp quay trở lại Việt Nam và đưa quân vào Hà Nội, bộ ấn kiếm đã bị thất lạc và rơi vào tay người Pháp. Đến ngày 8/3/1952, Pháp tổ chức nghi lễ trao lại ấn - kiếm cho Bảo Đại tại TP Đà Lạt. Bộ ấn kiếm sau đó được thứ phi Bùi Mộng Điệp mang sang Pháp cho gia đình Bảo Đại từ đó đến nay.

Liên quan đến việc Công ty Millon thông báo đấu giá ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”, trước đó, vào tháng 10/2022, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị đồng ý chủ trương cho phép xã hội hóa để hồi hương ấn vàng… Theo ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích (BTDT) cố đô Huế, sau khi triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam kết thúc, việc quản lý tại các cơ sở di tích triều Nguyễn trở nên lỏng lẻo.

Trải qua nhiều biến động lịch sử, nhất là ngày kinh đô Huế thất thủ (5/7/1885) và giai đoạn chiến tranh năm 1945-1947, 1968 và 1975; rất nhiều món đồ quý hiếm trong hoàng cung bị thất tán khắp nơi, trong đó có một số lượng lớn bị cướp đoạt và đem ra nước ngoài. “Do tính chất đa dạng của các hoạt động trong hoàng cung, khác nhau về đối tượng sở hữu và phức tạp trong quá trình quản lý qua các thời kỳ lịch sử nên không có cơ sở để thống kê con số chính xác về cổ vật triều Nguyễn lưu lạc ở nước ngoài”, ông Hoàng Việt Trung nói.

Những năm gần đây, nhiều cổ vật triều Nguyễn được đưa ra đấu giá ở “trời Tây” nhưng sau đó với sự chung tay của các cấp Nhà nước, các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, đã có nhiều cổ vật được hồi hương về Việt Nam. Trong số những cổ vật triều Nguyễn trưng bày tại khu vực cung Diên Thọ (Đại nội Huế), du khách đặc biệt chú ý đến chiếc xe kéo được làm bằng gỗ khảm trai. Đây là chiếc xe do Vua Thành Thái đặt làm tặng mẹ là Hoàng thái hậu Từ Minh. Đây là một trong số cổ vật triều Nguyễn được đưa hồi hương sau khi trúng đấu giá ở nước ngoài. Giữa năm 2014, Trung tâm BTDT cố đô Huế nhận được thông tin về việc chiếc xe kéo trên cùng với chiếc long sàng thuộc Hoàng cung triều Nguyễn sắp được tổ chức đấu giá tại Pháp.

Trên cơ sở đề xuất của Trung tâm BTDT cố đô Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế duyệt chi 50.000USD (tương đương 33.000 Euro) để tham gia đấu giá hai cổ vật. Đại diện cho tỉnh Thừa Thiên-Huế trực tiếp tham gia đấu giá là cán bộ Đại sứ quán Việt Nam và một số Việt kiều tại Pháp. Tại phiên đấu giá, chiếc long sàng được đẩy từ giá khởi điểm 1.000 Euro lên tới 124.000 Euro gồm cả chi phí nên phía Thừa Thiên-Huế đành phải… dừng lại. Còn chiếc xe kéo có giá khởi điểm 2.000 Euro được đẩy lên 44.000 Euro, phía Thừa Thiên-Huế trả 45.000 Euro và trúng đấu giá. Tỉnh quyết mua bằng được cổ vật này là do đây là hiện vật độc bản, rất có giá trị về lịch sử văn hóa.

Tuy nhiên, kinh phí được duyệt chi cho đấu giá không đủ nên tỉnh đã nhờ đến sự hỗ trợ của Việt kiều tại Pháp và các nhà hảo tâm trong nước. Mặc dù đã đấu giá thành công nhưng việc đưa cổ vật về nước gặp khó khăn do bị Bảo tàng Nghệ thuật châu Á Guimet của Pháp tranh chấp. Phía bảo tàng này tuyên bố rằng nhà nước Pháp đã đề nghị mua chiếc xe này với mức giá trên bằng “quyền ưu tiên”. Cuối cùng, phải nhờ đến sự can thiệp của Bộ Ngoại giao, Bộ VH-TT&DL, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp thì tỉnh Thừa Thiên-Huế mới thắng trong cuộc này. Ngày 25/4/2015, chiếc xe kéo được đưa về Hoàng cung Huế sau hơn 100 năm lưu lạc ở “trời Tây”.

Hay cuối năm 2021, hai cổ vật triều Nguyễn được đưa ra đấu giá tại Tây Ban Nha là mũ quan thời Nguyễn được chế tác trong khoảng cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 và áo Nhật Bình chất liệu lụa thêu được chế tác trong khoảng thế kỷ 19. Chiếc mũ quan có giá hơn 600.000 Euro, gấp 1.000 lần giá khởi điểm và chiếc áo dài Nhật Bình có giá hơn 160.000 Euro. Mức giá của hai cổ vật này chưa kể 25% thuế và các loại phí khác.

Tỉnh Thừa Thiên-Huế đã không có kinh phí để mua nhưng may mắn sau đó hai cổ vật quý giá này đã được một Tập đoàn mua và xin hiến tặng cho tỉnh Thừa Thiên-Huế với mục đích bảo quản, lưu giữ và trưng bày. Bên cạnh đó, thời gian qua, nhiều cổ vật thời Nguyễn đã được đưa từ nước ngoài về Việt Nam như: bộ trang phục áo quần của quan văn hàm ngũ phẩm thời Nguyễn, 2 ngà voi và 1 đế gỗ sơn son thếp ngũ sắc, ngự chế thi của vua Minh Mạng, giấy quy y của vua Bảo Đại…

Theo TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, cổ vật của mỗi quốc gia cần phải trở về nơi nó sinh ra thì mới có điều kiện để tỏa sáng. Việt Nam là một quốc gia được thế giới ngợi ca về bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa thì việc đưa cổ vật hồi hương có vai trò vô cùng quan trọng, là một động lực để phát triển.

Hải Lan
.
.
.