Chưa giải quyết việc nhỏ, khó nói chuyện Olympic

Thứ Năm, 22/08/2024, 07:40

Đây là giai đoạn phía Cục TDTT cũng như nhiều đơn vị có VĐV tham dự  báo cáo về kết quả thi đấu tại Olympic Paris 2024 với cấp trên để quan trọng nhất là rút ra bài học, định hướng giải quyết. Nhưng quan trọng nhất là có những câu chuyện tưởng nhỏ mà không giải quyết triệt để thì khó nói chuyện giành huy chương ổn định ở Olympic hay ASIAD.

Thiếu đủ thứ

Sẽ dễ dàng để đánh giá rằng Đoàn Thể thao Việt Nam không đáp ứng kỳ vọng tại Olympic 2024 dù người trong nghề hiểu rằng với con người, tiềm lực cơ sở vật chất, khả năng ứng dụng thành tựu y học thể thao cùng các điều kiện khác, thể thao Việt Nam đang tụt hậu so với nhiều nước ngay trong khu vực Đông Nam Á. Vậy nên Đoàn Thể thao Việt Nam mới không dám đặt chỉ tiêu giành huy chương tại Olympic 2024.

Câu chuyện thiếu đủ thứ này đã được nhắc đến từ nhiều năm nay nhưng xới lên rồi lại để đó. Thế nên, dù có con người đáp ứng yêu cầu về tố chất để có thể cạnh tranh tấm huy chương Olympic thì thể thao Việt Nam vẫn chông chênh trong việc thực hiện mục tiêu.

b%3fn cung.jpeg -0
Các VĐV đội tuyển bắn cung tập luyện tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội.

Nếu lấy các Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia để cho thấy sự quan tâm tới thể thao thành tích cao của ngành Thể thao thì có thể lấy Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội làm ví dụ. Nơi đây thường tập trung đông nhất các đội tuyển với nhiều VĐV trọng điểm. Cho đến nay các HLV, VĐV đang tập huấn tại đây và cả các nhà quản lý vẫn khắc khoải về những hệ thống phòng hồi phục sức khỏe sau tập luyện hay một phòng tập thể lực hiện đại, rộng rãi. Thực tế, Trung tâm cũng đã được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trong đó có trường bắn bia điện tử vào ít năm trước. Nhưng rõ ràng sự quan tâm ấy chưa thể đáp ứng kỳ vọng của người làm nghề.

Với họ, chỉ cần có hệ thống phòng hồi phục sức khỏe sau tập luyện cũng đã tốt lắm rồi nhưng đến lúc này vẫn chỉ là chuyện trong mơ. Người trong nghề đều ý thức được tầm quan trọng của việc này bởi sự hồi phục của cơ thể quyết định đáng kể đến chất lượng tập luyện những buổi sau và cả quá trình thi đấu sau này của VĐV. Rồi việc sau tập luyện căng thẳng được các nhân viên vật lý trị liệu hỗ trợ, chế độ dinh dưỡng được áp dụng theo đặc thù từng môn cũng là câu chuyện xa xỉ. Có nhiều cái khó mà chính Trung tâm không thể giải quyết do thiếu cơ chế, nguồn lực và có cả những việc khác ngoài tầm kiểm soát.

Nhưng cuối cùng, chính VĐV vẫn bị ảnh hưởng nhiều nhất. Nhiều người vẫn tiếc nuối về trường hợp đô cử Trịnh Văn Vinh tại Olympic vừa rồi ở Paris. Đúng là tiếc vì như người trong nghề lý giải, nếu Trịnh Văn Vinh di chuyển thẳng từ nơi tập huấn tại Trung Quốc sang Pháp thì có lẽ thành tích sẽ tốt hơn. Đơn giản, điều kiện tập huấn tại Trung Quốc với điều kiện dinh dưỡng, hồi phục sau tập luyện tốt hơn hẳn so với Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia tại Hà Nội sẽ giúp đô cử này giữ được phong độ tốt nhất. Còn khi về Việt Nam tới nửa tháng với điều kiện tập luyện, dinh dưỡng, y tế... thua xa điểm tập huấn ở Trung Quốc, rồi mới sang Pháp dự Olympic thì những tích lũy trong chuyến tập huấn ở Trung Quốc cũng suy giảm ít nhiều.

Trong khi đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vẫn là một trong những bộ có tỷ lệ giải ngân đầu tư công thấp trong những năm qua nhưng sự đầu tư cơ sở vật chất cho các đơn vị trong ngành lại hạn chế. Đấy mới là điều đáng suy ngẫm thay vì quy kết hết trách nhiệm cho Đoàn thể thao Việt Nam mỗi khi không đạt mục tiêu chuyên môn tại các kỳ Olympic hay ASIAD.

Thể thao “cơm hộp”

Cũng phải kể đến thêm việc đào tạo VĐV ở các địa phương, những nơi được coi là nguồn cung cấp VĐV cho các đội tuyển quốc gia. Điển hình như ở Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội – một trong những đầu tàu về đào tạo VĐV thể thao thành tích cao cả nước.

Cách đây ít ngày, người ta biết nhiều đến câu chuyện về hàng loạt máy tập thể lực tại CLB đua thuyền ở Trung tâm được đầu tư từ năm 2003 đến nay đã hỏng và không được đầu tư mới, dẫn đến VĐV phải tập chung máy với đội Thái Bình – mang lên Trung tâm để tập cùng. Câu chuyện thực sự chua chát, phần nào lý giải cho việc thành tích của các VĐV ở nhiều môn tại Trung tâm đang chựng lại trong những năm gần đây. Lý do không thể trang bị mua mới cũng liên quan đến cơ chế về đấu thầu, mua sắm trang thiết bị mà ngay chính Trung tâm cũng không thể tự mình giải quyết. Nhưng rõ ràng, VĐV vẫn bị chịu ảnh hưởng nhiều nhất.

Không kể tại Trung tâm, từ khoảng 2 năm nay, do chưa tìm được đơn vị đấu thầu bếp ăn dẫn đến các đội phải tự xử lý vấn đề dinh dưỡng cho VĐV bằng nhiều cách, từ thuê nấu, đặt suất ăn tại một cơ sở kinh doanh ăn uống rồi đưa VĐV ra ăn từng bữa hoặc phổ biến là đặt suất từ cơ sở rồi chở các suất cơm hộp về cho VĐV. Với cách xử lý mang tính tàm tạm như vậy thì khó có thể nói chuyện làm thể thao thành tích cao. Không kể, ở Trung tâm có khoảng 3.000 VĐV nhưng số bác sĩ, nhân viên y tế cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay do lương thấp, việc nhiều. Hệ thống phòng hồi phục sau tập luyện, phòng tập thể lực cũng không có dù vấn đề này đã được đặt ra từ cách đây cả chục năm.

Trong khi ấy, câu chuyện đi tập huấn, thi đấu nước ngoài cũng là nỗi đau đáu của các HLV, VĐV Hà Nội. Nhìn sang các tỉnh, thành khác thấy HLV, VĐV được giải quyết thủ tục đi thi đấu, tập huấn nước ngoài chỉ trong vòng nửa tháng, thậm chí trong chưa đầy một tuần, họ cũng không khỏi chạnh lòng. Nguyên do là việc hoàn thành thủ tục đi tập huấn, thi đấu nước ngoài của HLV, VĐV Hà Nội bị đánh giá là chậm trễ, lằng nhằng, với nhiều khâu bước, dẫn đến mất khoảng 45 ngày – 60 ngày là bình thường. Trong khi ấy, cải cách thủ tục hành chính vẫn là điều được thành phố đề cập. Nhiều HLV, VĐV vừa thích, vừa ngại khi nghĩ đến việc tập huấn, thi đấu nước ngoài cũng vì vậy. Và cũng vì vậy, nhiều bộ môn cũng không thể chiêu mộ được VĐV tài năng từ tỉnh, thành khác chỉ vì không thể bảo đảm cho VĐV đó đi tập huấn, thi đấu nước ngoài liên tục.

Thế nên, dù thể thao Hà Nội vẫn giữ chân và thu hút được một số chuyên gia nước ngoài giỏi, một phần nhờ mối quan hệ quốc tế tốt của các Trưởng bộ môn cũng như lãnh đạo Trung tâm, nhưng hàng loạt vấn đề cũng khiến việc đào tạo, cung cấp VĐV cho các đội tuyển quốc gia bị ảnh hưởng.

Cho nên, biết vấn đề là cũ nhưng không sớm giải quyết thì thể thao Việt Nam nói chung và các địa phương nói chung vẫn khó ra khỏi vòng luẩn quẩn khi VĐV thiếu quá nhiều điều kiện để vươn tới đỉnh cao nhất của họ.

Mong có nhiều mô hình như PVF

Trong làng thể thao Việt Nam hiện nay, mô hình của Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam (PVF) đang được xem là hình mẫu. Bởi ở đây có đầy đủ hệ thống phòng hồi phục sau tập luyện cho VĐV, có đội ngũ bác sĩ, nhân viên vật lý trị liệu để hỗ trợ tối đa cho VĐV. Không ngẫu nhiên khi Trung tâm luôn đón nhận đông đảo các đội bóng đến tập luyện. Và với hiệu quả của mô hình này, cần thiết phải nhân rộng để nâng hiệu quả đào tạo dù biết rằng thực sự tốn kém trong đầu tư. (Minh Khuê)

Minh Hà
.
.
.