Cần chấn chỉnh hoạt động lộn xộn ở một số lễ hội

Chó, mèo, bê... xảo thuật thành đặc sản thú rừng!

Thứ Hai, 06/02/2023, 08:25

Hàng quán vây kín cổng chùa, hoạt động như một khu “chợ” nhộn nhịp, thậm chí còn rao bán “thịt thú rừng” giả trong khu di tích, làm mất đi vẻ tôn nghiêm, linh thiêng nơi cửa phật. Nhiều nơi, ăn uống xả rác bữa bãi, thức ăn chín “lộ thiên” giữa đường đi lối lại, mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thịt bê đội lốt thịt hoẵng

Với hàng vạn lượt khách về chùa Hương mỗi ngày, nên ngay từ đền Trình, vào đến bến Trò, hàng quán mọc như nêm để phục vụ khách hành hương. Nhiều du khách tới chùa Hương đã dừng chân ở khu vực bến Trò để thưởng thức “thịt thú rừng” và nhiều người phải “trả giá đắt” khi ăn phải thịt thú rừng rởm. Khu chợ “thịt thú rừng” sầm uất tại các nhà hàng, quán ăn ven đường.

Theo Ban tổ chức, ở đây có gần 30 nhà hàng, quán ăn kinh doanh ăn uống phục vụ du khách. Mặc dù không treo biển, nhưng hầu như nhà hàng, quán ăn nào cũng bày bán nhiều loại “thịt thú rừng” được quảng cáo gồm hươu, nai, hoẵng, nhím, chồn hương… Chủ hàng đều chào mời đây là “thịt thú rừng”, thậm chí còn đưa cho khách cả chiếc lông nhím để chứng tỏ thịt thú rừng “xịn”.

Theo một chủ nhà hàng, thịt hươu, hoẵng có giá 800 nghìn đồng/kg, chồn hương 850 nghìn/kg, nai 700 nghìn/kg, nhím 500 nghìn/kg. Ngoài bày nhím và chồn hương quay còn nguyên con, “thịt thú rừng” hoẵng, nai thì chủ hàng xẻ đùi bán, hoặc thái mỏng để trong các khay cho khách lựa chọn.

chùa-hương-9.jpg -0
Thịt thú rừng giả bán ở chùa Hương.

Dù chỉ số ít “thịt thú rừng” bày trong tủ kính, còn lại đều “phơi” ngay đường đi không che đậy, song khách vào ăn đông nườm nượp. Anh Nguyễn Văn Hoàng (Thái Bình) cùng nhóm bạn đến chùa Hương cho biết: “5 anh em gọi một mâm thịt thú rừng hết 3 triệu. Họ bảo thịt nai với hoẵng thì biết thế, chứ có tận mắt thấy con sống làm thịt đâu”.

Quả thật, nếu quan sát kỹ, thịt thú rừng ở đây không hề có đầu hay đuôi, nên khách hàng khó mà phân biệt được nó là con gì khi đã được thui chín. Đại diện Ban Quản lý Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội khẳng định: “Không có thịt thú rừng bán ở chùa Hương. Cầy hương là thỏ cắt tai, thui chín. Nhím là nhím nuôi, không có hươu, nai. Còn thịt hoẵng thực chất là bê con giả. Chủ hàng quảng cáo thịt thú rừng để hấp dẫn thực khách, chứ chúng tôi kiểm tra thì họ bảo là thịt bê”.  

Hàng ăn vây kín, mất an toàn thực phẩm

Tại nhiều lễ hội, đền chùa trong những ngày đầu xuân, hình ảnh dễ thấy nhất là hàng quán bủa vây, nhiều nơi còn mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Có mặt tại chùa Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh sau ngày khai hội, ngay từ đường vào là  hàng quán tràn ngập. Thấy khách, chủ quán và nhân viên thi nhau mời chào, vẫy vào  các bãi gửi xe tự phát. Đến chùa, hàng quán vây kín hai bên cổng vào tận trong sân. Từ hàng ăn “phơi” lộ thiên ngay đường đi, đến hàng thú nhồi bồng, đồ chơi trẻ em các loại, hàng lưu niệm, nước giải khát, đồ gia dụng, vàng mã… vây kín.

Chị Nguyễn Minh Hương (Hà Nội) đến chùa Phật Tích cầu an cho biết: “Tôi bị “choáng” khi thấy từ cửa chùa rồi dọc đường lên tượng và tháp chỉ thấy hàng quán và hàng quán, nhiều vô kể. Từ tượng sang tháp chỉ thấy hàng quán bán đồ lưu niệm, đồ giải khát, trải bạt cho thuê chỗ ngồi, ăn uống và xả rác. Tôi không còn cảm giác là mình đang đi chùa. Hàng quán quá nhiều đã làm mất đi vẻ tôn nghiêm, thanh tịch nơi cửa Phật”.

Giống nhu chị Hương, nhiều khách đến đây cũng ngỡ ngàng bởi hàng quán quá nhiều, họ có cảm tưởng như đi vào hội chợ hơn là đến lễ chùa. Ngay cổng chùa là quán nướng đủ món, khói toả ra xung quanh; rồi hàng bắp ngô nướng để bệt ở dưới nền đất, vỏ lá vứt ngổn ngang… Các cặp đôi ôm những con thú nhồi bông vừa mua đi vãn cảnh.

Tương tự, ở khu vực bến Trò (chùa Hương) là cảnh hàng quán tấp nập, kinh doanh như khu chợ, từ thức ăn sống, chín, đến quần áo, giày dép “đại hạ giá”, đồ lưu niệm… Nhiều nhất phải kể tới hàng ăn, những sạp thức ăn chín bày đầy ven đường không che đậy, không có bàn cao, không có tủ kính theo quy định của thức ăn đường phố. Từ khoai, sắn, đến thức ăn nhanh như xúc xích, thịt xiên nướng các loại, bánh rán… bày bán ngay cạnh đường đi bụi bẩn. Thực khách vô tư ăn uống, chủ hàng vừa nướng vừa mời chào khách. Hàng ăn kéo dài đến khu vực sân động Thiên Trù, du khách đến chùa Hương cũng vừa ăn vừa xả rác.

Phủ Tây Hồ là một trong những địa chỉ tâm linh thu hút rất đông người dân đến lễ cầu tài, cầu lộc trên địa bàn Thủ đô Hà Nội. Những ngày đầu năm mới, lượng người đến Phủ Tây Hồ mỗi ngày lên đến hàng nghìn người. Nhiều thời điểm, người đi lễ Phủ Tây Hồ nối đuôi nhau tuy không có cảnh chen lấn xô đẩy nhưng ai nấy cũng chỉ từ từ nhích từng chút một trong biển người từ khắp nơi đổ về. Hàng ăn như bún ốc, bánh tôm hồ Tây… tràn ngập, bán ngay ven đường vào Phủ, nhiều quán không có tủ kính che đậy.

Do lượng khách đến làm lễ đông nên nhu cầu gửi phương tiện cũng rất lớn. Đáp ứng nhu cầu này, Ban quản lý đã bố trí các bãi trông giữ xe phía bên ngoài Phủ Tây Hồ. Tuy nhiên, có rất nhiều hộ dân sinh sống tại khu vực gần khuôn viên Phủ Tây Hồ tổ chức trông xe máy tự phát với giá vé lên đến 10.000 đồng/lượt, thậm chí có những bãi đội giá lên đến 20.000 đồng/lượt. Đối với ôtô, mức trông giữ cũng bị đẩy lên 50.000 đồng/lượt mà không hề có vé. Để chèo kéo khách vào gửi xe, người dân đứng ra cả lòng đường, chào mời vẫy khách một cách lộn xộn, thậm chí còn có cả cảnh tượng chặn đầu xe, bám vào đuôi xe để mời khách.

Vào dịp đầu năm do lượng khách về lễ Phủ Tây Hồ đông đúc nên số lượng các bãi xe tự phát với giá vé “nhảy múa” lên đến cả hàng chục bãi. Mạnh ai nấy làm, bãi xe ai nấy chèo kéo nên công tác trông giữ phương tiện ở xung quanh khu vực Phủ Tây Hồ diễn ra khá lộn xộn, bát nháo.

Siết chặt quản lý, để lễ hội trở thành nơi văn hoá tâm linh

Mặc dù năm nào quận Tây Hồ cũng phối hợp với UBND phường Quảng An có kế hoạch đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm mùa lễ hội ở Phủ Tây Hồ, song tình trạng vi phạm quy định về thức ăn đường phố vẫn còn tái diễn. Nhiều người đặt câu hỏi, việc kiểm tra, chấn chỉnh các hộ kinh doanh về an toàn thực phẩm liệu có thực hiện ngay những ngày đầu xuân hay không khi ngay từ mùng 2 Tết, khách đến Phủ Tây Hồ đã đông nườm nượp và kéo dài những ngày đó.

Còn tại chùa Phật Tích, theo ông Phạm Tiến Lập, Phó Chủ tịch UBND xã Phật Tích, chùa Phật Tích chính thức mở cửa đón du khách từ ngày mùng 1 Tết. Trong những ngày mùng 4, mùng 5 Tết, mỗi ngày chùa thu hút từ 30.000 đến 40.000 du khách. Ông Lập thừa nhận có tình trạng bán hàng dọc 2 bên cánh gà trên đường vào chùa Phật Tích cũng như hàng quán trên đường lên tượng và tháp, kể cả tình trạng du khách thuê bạt trải xuống khu vực đồi thông để ăn uống.

Tuy nhiên, ông cũng cho biết, ở khu vực 2 bên cánh gà đường dọc vào chùa Phật Tích, nhà chùa tạo điều kiện cho các nhân viên bảo vệ chùa cùng gia đình được dựng các quầy bán hàng để tăng thu nhập do hoàn cảnh của họ còn khó khăn. Còn tại khu vực đồi thông, nhà chùa cũng đã từng có kế hoạch xây dựng các ki ốt để cho thuê kinh doanh dịch vụ ăn uống một cách tập trung, quy củ, tránh cảnh tạm bợ, mất mỹ quan. Tuy nhiên, do lượng khách về lễ chùa chỉ tập trung vào tháng Giêng hằng năm nên nhu cầu thuê các ki ốt không cao. Do vậy, nhiều năm qua chưa thực hiện được và vẫn còn cảnh hàng quán nhốn nháo nêu trên.

Theo đại diện Ban Quản lý Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn, thức ăn chín bày bán theo quy định phải có tủ kính, để trên bàn cao, người bán hàn phải đeo găng tay, nhưng còn nhiều hộ kinh doanh thức ăn đường phố tại chùa Hương chưa thực hiện đúng với quy định. Ban tổ chức đã thành lập 1 tổ liên ngành có đủ các lực lượng gồm: Quản lý thị trường, y tế, phòng văn hoá, UBND xã hương Sơn… đi tuyên truyền, nhắc nhở. Theo vị này, lẽ ra phải thu giữ và xử phạt, nếu chỉ tuyên truyền thì hiệu quả không cao.

Thiết nghĩ, mỗi danh thắng, địa chỉ di tích lịch sử văn hoá, cần nhất là sự trang nghiêm, thanh tịnh, để du khách đến vãn cảnh, cầu an được hưởng không gian thư thái, mà không phải chứng kiến cảnh xô bồ, nhốn nháo, có vậy mới lưu lại nét đẹp văn hoá của ngày đầu xuân.

Trần Hằng – Nguyễn Hương
.
.
.