Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ V năm 2022:

Chờ đợi thêm nhiều thử nghiệm, cách tân của nghệ sĩ sân khấu

Thứ Sáu, 18/11/2022, 08:57

Diễn ra từ 15 - 26/11 tại Hà Nội và Hải Phòng với 21 tác phẩm của 21 đơn vị sân khấu chuyên nghiệp trong nước và quốc tế, Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ V năm 2022 được kỳ vọng tạo được "cú hích" mới cho sân khấu thông qua những tìm tòi sáng tạo mang tính thử nghiệm của các nghệ sĩ trong và ngoài nước.

Nỗ lực đổi mới của những người làm sân khấu được thể hiện ngay từ lễ khai mạc Liên hoan vào tối 15/11 với thảm đỏ trải dài từ cổng Nhà hát Tuổi trẻ. Dấu ấn thử nghiệm được thể hiện ngay từ vở diễn khai mạc Liên hoan - "Antigone" của sân khấu LucTeam, một cuộc thử nghiệm đầy chất tài tử nhưng có thể sẽ gây tranh cãi của đạo diễn, NSƯT Trần Lực và nhạc sĩ Nguyễn Thanh Nam.

Chờ đợi thêm nhiều thử nghiệm, cách tân của nghệ sĩ sân khấu -0
Cảnh trong vở "Antigone" của sân khấu LucTeam - tác phẩm mở màn Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần V năm 2022.

Từ vở bi kịch nổi tiếng thế giới của tác gia Hy Lạp vĩ đại Sophocles, câu chuyện về nàng Antigone được kể trên sân khấu Việt với những dấu ấn đậm nét của sân khấu truyền thống với sự tối giản của sân khấu, ước lệ về không gian hay bóng dáng dàn đế của sân khấu Chèo, việc tận dụng tối đa hiệu quả của tiếng trống trên sân khấu Tuồng trong thể hiện tâm lý nhân vật… Có lẽ, Antigone cũng là một trong những tác phẩm sân khấu khiến không ít người xem ngạc nhiên với hình ảnh một nghệ sĩ - nhạc công biểu diễn cùng lúc nhiều nhạc cụ truyền thống nhất như trống, đàn bầu, sáo….

Theo kế hoạch dự kiến, sau Antigone, khán giả yêu sân khấu và các nghệ sĩ sẽ còn được thưởng thức rất nhiều tác phẩm hứa hẹn giàu sự thử nghiệm khác, trong đó có nhiều tác phẩm mới được dàn dựng gần đây như: Hedda Glber (Nhà hát Tuổi trẻ), Trái tim người Hà Nội (Nhà hát Kịch Hà Nội), Giác (Chi hội biểu diễn nghệ thuật Thăng Long, Hội Sân khấu Hà Nội), Thượng Thiên Thánh Mẫu (Nhà hát Cải lương Việt Nam - Liên đoàn Xiếc Việt Nam), Đối thoại âm dương (Hội Nghệ sĩ sân khấu Hải Phòng), Độc thoại đêm (Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh)…

Theo thông tin từ Ban tổ chức, đây là những tác phẩm được các đơn vị nghệ thuật đầu tư lớn về chuyên môn, là những sự sáng tạo trong việc thử nghiệm các cách làm mới mẻ, tạo nên sự hấp dẫn của vở diễn. Bên cạnh các đơn vị nghệ thuật trong nước, các đơn vị nghệ thuật quốc tế sẽ mang đến Liên hoan những vở diễn xuất sắc mang đậm dấu ấn văn hóa và nền kịch nghệ của quốc gia đó. Sự lịch lãm, sang trọng, hiện đại của nền nghệ thuật các quốc gia châu Âu sẽ được hòa quyện trong những mảng miếng đầy những giá trị bản sắc văn hóa của nền nghệ thuật các nước châu Âu, châu Á hứa hẹn mang đến cho khán giả nhiều điều thú vị tại Liên hoan lần này.

Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần V do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam chủ trì phối hợp với Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức. Theo NSND Trịnh Thị Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, đây là hoạt động chuyên môn quan trọng hàng đầu của Hội trong năm 2022. Sân khấu thử nghiệm luôn hướng tới mục đích đổi mới, khám phá, muốn trình bày sự cách tân của các tác giả, đạo diễn, diễn viên nhằm mở ra cấu trúc hình thức mới làm giàu thêm ngôn ngữ nghệ thuật sân khấu, góp phần đáp ứng thị hiếu của khán giả trong xu thế hội nhập và phát triển.

Tại Liên hoan lần này, Ban tổ chức đã nhận được 34 vở diễn của 27 nước và 21 vở diễn của 17 đơn vị nghệ thuật sân khấu trong nước đăng ký tham gia. Sau khi thẩm định nội dung và chất lượng nghệ thuật, Ban tổ chức đã mời 13 vở diễn quốc tế tham dự nhưng do một số yếu tố khách quan mà một số nước không tham dự được. 6 vở diễn của 5 nước tham dự Liên hoan lần này, bao gồm: Hàn Quốc, Ba Lan, Singapore, Italia, Pakistan. Ở trong nước có 15 vở diễn của 16 đơn vị nghệ thuật. Đây sẽ là những ngày hội nghề nghiệp của các nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và các nước.

Qua Liên hoan, các nghệ sĩ có dịp giao lưu trao đổi kinh nghiệm về những thủ pháp sáng tạo, những tìm tòi sáng tạo mang tính thử nghiệm, mang tới cho người xem hôm nay những điều mới lạ, đa dạng và phong phú của nghệ thuật sân khấu, đáp ứng những mong muốn, những nhu cầu đòi hỏi  về  chất lượng đổi mới  của khán giả hôm nay về nghệ thuật biểu diễn trong nước và các nước trên thế giới.

Về Liên hoan lần này, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cũng cho rằng, đây là sự kiện văn hóa có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh sân khấu thế giới cùng các ngành nghệ thuật khác đang trên đà phục hồi và tập trung phát triển sau 2 năm bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Với 21 vở diễn, Liên hoan là cơ hội để các nghệ sĩ trong nước và quốc tế thể hiện tài năng, mở rộng giao lưu văn hóa, trao đổi, học tập kinh nghiệm, góp phần phát triển nghệ thuật sân khấu của Việt Nam, khu vực trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Đồng chí Thứ trưởng cũng bày tỏ kỳ vọng, với sự cống hiến hết mình của các nghệ sĩ, chúng ta không chỉ Liên hoan thành công rực rỡ, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng bè bạn. Quan trọng hơn nữa là sau Liên hoan, sân khấu Việt Nam sẽ xuất hiện thêm nhiều vở diễn mới với những trăn trở, khám phá để tìm ra những thủ pháp dàn dựng, ngôn ngữ nghệ thuật mới cũng như xử lý một cách có hiệu quả những vấn đề đang đặt ra trong cuộc sống xã hội ngày nay.

Được biết, sau lễ khai mạc, rạp Đại Nam (89 phố Huế - Hà Nội) sẽ là nơi diễn ra các tác phẩm dự thi của 6 quốc gia cùng với một số vở diễn của Việt Nam. Các vở còn lại sẽ được trình diễn tại các đơn vị tại Hà Nội gồm: Rạp Công nhân, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Quân đội và một số vở diễn tại Nhà hát Tháng Tám (Hải Phòng).

Hoa Nguyễn
.
.
.