Chiến lược mới về phát triển công nghiệp văn hóa là một yêu cầu cấp thiết

Thứ Tư, 10/07/2024, 08:36

Chiến lược về phát triển các ngành công nghiệp văn hoá (CNVH) Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được triển khai xây dựng từ năm 2014, ban hành từ năm 2016. Đến nay, thực tiễn đời sống xã hội đã có rất nhiều thay đổi nên chiến lược này không còn phù hợp và rất cần có chiến lược mới về phát triển các ngành CNVH Việt Nam.

Phải thay đổi để thích ứng với bối cảnh mới

Xây dựng một chiến lược mới về phát triển CNVH Việt là yêu cầu cấp thiết nhằm phát huy có hiệu quả hơn nữa tiềm năng văn hoá và sáng tạo của quốc gia. Đây là nhận định chung của nhiều nhà quản lý, nhà nghiên cứu và những người trực tiếp tham gia hoạt động trong các ngành CNVH tại hội thảo tham vấn “Đề án Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Hội thảo do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức ngày 9/7 tại Hà Nội.

Chiến lược mới về phát triển công nghiệp văn hóa là một yêu cầu cấp thiết -0
Hội thảo tham vấn Đề án Chiến lược mới về phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam thu hút sự tham gia của nhiều người làm trong lĩnh vực văn hóa, sáng tạo.

Theo ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được xây dựng từ năm 2014 và phê duyệt vào cuối năm 2016 trong bối cảnh còn nhiều hạn chế về nhận thức chung và kinh nghiệm lúc đó, là nỗ lực cụ thể đầu tiên của Chính phủ đối với vấn đề này. Chiến lược này, với tầm nhìn đến năm 2030, có những mục tiêu khá tham vọng: Không chỉ tìm cách giải phóng và khai thác tiềm năng kinh tế của các nguồn lực văn hóa và tài năng sáng tạo, đóng góp tăng trưởng 7% GDP vào năm 2030, mang lại nhiều việc làm cho người lao động mà còn hướng tới các mục tiêu có tính phát triển bền vững như thúc đẩy hội nhập xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng đời sống tinh thần người dân và tìm cách nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm, thương hiệu địa phương và quốc gia ra thị trường khu vực và thế giới.

Cũng theo ông Trần Hoàng, việc ban hành Chiến lược trên là động lực tạo ra sự chuyển biến tích cực và đổi mới trên toàn bộ lĩnh vực văn hóa. Qua thực tiễn 8 năm triển khai thực hiện, bước đầu, các ngành CNVH Việt Nam đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Nhưng bên cạnh các thành tựu, chúng ta cũng cần phải thừa nhận rằng, hành trình phát triển các ngành CNVH thời gian qua vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế và trong những năm tới, sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là trong bối cảnh mới với xu hướng toàn cầu hóa mạnh mẽ, sự phát triển như vũ bão của công nghệ kỹ thuật số và các công nghệ mới của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, những thách thức cấp bách về phát triển bền vững và năng lực cần có để ứng phó với nhiều khủng hoảng ở quy mô toàn cầu. Bản chất năng động của các ngành CNVH và sáng tạo sẽ đòi hỏi chúng ta phải có những đánh giá thường xuyên, điều chỉnh kịp thời và thích ứng liên tục với bối cảnh mới để tối đa hóa nguồn lực hiện có, nắm bắt xu hướng phát triển của tương lai trong lĩnh vực này.

Đồng quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho hay, việc ban hành chiến lược mới này tạo ra sự chuyển biến tích cực và đổi mới đối với các ngành CNVH. Năm 2022, các ngành CNVH Việt Nam đóng góp 4,04% đối với GDP, tạo 1 triệu việc làm cho xã hội. Doanh thu xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ văn hóa, số lượng doanh nghiệp và các không gian văn hóa, trung tâm sáng tạo, thành phố sáng tạo trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong cả nước tăng lên. Nhiều sản phẩm, dịch vụ sự kiện, chương trình văn hóa nghệ thuật đã thể hiện sống động bản sắc, tinh thần sáng tạo Việt Nam, góp phần phát huy sức mạnh mềm văn hóa trong hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, việc triển khai thực hiện Chiến lược còn một số tồn tại, hạn chế.

Cơ chế chính sách cần theo kịp thực tiễn

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, thời gian qua, nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của phát triển các ngành CNVH gắn với mục tiêu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế của đất nước chưa rõ. Quan niệm ngành văn hóa là ngành “tiêu tiền” đang tạo rào cản trong nhận thức về đầu tư các nguồn lực cho phát triển các ngành CNVH. Chúng ta chưa phát huy được sự đóng góp của các chủ thể tham gia vào chuỗi giá trị CNVH do cơ chế phối hợp giữa các ban, ngành, cơ quan các cấp, giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân còn thiếu đồng bộ, chặt chẽ.

Nhạc sĩ Quốc Trung cũng nhận định, quá trình hoàn thiện thể chế chưa tạo điều kiện ưu tiên và khuyến khích các ngành CNVH phát triển. Bất cập trong cơ chế chính sách tạo tình trạng thiếu hài hòa giữa khu vực công lập và tư nhân trong việc tiếp cận nguồn hỗ trợ từ Nhà nước. Theo nhạc sĩ Quốc Trung, đội ngũ sáng tạo mạnh hiện nay nằm ở trong các đơn vị công lập không nhiều và quan niệm xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa có vẻ như đang nghiêng nhiều về đội ngũ ngoài nhà nước được phép làm công việc sáng tạo về văn hoá, chứ chưa có chính sách phù hợp về sự phối hợp giữa đội ngũ sáng tạo bên ngoài và trong nhà nước. Đội ngũ sáng tạo ngoài công lập rất khó tiếp cận sử dụng các thiết chế văn hoá của nhà nước, còn các đơn vị nghệ thuật trong nhà nước đương nhiên được sử dụng các thiết chế này và được ưu đãi nhiều điều kiện khác, trong khi họ đã được trả lương cho các nhiệm vụ chính trị. Để phát triển CNVH Việt Nam, chúng ta cần xóa đi ranh giới giữa đội ngũ này.

Nhiều ý kiến cho rằng, chủ trương, đường lối của Đảng đã xác định vai trò quan trọng của văn hoá nhưng trong quá trình triển khai ở nhiều địa phương lại chưa được chú trọng. Cơ chế, chính sách cho phát triển CNVH Việt Nam hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, có khi còn là rào cản cho phát triển CNVH. Việc xây dựng Chiến lược mới là cần thiết nhưng cũng cần quan tâm về xu hướng phát triển của khoa học công nghệ, những lĩnh vực mới ngoài 12 ngành CNVH đã được xác định trước đây, để khi ban hành không xảy ra tình trạng lạc hậu so với thực tế.

Hoa Nguyễn
.
.
.